Thai kỳ thứ 4 - nơi thay bụng mẹ tiếp lửa sự sống cho trẻ sinh non

Ngày 17/10/2016 10:08 AM (GMT+7)

Đối với những trẻ sinh non, tạo hóa đã cho các con hình hài nhưng chưa cho các con sinh lực. Bàn tay và trái tim của các y bác sĩ đã làm nốt phần việc dang dở còn lại của tạo hóa.

Nơi tiếp lửa cho sự sống

Những khuôn măt lo âu, những ánh mắt chờ đợi của những ông bố, bà mẹ từ phía ngoài hành lang đang hướng về Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh. Bởi trong ấy những đứa con bé bỏng, non nớt của họ đang từng giây, từng phút cùng các bác sĩ tại trung tâm đấu tranh, giành giật lấy sự sống.

Ngồi được dăm ba phút rồi lại đứng lên, ngóng về phía trung tâm, khuôn mặt anh Đức tỏ rõ vẻ lo lắng: “Vợ chồng tôi đi chữa trị bao lâu mới có được đứa con, nhưng mới chỉ 27 tuần tuổi cháu đã ra đời với cân nặng chỉ có 1,1 kg. Sau sinh, con được chuyển ngay sang Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh vì đây được coi là trường hợp sinh cực kỳ non tháng và nhẹ cân. Thấy thân hình tím tái, nhỏ xíu của con tôi rất lo sợ. Trăm sự chỉ biết nhờ đến các bác sĩ tại trung tâm”.

Thai kỳ thứ 4 - nơi thay bụng mẹ tiếp lửa sự sống cho trẻ sinh non - 1

Những em bé với cân nặng chỉ từ 700g đang được chăm sóc và điều trị tại trung tâm.

Tâm trạng của anh Đức cũng là tâm trạng chung của rất nhiều ông bố, bà mẹ đang có mặt tại Trung tâm chăm sóc trẻ sinh non. Những em bé sinh ra chỉ với cân nặng 500g, 700g nhưng đã được nuôi dưỡng thành công.

Đó là kỷ lục được ghi nhận vào năm 2010, các bác sĩ tại trung tâm đã nuôi sống thành công cháu bé Bùi Hiền Thục sinh non 25 tuần tuổi và chỉ nặng 500gr. Ngày đó, bé Thục được các bác sĩ tiếp nhận từ phòng đẻ về trong tình trạng toàn thân tím đen do xuất huyết dưới da, nhịp tim và mạch chỉ 120 lần/phút trong khi trẻ sơ sinh để sống được phải đạt 150 lần/phút. Trương lực cơ và phản xạ thì hầu như không có... Nguy hiểm nhất là cơ quan hô hấp của trẻ hoạt động rất yếu ớt.

Lúc đó, các bác sĩ đều tiên lượng thấp và không ít lần gia đình đã sẵn sàng tinh thần đón nhận tin xấu nhất. Suốt ba tháng điều trị trong khoa là ba tháng chiến đấu với tử thần. Với nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ trung tâm, điều kỳ diệu đã đến, bé Hiền Thục được xuất viện khỏe mạnh.

Thai kỳ thứ 4 - nơi thay bụng mẹ tiếp lửa sự sống cho trẻ sinh non - 2

Nhìn những bàn tay, bàn chân nhỏ xíu với những thiết bị, máy móc chằng chịt quanh người, ai mà không khỏi xót lòng.

Điều đó đã đánh dốc bước phát triển qua trọng trong ngành y tế của nước nhà ngang tầm thế giới trong việc chăm sóc trẻ sinh non. Còn đối với gia đình đó là sự tưởng tượng ngoài mong đợi.

Theo Ths.BS Lê Minh Trác, Phó giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh cho hay: “Những năm gần đây, tỷ lệ sinh non ngày càng nhiều. Những trường hợp thai nhi chỉ 25 - 26 tuần tuổi và cân nặng thấp 700 - 800 gram đã được nuôi sống không còn là hy hữu. Mỗi năm tại bệnh viện tiếp nhận và chăm sóc thành công cả nghìn bệnh nhi”.

Quy trình chăm sóc tỉ mỉ và cẩn trọng

Ngày hôm ấy, tôi may mắn được các bác sĩ ở khoa đặc cách đồng ý cho mặc bộ quần áo sát khuẩn để vào khoa. Bác sĩ Trác bảo: “Thông thường, chăm sóc, nuôi trẻ non tháng, nhẹ cân phải đảm bảo phòng chống, điều trị 7 yếu tố cụ thể: Hồi sức cấp cứu, giữ ấm thân nhiệt, hô hấp, hạ đường máu, dinh dưỡng, vàng da và chống nhiễm khuẩn.

