Trẻ sau sinh một ngày vẫn không đại tiện được, thủ phạm là căn bệnh hiếm gặp

Ngày 30/01/2023 21:00 PM (GMT+7)

Bình thường, trẻ sau sinh sẽ đi ngoài trong vòng 24 giờ, nếu như quá 24 giờ trẻ chưa đi ngoài phân su thì cần phải có sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa.

Sản phụ Hà Thị N. (ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) sinh mổ bé thứ 2 tại bệnh viện ở địa phương, sau sinh trẻ bú tốt. Tuy nhiên, 24 giờ sau sinh, trẻ vẫn không đi đại tiện được, xuất hiện nôn trớ nhiều.

Qua thăm khám, bác sĩ thấy không có lỗ hậu môn, không có đường rò nên được chuyển đến BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ. Tại đây, trẻ được khám, kiểm tra và chẩn đoán xác định dị tật không hậu môn thể thấp.

Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật tạo hình hậu môn một thì. Sau mổ, trẻ đi ngoài tốt, sức khỏe ổn định.

Theo ThS.BS. Nguyễn Thanh Sơn - Phó trưởng khoa Ngoại Nhi tổng hợp, BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, dị dạng hậu môn trực tràng là một dị tật hiếm gặp ở trẻ sơ sinh, khoảng 1/4000 trẻ sinh sống. 

Khi không có hậu môn, ống trực tràng bị gián đoạn và phân ứ đọng lại ở ruột già. Phân "tìm" đường thoát và sẽ rò ra ngoài bởi một đường rò (ở 90% trẻ). Đường rò này có thể ra tầng sinh môn, rò vào niệu đạo hay bàng quang, âm đạo ở trẻ gái…

Trường hợp khác không có đường rò, lòng ruột sẽ bị gián đoạn hoàn toàn và tình trạng tắc ruột xảy ra (khoảng 10%).

ThS.BS. Nguyễn Thanh Sơn khuyến cáo, gia đình cần đặc biệt lưu ý đến trẻ sau sinh, nhất là vấn đề đại, tiểu tiện của trẻ. Bình thường trẻ sẽ đi ngoài trong vòng 24 giờ, nếu như quá 24 giờ trẻ chưa đi ngoài phân su thì cần phải có sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa.

Đối với sản phụ trong quá trình mang thai, thai phụ cần đi thăm khám thai định kỳ tại cơ sở y tế có đầy đủ chuyên môn. Đặc biệt, việc sàng lọc trước sinh rất quan trọng và có thể phát hiện được các dấu hiệu định hướng như các quai ruột giãn thường xuyên trong tất cả các lần siêu âm.

Gia đình cần đặc biệt lưu ý đến trẻ sau sinh, nhất là vấn đề đại, tiểu tiện của trẻ.

Gia đình cần đặc biệt lưu ý đến trẻ sau sinh, nhất là vấn đề đại, tiểu tiện của trẻ.

Trường hợp khác, gia đình phát hiện bé gái 3 tháng tuổi (ở Việt Trì, Phú Thọ) đi ngoài ra phân ở… cơ quan sinh dục nên đã đưa con đi khám tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ và được chẩn đoán trước mổ là dị tật hậu môn tiền đình.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật, chẩn đoán xác định rò trực tràng tiền đình. Trẻ được phẫu thuật cắt bỏ đường rò, khâu phục hồi trực tràng. Sau mổ ngày thứ 2, hậu phẫu bệnh nhân ổn định.

BS. Sơn cho biết, rò trực tràng tiền đình hay còn gọi là rò hậu môn tiền đình ở trẻ là tình trạng có một đường thông bất thường từ ống hậu môn - trực tràng đổ ra tiền đình phần kín, trong khi vẫn có hậu môn bình thường. Điều trị rò trực tràng tiền đình không quá khó. Đây là một bệnh lý ngoại khoa nên sẽ cần được chỉ định phẫu thuật điều trị, thường phẫu thuật khi trẻ được 3 tuổi, loại phẫu thuật và số lần phẫu thuật của trẻ sẽ phụ thuộc và loại lỗ rò.

Rò trực tràng tiền đình ở trẻ mặc dù không quá nguy hiểm nhưng nếu phát hiện bệnh muộn, không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nặng nề như đại tiện không tự chủ, viêm đường tiết niệu,nhiễm trùng,...

"Trẻ cần thường xuyên theo dõi và vệ sinh vết mổ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, lau khô sạch bằng khăn hoặc giấy mềm sau mỗi lần vệ sinh cho, cho bé uống đủ nước và ăn nhiều rau xanh trái cây tươi nhằm hạn chế tối đã tình trạng táo bón và giúp trẻ đại tiện được dễ dàng hơn" – chuyên gia Ngoại Nhi tư vấn thêm.

Xét nghiệm AMH - phụ nữ đang mong muốn có con nhất định phải biết
Kết quả xét nghiệm AMH “tiết lộ” những điều rất thiết thực mà chị em đang mong có con hay phụ nữ muốn giữ tuổi xuân đều rất quan tâm.

Các bước chuẩn bị mang thai

D. Hải
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe bà bầu