Bệnh ho ở trẻ

Trẻ sơ sinh bị ho là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Đó có thể chỉ là một hiện tượng thông thường hoặc trẻ đang gặp một vấn đề nào đó. Tùy vào từng trường hợp sẽ có những cách điều trị và xử lý khác nhau.

Tổng quát về bệnh ho ở trẻ

Ho là một cơ chế tự bảo vệ của cơ thể. Nó đóng vai trò như một cách cơ thể dùng để giữ cho đường hô hấp được thông thoáng, tống xuất đờm, dịch mũi họng... ra ngoài.

Thông thường, trẻ em dưới 4 tháng tuổi không bị ho nhiều. Nếu điều đó xảy ra chứng tỏ đã có một vấn đề nghiêm trọng. Khi ấy, cha mẹ cần phải chú ý đến những biểu hiện của trẻ để có những xử lý kịp thời.

Ảnh minh họa

Các loại ho ở trẻ thường gặp nhất

Ho khan: Trẻ sơ sinh bị ho khan khi bị cảm lạnh hoặc dị ứng. Do khí quản dưới có sự phản ứng với sự thay đổi của nhiệt độ vào buổi chiều tối, ban đêm và viêm thanh quản dẫn đến ho khan ở trẻ. Đôi lúc sẽ có thêm triệu chứng thở khò khè.

Trẻ ho có đờm: Nếu trẻ có hiện tượng này thì chứng tỏ bé đã bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, đã hình thành đờm và chất nhầy.

Khi nào cần đưa trẻ bị ho đến bệnh viện?

Vì không phải là bệnh lý nên thường thì ho không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì cần phải đưa trẻ đến bệnh viện điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm sau này cho trẻ. Cụ thể như sau:

- Trẻ dưới 4 tháng tuổi bị ho

- Trẻ bị ho khan, không bị sốt kèm theo những biểu hiện của bệnh cảm lạnh, kéo dài hơn 7 ngày.

- Ho khan có đờm, sốt từ 38 độ C trở lên và có những triệu chứng của bệnh cảm lạnh.

- Trẻ thở nhanh hoặc khò khè.

- Trẻ bị ho đột ngột, kéo thành từng cơn.

- Da trẻ trở nên xanh hoặc tím tái.

Nguyên nhân trẻ bị ho

Thông thường, nguyên nhân gây ho ở trẻ đến 90% là do mắc một bệnh lý liên quan đến đường hô hấp. Có một vài nguyên nhân cơ bản sau dẫn đến ho ở trẻ sơ sinh:

- Bé bị ho do cảm lạnh, cảm cúm thông thường

- Trẻ ho do viêm thanh khí phế quản

- Trẻ bị ho do viêm phổi

- Trẻ bị ho do viêm phế quản hoặc hen suyễn

- Trẻ ho vì bệnh ho gà

- Trẻ bị sặc, hóc dị vật dẫn đến ho

Cách chữa ho cho trẻ theo từng nguyên nhân

Vì nguyên nhân dẫn đến việc bé sơ sinh bị ho khá đa dạng với các biểu hiện khác nhau và chữa trị tùy thuộc vào từng nguyên nhân và tình trạng bệnh. Những cách chữa ho cho bé sơ sinh theo từng nguyên nhân đó là:

Trẻ sơ sinh bị ho do cảm lạnh, cảm cúm thông thường

- Biểu hiện: Nghẹt mũi, dấu hiệu viêm họng, ho khan thì là bé ho do cảm lạnh. Ngoài ra, phụ thuộc vào tùy từng mức độ của bệnh, các triệu chứng kèm theo còn có: ho có đờm nhớt, sốt nhẹ vào ban đêm.

Trong trường hợp này thì cần áp dụng một số phương pháp sau để chữa cho trẻ:

- Cho bé bú đủ: Điều này sẽ giúp làm loãng dịch đờm, giúp trẻ ho dễ dàng. Ngoài ra có thể cho bé uống thêm nước.

- Vỗ rung long đờm cho trẻ: Việc này nên làm vào buổi sáng, lúc trẻ vừa thức dậy và chưa ăn gì. Để trẻ nằm hoặc ngồi trong tư thế đầu hơi dốc xuống rồi khum lòng bàn tay lại, vỗ ở giữa hai bả vai bé nhịp nhàng, liên tục. Sau khi vỗ, có thể bé sẽ bị ho nhiều hơn, nôn khạc đờm và sẽ đỡ. 

Ảnh minh họa

- Vệ sinh mũi cho trẻ: Chỉ nên thực hiện mỗi ngày hai lần bằng cách hút mũi kết hợp với rửa mũi bằng nước muối vệ sinh.

- Giảm ho: Sử dụng nước muối sinh lý để làm sạch mũi trẻ và dùng máy phun sương tạo ẩm giúp bé dễ thở hơn. Trong trường hợp trẻ đã hơn một tuổi, có thể pha mật ong với nước ấm rồi cho bé uống.

- Đưa trẻ đi gặp bác sĩ ngay: Nếu trẻ sốt trên 38 độ C kèm theo các biểu hiện như mệt mỏi, lừ đừ, bỏ bú, quấy khóc.... Nếu bé dưới 4 tháng tuổi bị sốt, dù chỉ là sốt nhẹ thì có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Bất kỳ chỉ định thuốc nào dành cho trẻ sơ sinh đều phải được bác sĩ chuyên khoa trực tiếp thực hiện.   

- Ngoài ra cần chú ý về gió và nhiệt độ nơi trẻ nằm ngủ nghỉ:

+ Không để gió ngoài trời hoặc gió quạt thổi trực tiếp vào mặt và cổ của bé.

+ Giữ cho chân và tay trẻ không bị lạnh.

+ Duy trì nhiệt độ trong phòng của trẻ từ 27-19 độ C.

+ Cần tắt điều hòa khoảng 10 – 15 phút trước khi bế trẻ ra ngoài để tránh tình trạng sốc nhiệt.

Bé sơ sinh bị ho do viêm thanh khí phế quản

Một trong những nguyên nhân làm cho bé sơ sinh bị ho khò khè là bệnh viêm thanh khí phế quản. Đây là bệnh xảy ra do khí quản, thanh quản bị viêm dẫn đến sưng lớp màng khí quản, làm trẻ em bị khó thở.

Khi trẻ bị viêm thanh khí phế quản thì sẽ có những dấu hiệu sau đây:

- Trẻ thở yếu

- Ho thành từng cơn ngắn, tiếng ho lớn

- Tiếng thở của bé giống tiếng ngáy hoặc tiếng thổi sáo qua kẽ răng.

- Da tái xanh

- Nếu bé khó thở nghiêm trọng, trẻ sẽ cố gắng vận động các cơ quanh mũi, cổ và cánh tay.

Để chữa cho trẻ, trước tiên phải làm dịu cơn ho bằng cách bế bé ở tư thế vác vai và vỗ nhẹ vào lưng bé. Tiếp theo, có thể áp dụng một vài cách như sau:

- Để trẻ ngồi ở phòng tắm đóng kín, mở vòi sen nước nóng giúp bé hít thở khí nóng ẩm.

- Cần đưa trẻ ra ngoài đi dạo nơi có không khí thoáng đãng, trong lành và mát mẻ.

- Trong phòng bé ở phải bật máy làm ẩm không khí. Việc sử dụng máy phun sương cũng cần đúng cách để tránh tình trạng bệnh của trẻ trở nên nặng hơn.

Nếu không có gì bất thường xảy ra thì bệnh sẽ thuyên giảm sau từ 3-5 ngày. Hết khoảng thời gian đó mà trẻ chưa khỏi thì cha mẹ cần đưa bé đến bác sĩ để chẩn đoán, điều trị kịp thời. 

Trẻ sơ sinh bị ho do viêm phổi

Triệu chứng ban đầu của bệnh ho do viêm phổi ở bé sơ sinh:

- Bỏ bú hoặc bú kém

- Sốt trên 37,5 độ hoặc hạ thân nhiệt

- Bé thở nhanh trên 60 lần/ phút hoặc khó thở.

- Ho ra đờm xanh hoặc vàng

Để điều trị thì còn cần phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh (virus hay vi khuẩn). Khi thấy bé có những biểu hiện trên nên đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trẻ sơ sinh bị ho do viêm phế quản hoặc hen suyễn

Thông thường, trẻ dưới 2 tuổi sẽ ít bị hen suyễn, trừ trường hợp bé mắc bệnh eczema (chàm) hoặc gia đình có người bị dị ứng và hen suyễn. Nếu trẻ bị ho do viêm phế quản, hen suyễn thì sẽ khó thở, có dấu hiệu của bệnh cảm lạnh, ngứa, chảy nước mắt.

Khi đã áp dụng các phương pháp điều trị viêm phế quản và hen suyễn mà bé vẫn bị ho dữ dội hoặc tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn sau 1-2 ngày thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Đối với trẻ bị hen suyễn nặng, có thể bác sĩ sẽ chỉ định cho bé xông albuterol. 