Chăm sóc một người bệnh trưởng thành đã vô cùng khó khăn huống chi đây chỉ là những đứa trẻ với thân hình quá non yếu. Do đó, việc chăm sóc đòi hỏi sự tỉ mỉ, môi trường ở đây cũng phải đảm bảo vô trùng”.

Thai kỳ thứ 4 - nơi thay bụng mẹ tiếp lửa sự sống cho trẻ sinh non - 3

BS Trác cùng với đội ngũ y bác sĩ tại trung tâm đang từng ngày từng giờ cùng với các bé giành giật lại sự sống.

Lần điều tiên nhìn thấy những em bé sinh non với cân nặng chỉ với 700-800g (tương đương 25-26 tuần tuổi), tôi thoáng chút giật mình. Những em bé với chiếc đầu nhỏ xíu, có lẽ chỉ nhỉnh hơn nắm tay của một người trưởng thành, thân hình xẹp lép, làn da tím tái, từng hơi thở của các con cũng thật khó nhọc.

Những bàn chân, bàn tay non búng, mọng nước, nhìn rõ cả những mạch máu chạy dưới da. Tôi có cảm tưởng như chỉ đụng vào những làn da mỏng manh này sẽ lập tức khiến các con bật máu.

Quanh mỗi cháu đều được trang bị nhiều loại máy hỗ trợ: máy thở, máy lọc máu, máy điện tim, dây chuyền ăn xông... Càng nhìn mà càng thấy sự sống thật mong manh.

Nghe tiếng máy tít tít báo đến giờ ăn của trẻ, các y bác sĩ lại vội vàng mang sữa đến cho bé ăn rồi ghi ghi chép chép. Có lẽ ai cũng hiểu việc chăm sóc cho trẻ sinh non vốn chẳng dễ dàng.

Đơn cử việc cho trẻ non cân thích nghi phản xạ bú mớm cũng là cả sự kỳ công luyện tập. Để tập cho trẻ ăn bằng miệng, sau khi rút xông, các cô y tá nhỏ từng giọt sữa hoặc bón thìa cho trẻ với 1ml/bữa, 4 bữa/ngày. Tuy nhiên, có nhiều trẻ do không tiếp nhận được thức ăn nên trào ngược theo đờm dãi hoặc bụng trướng to, trẻ quay lại chu trình ăn qua xông.

Thai kỳ thứ 4 - nơi thay bụng mẹ tiếp lửa sự sống cho trẻ sinh non - 4

Căn phòng này vốn chỉ dành cho 4-5 bé nằm, vậy mà có những lúc cao điểm có tới hơn 20 bé nằm điều trị tại đây.

Cứ như thế, phải làm đi làm lại nhiều lần đến khi trẻ tiếp nhận được thức ăn. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng quyết định trẻ có thể khả năng sinh tồn.

Đối với những trẻ sinh non, giữ được đôi mắt cho các con cũng là thử thách không nhỏ. Trẻ đẻ non từ 32 tuần trở xuống và dưới 1,5 kg có nguy cơ rất cao bị mắc bệnh võng mạc. Nếu không khám và mổ điều trị kịp thời, trẻ sẽ vĩnh viễn hỏng mắt. Vì vậy, trẻ sau khi ra viện vẫn cần được tái khám định kì để kịp thời điều trị.

Chỉ vào một căn phòng với hơn hai chục cháu đang điều trị, BS Trác không khỏi lo lắng: “Đáng lẽ theo quy chuẩn quốc tế, căn phòng 15m2 này chỉ đủ cho 4-5 cháu điều trị. Nhưng do cơ sở vật chất tại trung tâm không đủ, hiện tại có đến hơn 20 cháu đang nằm điều trị tại đó”.

Chút giọng thoáng buồn, BS Trác bảo: “Tôi chẳng mong ước gì nhiều, chỉ mong trung tâm có một cơ sở đầy đủ hơn để các con có thể được chăm sóc một cách tốt nhất. Tôi cũng mong rằng mình có nhiều tài hơn để có thể cứu sống được nhiều hơn nữa những đứa trẻ sinh non”.

Được tận mắt chứng kiến sự chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo của các bác sĩ tại trung tâm, tôi càng cảm phục hơn sự hi sinh thầm lặng của những con người tiếp lửa sự sống cho những sinh linh bé nhỏ. Nhìn những em bé sinh ra vốn chỉ nặng 500-600g nhưng sau một thời gian trở thành một đứa trẻ bụ bẫm, đáng yêu tôi mới nhận ra cuộc sống vẫn có những thứ thật kì diệu.

Mời các mẹ đón đọc Phần 2: Chuyên gia hướng dẫn cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà vào 05h00 ngày 19/10/2016 

Kim Oanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu