Vợ trẻ tuyệt vọng vì 4 lần sảy thai liên tiếp, tình cờ khám bác sĩ phát hiện ra điều bất thường

Thảo Nguyên - Ngày 14/04/2023 09:00 AM (GMT+7)

Dù đã thăm khám ở rất nhiều phòng khám và các bệnh viện lớn nhỏ nhưng người vợ trẻ 4 lần bị sảy thai liên tiếp này vẫn không phát hiện ra căn nguyên gây nên tình trạng này cho đến 1 lần tình cờ được khám.

Những ngày này đối với vợ chồng chị Ngô Thị Hoài, SN 1999 ở Hữu Văn, Chương Mỹ, Hà Nội là những ngày tháng hạnh phúc nhất. Bởi sau những năm hiếm muộn, vợ chồng chị Hoài đã được hưởng niềm hạnh phúc làm bố mẹ sau thời gian mong ngóng tưởng có lúc tuyệt vọng.

Vợ chồng chị Hoài rất dễ đậu thai, tuy nhiên lần nào có bầu là lần đó lại bị sảy. Chị đã từng bị sảy thai 4 lần liên tiếp khiến cho cả 2 đều phát hoảng và lo lắng. Vợ chồng đã đưa nhau đi khám hiếm muộn ở rất nhiều bệnh viện và đến nhiều phòng khám tư của các bác sĩ sản phụ khoa. Đến đâu họ cũng được hướng dẫn làm đủ các xét nghiệm như xét nghiệm nhiễm sắc thể, gen đông máu.... nhưng vẫn không tìm ra căn nguyên gây nên tình trạng sảy thai liên tiếp khiến chị Hoài tuyệt vọng.

Sau những năm hiếm muộn, vợ chồng chị Hoài đã được hưởng niềm hạnh phúc làm bố mẹ sau thời gian mong ngóng. (Ảnh: BSCC)

Sau những năm hiếm muộn, vợ chồng chị Hoài đã được hưởng niềm hạnh phúc làm bố mẹ sau thời gian mong ngóng. (Ảnh: BSCC)

Trong lần tình cờ đi khám tại viện X, vì bác sĩ trực có ca cấp cứu nên vợ chồng chị Hoài đã được bác sĩ sản phụ khoa Nguyễn Trọng Hùng siêu âm. Lúc này người vợ trẻ mới ngã ngửa người khi bác sĩ nhận định chị bị tử cung có vách ngăn.

“Bác sĩ nói mặc dù tử cung có vách ngăn không dài nhưng buồng tử cung của mình lại rất hẹp. Vì thế tình trạng này gây nên thai lưu, sảy thai liên tiếp, bất thường vị trí làm tổ. Điều này khiến 2 vợ chồng mình bất ngờ vì đã từng đi thăm khám ở rất nhiều nơi nhưng không thấy bác sĩ nào thông báo về tình trạng này cả, cũng không ai phát hiện ra. Đến nỗi bác sĩ phải giải thích, vẽ vào ảnh siêu âm thì vợ chồng mình mới hiểu và dễ tưởng tượng được tình trạng này”, chị Hoài nhớ lại.

Nghe theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa, chị Hoài đã quyết định mổ cắt vách ngăn tử cung để có cơ hội cho thai phát triển. Ngay khi có thai trở lại, mẹ bầu đã đi thăm khám định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ.

“Do buồng tử cung của mình hẹp nên nguy cơ sinh non cao, bác sĩ cũng dự đoán sẽ phải uống thuốc giảm co đến lúc đẻ. Và không ngoài dự đoán, dù uống thuốc giảm co nhưng khi thai 22 tuần, cổ tử cung vẫn quá ngắn do buồng tử cung hẹp nên mình phải tiếp tục khâu eo và đặt vòng nâng tử cung. Đã vậy mình còn bị tiểu đường thai kỳ nữa”, chị Hoài kể những gian nan khi mang bầu.

Tuy nhiên với sự cố gắng của 2 vợ chồng trong suốt thai kỳ và sự đồng hành của bác sĩ mà vợ chồng chị Hoài cuối cùng cũng cán đích thành công: “Sau bao chờ đợi, cuối cùng vợ chồng mình đã được đón con trai nhỏ nặng 3kg trên tay. Mọi thứ thật khó khăn và vất vả nhưng nhờ kiên trì và có duyên gặp được đúng bác sĩ mà mong mỏi bao lâu nay của vợ chồng mình đã thành sự thật”.

Khi chia sẻ về trường hợp của vợ chồng Chương Mỹ, Hà Nội kể trên, bác sĩ sản phụ khoa Nguyễn Trọng Hùng - người trực tiếp thăm khám, phát hiện và điều trị cho chị cho biết, tử cung có vách ngăn là một bất thường di truyền mà hiện nay các bác sĩ vẫn chưa biết nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng này.

Bác sĩ Hùng cũng cho biết, tử cung của thai nhi được hình thành trong suốt quá trình phát triển của phôi thai bởi sự sát nhập của hai ống dẫn song song tạo thành một tạng rỗng gọi là tử cung. Nếu quá trình sát nhập hai ống này diễn ra suôn sẻ sẽ hình thành một tử cung hoàn toàn bình thường. Nếu quá trình sát nhập này xảy ra bất thường sẽ xuất hiện tình trạng vách ngăn tử cung, tử cung hai sừng hoặc tử cung đôi.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hùng bế em bé mới sinh chụp ảnh cùng vợ chồng chị Hoài. (Ảnh: BSCC)

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hùng bế em bé mới sinh chụp ảnh cùng vợ chồng chị Hoài. (Ảnh: BSCC)

Hiện tượng tử cung có vách ngăn thường không ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của người phụ nữ, nhưng nó làm tăng đáng kể nguy cơ sảy thai.

“Bản thân vách ngăn là một mô xơ không có nhiều nguồn cung cấp máu. Vì vậy, nếu trứng được thụ tinh làm tổ ở vách ngăn thì thai nhi sẽ ít có cơ hội phát triển bình thường vì nguồn dinh dưỡng không có đủ để phát triển. Ngoài ra, thể tích buồng tử cung quá nhỏ. Điều này dễ làm thai dễ lưu và sảy thai liên tiếp hơn. Tuy nhiên không phải trường hợp nào có vách ngăn tử cung cũng gây sảy thai, thai lưu liên tiếp. Đa số thai lưu, sảy thai liên tiếp là do phôi bất thường”, bác sĩ Trọng Hùng nhận định.

Chính bởi thế, nam bác sĩ sản phụ khoa này cũng khuyên chị em nếu bị sảy thai, thai lưu liên tiếp và loại trừ hết các nguyên nhân khác thì nên phải đi khám tử cung có vách ngăn để được mổ cắt vách ngăn sớm, dễ dàng đón con yêu về.

Kinh nghiệm IVF thành công của mẹ hiếm muộn 4 năm tìm con từng nhiều lần canh trứng và IUI thất bại
Sau 4 năm tìm con vì vợ chồng đều có vấn đề về sức khỏe sinh sản, chị Thúy đã được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ và có hẳn một bí quyết làm IVF thành công cho các chị em hiếm muộn tham khảo.

IVF - Thụ tinh trong ống nghiệm

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện mang thai