Trẻ bị ho vì bệnh ho gà

Khi bị ho gà, trẻ sẽ ho thành từng cơn kế tiếp nhau, mỗi lúc một nhanh rồi yếu dần rồi đến lúc hít vào thật sâu thì giống tiếng gà gáy. Sau mỗi cơn ho, mặt bé đỏ, môi tím, sưng hai mí mắt, tĩnh mạch cổ nổi lên. Trẻ sẽ không có những triệu chứng của cảm lạnh hoặc sốt nếu bị ho gà. Nếu đã được chẩn đoán là mắc ho gà, trẻ có thể sẽ phải nhập viện để điều trị

Trẻ bị ho do sặc hay hóc dị vật   

Trong khi bú hoặc chơi với thú nhồi bông, trẻ có thể bị sặc khiến bị ho. Để không để trẻ bị ho, không cho bé nằm bú và không để thú nhồi bông xung quanh chỗ bé nằm.

Nếu trẻ bị hóc các dị vật như mẩu đồ chơi nhỏ, cúc áo, hạt đậu phộng…thì sẽ có các dấu hiệu sau đây:

- Bỗng nhiên thở hổn hển hoặc ho đột ngột

- Miệng trẻ há to

- Da bé xanh hoặc nhợt nhạt vì thiếu oxy

Lúc này, cần nhanh chóng lấy dị vật ra bằng cách: để bé nằm úp trên tay, vỗ vào khoảng giữa xương bả vai của trẻ để ho tống dị vật ra ngoài.

Nếu không thể lấy được dị vật thì lập tức đưa bé đến các cơ sở y tế gần nhất, nhất thiết không được sử dụng tay lấy dị vật. Có thể bác sĩ sẽ phải cho trẻ chụp X-quang hoặc nội soi phế quản để xác định vị trí của di vật rồi lấy nó ra khỏi cơ thể bé.

Cách phòng tránh ho cho trẻ

Để chăm sóc tốt cho sức khỏe của bé, cha mẹ cần biết cách chủ động phòng ngừa để trẻ không bị nhiễm các vi khuẩn và virus gây ho. Các biện pháp như sau:

Cho trẻ bú sữa mẹ

Nên cho bé bú sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu để tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cho trẻ. Trong sữa mẹ sẽ có những kháng thể tốt giúp bé có sức chống chọi lại với môi trường xung quanh.

Cho trẻ bú mẹ để nâng cao sức đề kháng, tránh bị ho

Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người

Vì những chỗ đông người như công viên, trung tâm mua sắm...có những mồng mống gây bệnh truyền nhiễm nên cha mẹ nên hạn chế cho trẻ đến đây.

Cho trẻ sơ sinh tiêm phòng đầy đủ

Đây là cách an toàn nhất để bảo vệ cho trẻ, giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm và tránh cho bé khỏi những biến chứng nguy hiểm.

Chú ý chăm sóc trẻ vào thời điểm giao mùa

Khi thời tiết thay đổi, vì sức đề kháng thấp nên trẻ sẽ rất dễ bị ho. Vì vậy đặc biệt trong những thời điểm giao mùa, cha mẹ cần chăm sóc tốt cho bé. Vào mùa đông thời tiết lạnh giá, cần phải giữ ấm cho trẻ để không bị nhiễm lạnh nhưng không được ủ ấm quá mức.

Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ

Biện pháp này khá đơn giản và dễ áp dụng để hạn chế nhiễm trùng hô hấp, tránh sự lây lan của các loại vi khuẩn và virus gây bệnh truyền nhiễm. Cha mẹ cần để ý vệ sinh mũi họng và răng lợi thường xuyên cho trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn bé tập bò, tập đi.

Tạo môi trường sống sạch sẽ cho trẻ

Một trong những nguyên nhân gây tổn thương phổi và khí quản khiến trẻ sơ sinh bị ho là do các chất bụi bẩn, độc hại chứa nhiều vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bé thông qua đường hô hấp. Vì vậy, cha mẹ lưu ý vệ sinh nhà cửa thường xuyên, lau chùi những món đồ trẻ hay sử dụng và tiếp xúc.

Nếu trong nhà có người bị bệnh thì nên cách ly với trẻ, không ôm hôn, bồng bế hay nằm chung.

Mọi nghi ngờ về sức khỏe của bé sơ sinh các bố mẹ cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và có những cách xử lý kịp thời. Không tự ý dùng thuốc mỗi khi trẻ bị ho rất nguy hiểm.

Thông Tin Cần Biết

Bé bị ho khan từng cơn phải làm sao?

Bé bị ho khan từng cơn phải làm sao?

Bé bị ho khan từng cơn là tình trạng khá phổ biến, thường do nhiều vấn đề khác nhau gây nên. Có thể đó là những cơn ho thông thường nhưng cũng có thể là do những căn bệnh gây nên.

Bệnh trẻ em khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY