Béo phì ở trẻ

Khi phát hiện ra trẻ béo phì, cha mẹ cần có những biện pháp khắc phục để tránh những hệ lụy xấu cho bé về sau này. Điều này là cần thiết để khi lớn lên, con sẽ phát triển bình thường và khỏe mạnh.

Trẻ như thế nào được gọi là béo phì?

Khi trẻ có cân nặng cơ thể cao hơn số cân trung bình so với chiều cao và tuổi từ 20% trở lên, có những lớp mỡ quanh đùi, cánh tay, trên vú và ở cằm thì phải nghĩ ngay tới tình trạng béo phì ở trẻ.

Có hai cách để xác định trẻ thừa cân hay béo phì: Quan sát trẻ thấy thân hình to béo một cách không bình thường so với lứa tuổi (đi lại nặng nề khó coi….) và dùng cân đo để xác định trẻ thừa cân hay béo phì.

Nếu trẻ có chiều cao đạt mức chuẩn bình thường mà cân nặng vượt mức bình thường 25% thì trẻ đó đã bị thừa cân và có nguy cơ béo phì. Nếu trẻ có số cân nặng vượt mức bình thường 50% thì chác chắn trẻ đó đã bị bệnh béo phì.

Ảnh minh họa

Để có thể biết trẻ có béo phì hay không, cha mẹ có thể dùng phương pháp đánh giá chỉ số khối cơ thể (BMI) để xác định: 

BMI=Cân nặng (kg)/Chiều cao (m) x Chiều cao (m) 

Đây là công thức áp dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên:

- Trẻ 2-5 tuổi: thừa cân khi chỉ số BMI ≥  2 và béo phì khi ≥3.

- Trẻ 5-18 tuổi: thừa cân khi chỉ số BMI ≥ 1 và béo phì khi ≥ 2.  

Nguyên nhân trẻ béo phì

Cho đến ngày hôm nay, nguyên nhân thực sự của bệnh béo phì vẫn chưa được biết đến. Có công trình nghiên cứu cho rằng bệnh có tính di truyền, hay những biến đổi trong gen, tuy nhiên tất cả mới chỉ là giả thuyết.

Tuy nhiên cơ chế gây béo phì thì khá đơn giản: đó là sự mất cân bằng giữa lượng chất đưa vào và nhu cầu thực sự của cơ thể. Có ít nhất 7 yếu tố gây ra bệnh béo phì, các yếu tố này tác động qua lại với nhau để gây nên bệnh:

Yếu tố di truyền:

Những nghiên cứu gần đây trên những người sinh đôi, sinh ba hay trên con nuôi của một số gia đình cho thấy: di truyền là một yếu tố rất quan trọng đưa đến bệnh béo phì. Sự tham dự về phần di truyền của bệnh tương ứng với sự di truyền đa gen, có nghĩa là có nhiều gen cùng tham gia.

Lối sống gia đình: 

Chế độ ăn uống của một gia đình có thể có ảnh hưởng lớn đến việc trẻ có duy trì cân nặng khỏe mạnh hay không. Một số cha mẹ thừa cân có thể ít quan tâm đến việc con cái họ cũng bị thừa cân hơn so với cha mẹ có cân nặng khỏe mạnh.

Các rối loạn nội tiết và chuyển hóa:

Những bệnh nhân bị rối loạn nội tiết và chuyển hóa: u vỏ thượng thận, mãn kinh, rối loạn chuyển hóa đường và lipid… sẽ kích thích tạo mô mỡ. Sự hình thành nhiều mô mỡ trong cơ thể khiến cho sự gia tăng  nhu cầu  về chất đường, kéo theo gia tăng nhu cầu về insulin, sự gia tăng hai chất này lại kích thích tạo mô mỡ và hình thành một vòng xoắn bệnh lý luẩn quẩn rất khó điều trị.

Yếu tố tâm lý:

Trước đây và ngay cả hiện nay nữa, yếu tố tâm lý cũng đã được khá nhiều người gán cho  một tầm quan trọng lớn lao trong việc gây ra bệnh béo phì và chúng ta thường cho rằng những người béo phì là những người có rối loạn về tâm lý và tình cảm. Tuy nhiên, trong thực tế những người không bị béo phì cũng bị rối loạn tâm lý và tình cảm. Những rối loạn tâm lý và tình cảm của người bị béo phì ngày nay thường được xem là hậu quả của những thành kiến và kỳ thị đối với họ hơn là nguyên nhân của bệnh.

Có hai hội chứng rối loạn về tâm thần có thể gây nên bệnh béo phì, đó là: hội chứng ăn uống vô độ và hội chứng ăn đêm, bao gồm biếng ăn vào buổi sáng nhưng lại ăn rất nhiều về ban đêm đi kèm với mất ngủ.

Cả hai đều là những yếu tố rất quan trọng gây rối loạn giữa lượng thức ăn đưa vào cơ thể và năng lượng tiêu hao trong quá trình hoạt động, gây ra tích tụ mỡ và tăng trọng

Các yếu tố tăng trưởng của cơ thể:

Sự gia tăng khối lượng cơ thể trong bệnh béo phì có thể do sự gia tăng kích thước của tế bào mỡ, gọi là béo phì phì đại hoặc sự gia tăng số lượng của tế bào mỡ, còn gọi là béo phì tăng sản hoặc phối hợp cả hai.

Béo phì xuất hiện ở tuổi trưởng thành thường là béo phì phì đại và việc giảm cân nặng ở những bệnh nhân này có vẻ dễ hơn chỉ cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về lượng cũng như chất của thức ăn đưa vào cơ thể, kết hợp với luyện tập thân thể, và kết hợp sử dụng một số thuốc là được.

Trong khi đó, béo phì xuất hiện ở tuổi thiếu niên thường là béo phì theo kiểu tăng sản hoặc phối hợp cả hai và việc cố gắng giảm cân thật sự rất khó khăn, có nhiều trường hợp gần như là không tưởng.

Do đó việc ngăn ngừa bệnh béo phì ngay từ khi còn nhỏ là rất quan trọng. Điều này trái ngược với tâm lý chuộng những đứa trẻ béo tốt mà các bậc cha mẹ trong thời đại hiện nay mong muốn.

Hoạt động thể lực:

Nếu không hoạt động nhiều, trẻ không thể đốt nhiều calo. Trẻ dành nhiều thời gian xem truyền hình, chơi máy tính, điện thoại, các trò chơi điện tử… thay vì vận động.

Các tổn thương trên não bộ:

Các tổn thương trên bộ não của bệnh nhân, đặc biệt là ở vùng dưới đồi có thể gay ra bệnh béo phì. Mặc dù nay là một nguyên nhân rất hiếm gặp.

Hậu quả khi trẻ bị béo phì

Béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tật của nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể như:

Thoái hóa khớp, đau thắt lưng:

Khi trọng lượng cơ thể tăng thì sức nặng đè lên các khớp càng lớn, nhất là vùng lưng, khớp háng, khớp gối, cổ chân làm cho các khớp này sớm bị tổn thương và lão hóa nhanh. Hậu quả là gây đau đớn và khó khăn trong vận động, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Trẻ béo phì dễ dẫn tới nhiều bệnh tật khác nhau và sinh ra tâm lý tự ti. (Ảnh minh họa)

Hệ nội tiết, chuyển hóa:

Tình trạng kém dung nạp glucose, kháng insulin, nặng hơn là bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng acid uric gây bệnh gút.

Rối loạn tiêu hóa:

Dễ bị sỏi trong gan, gan nhiễm mỡ sớm do tiêu thụ lượng lớn đường fructose và chất tạo ngọt High fructose corn syrup  (HFCS) có trong nước có gas và các loại thực phẩm đóng hộp. Đường fructose và chất tạo ngọt HFCS đến gan sẽ chuyển hóa một phần thành acid béo gây tình trạng gan nhiễm mỡ.

Ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ:

Khi bé bắt đầu đi học sẽ dễ bị tự ti do bạn bè trêu ghẹo, chế giễu, dẫn đến chán chường, không muốn đi học. Dần dần các em trở nên thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn vì không có bạn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến chứng trầm cảm.

Hệ tim mạch:

Gây tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, hẹp tắc động mạch chi.

Hệ hô hấp:

Giảm thông khí, ngừng thở khi ngủ là một biến chứng rất nguy hiểm.

Mắc bệnh mạn tính khi ở tuổi trưởng thành:

Trẻ thừa cân, béo phì có thể không có biểu hiện bệnh ở thời điểm hiện tại nhưng khi trưởng thành có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như các bệnh tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ…

Các vấn đề về tâm lý:

Vì ngoại hình khác biệt nên trẻ rất dễ bị các bạn phân biệt đối xử. Từ đó bé có thể cảm thấy buồn bã, u uất, trầm cảm, học lực giảm sút. Bước vào giai đoạn trưởng thành, trẻ có thể mắc chứng rối loạn ăn uống. 

Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ béo phì

Xây dựng chế độ ăn hợp lý 

Cha mẹ cần xây dựng chế độ ăn hợp lý để tránh tăng cân không lành mạnh. Trẻ em có một chế độ ăn hợp lý không chỉ phòng ngừa được tình trạng béo phì mà còn có tác dụng thúc đẩy phát triển chiều cao.

Một chế độ ăn hợp lý: 

Cân đối đầy đủ thành phần các chất dinh dưỡng, các vitamin và khoáng chất, không ăn quá nhiều chất ngọt, chất béo, những thực phẩm cung cấp nhiều năng lượng, chất đạm ăn ở mức vừa phải, ăn nhiều rau xanh, quả chín ít ngọt, hạn chế các thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, các loại nước ngọt sản xuất công nghiệp.

Chú trọng vào hoa quả, rau xanh: 

Hoa quả, rau xanh mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe của con người, nhất là với trẻ nhỏ. Chúng đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển cả về thể lực cũng như trí lực của trẻ.

Trẻ em thường thích nhiều màu sắc, hương vị, đa dạng về dinh dưỡng và món ăn phải lạ miệng nên rau củ quả rất phù hợp với yêu cầu này. Cha mẹ nên cho bé ăn chung với gia đình để các thành viên thêm gắn bó và giúp bé ăn được nhiều hơn.

Ảnh minh họa

Làm quen với healthy food:

Healthy food (đồ ăn lành mạnh tốt cho sức khoẻ) đang trở thành một thuật ngữ phổ biến dành cho giới trẻ, đặc biệt đối với những bạn có nhu cầu giảm cân. Và khái niệm này cũng đúng đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, mức độ, liều lượng và chủng loại healthy food dành cho con trẻ sẽ khác so với người lớn.

Cha mẹ nên chọn nguồn chất đạm tươi sạch nhất, bổ sung chất béo có lợi cho cơ thể trong mỗi phần ăn (dầu ôliu loại tinh khiết, trái cây sấy khô, các loại hạt, lòng đỏ trứng gà và quả bơ), chú trọng thực phẩm giàu canxi hay lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt thay vì các sản phẩm tinh chế...

Bên cạnh đó, sữa tươi không đường hoặc sữa tươi không đường tách béo và giàu canxi là lựa chọn tối ưu cho trẻ.

Hạn chế đồ ăn nhanh:

Trẻ rất thích ăn pizza cũng như những món ăn nhanh nhiều dầu mỡ khác như gà rán, khoai tây chiên... Không thể phủ nhận được sự tiện lợi của đồ ăn nhanh nhưng đi kèm theo đó là hàng loạt tác hại không mong muốn có thể đến với trẻ, đặc biệt là béo phì. Chất béo được dùng để rán thức ăn nhanh sẽ tích tụ dần trong cơ thể, dẫn đến thừa cân và sau đó là chứng béo phì.

Nhiều chuyên gia sức khỏe đều khuyên các bậc phụ huynh nên đảm bảo một bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng cho con em mình. Ở độ tuổi trẻ đi lớp, cha mẹ cũng cần tìm hiểu thực đơn bữa trưa hằng ngày ở trường xem có đảm bảo chất lượng và vệ sinh hay không. Đồng thời, trẻ chỉ cần ăn tối nhẹ nhàng để có thể ngủ ngon và không bị tích lũy chất thừa trong cơ thể.

Tăng cường hoạt động thể chất

Ngoài chế độ ăn uống, vấn đề hoạt động thể lực, tăng cường vận động tập thể dục thể thao cũng là yếu tố quan trọng để ngăn chặn tình trạng thừa cân béo phì.

Đối với trẻ em, năng vận động không những tiêu hao năng lượng dư thừa tránh tăng cân quá mức mà vận động còn có tác dụng thúc đẩy chiều cao ở trẻ.Cha mẹ cần quan tâm, tạo mọi điều kiện để giúp trẻ hoạt động thể chất, giảm lượng calo dư thừa tích tụ lại thành mỡ.

Tạo niềm thích thú của trẻ đối với các hoạt động thể thao vài niềm đam mê và thích thú là chìa khoá dẫn đến sự thành công cho các chương trình rèn luyện thể thao. Các bậc cha mẹ cần quan tâm ủng hộ và tạo mọi điều kiện giúp trẻ năng động

Chú trọng những sở thích của trẻ tham gia các môn thể thao gần gũi với cuộc sống như: khuyến khích trẻ đi bộ đến trường, động viên trẻ chơi các môn thể thao như: đi bộ, chạy, nhảy dây, đá bóng, đánh cầu, leo cầu thang...

Nên hướng dẫn trẻ làm các công việc nhà:

Lau dọn nhà cửa, xách nước tưới cây, bưng bê đồ đạc...

Hạn chế ngồi xem tivi, trò chơi điện tử... Không nên bắt trẻ học quá nhiều, nên tạo điều kiện để trẻ được vui đùa, chạy nhảy sau những giờ học căng thẳng.

Hiện trạng trẻ em bị béo phì gia tăng là do sự thiếu quan tâm chăm sóc hoặc thiếu kiến thức dinh dưỡng của các bậc cha mẹ. Nhiều người ép con ăn nhiều, ăn thừa chất và cho rằng trẻ béo mới khỏe mạnh là những sai lầm cần phải tránh.

Dự phòng trẻ thừa cân - béo phì theo độ tuổi

Với trẻ 0-5 tuổi cần có chế độ ăn hợp lý, tập thói quen cho trẻ ngủ sớm, ngủ đủ giấc, tăng cường hoạt động thể lực qua các hoạt động ngoài trời ở sân trường, công viên và các khu giải trí khác.

Bên cạnh đó cũng cần chú trọng dinh dưỡng hơp lý cho người mẹ trong thời gian có thai, nuôi con bằng sữa mẹ và theo dõi tăng trưởng của trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng tại gia đình và trường học nhằm phát hiện sớm tình trạng thừa cân, béo phì để xử lý kịp thời.

Với trẻ lứa tuổi học đường (6-19 tuổi): Việc thực hiện bổ sung sữa (không đường) vào bữa ăn học đường đã giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng và chiều cao ở một số nước. Không sử dụng thức ăn nhanh, chiên rán nhiều dầu/mỡ.

Chương trình bữa ăn học đường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng nhằm giúp trẻ phát triển tối ưu về thể chất và tinh thần.

Thức ăn dành cho trẻ cần da dạng (đạt 5 trong 8 nhóm thực phẩm), đảm bảo cung cấp đủ nguồn protein động vật và thực vật. Bữa ăn ở trường và ở nhà cần được phân phối hợp lý. Sử dụng muối i-ốt với một lượng ít dưới 4 gram/ngày. Không nên ăn mặn.

Sử dụng nguồn thực phẩm sẵn có ở địa phương cho bữa ăn học đường. Uống nước chín (nước đã đun sôi). Trẻ cần được ngủ đủ trung bình 8-10 giờ mỗi ngày.

Giải quyết thừa cân, béo phì là vấn đề của toàn xã hội, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình (phụ huynh) với nhà trường với toàn thể xã hội  bao gồm các ngành nghề: truyền thông (tăng sự hiểu biết nhận thức về nguy cơ và hậu quả của thừa cân, béo phì), sản xuất (công bố chất lượng sản phẩm), kinh doanh (căng tin nhà trường hạn chế hoặc không nên bán những thực phẩm có nguy cơ thừa cân, béo phì), các cơ quan đoàn thể thuộc Chính phủ và phi Chính phủ (xây dựng luật, kiểm soát các hoạt động theo quy định).

Thông Tin Cần Biết

Bảng tiêu chuẩn cân nặng thai theo tuần của WHO

Bảng tiêu chuẩn cân nặng thai theo tuần của WHO

Dựa vào bảng tiêu chuẩn cân nặng thai nhi chuẩn quốc tế, mẹ bầu có thể theo dõi, đánh giá được con yêu phát triển có đúng tiêu chuẩn hay không qua các chỉ số về cân nặng, chiều dài cơ thể ở...

Bảng cân nặng trẻ sơ sinh theo chuẩn WHO 

Bảng cân nặng trẻ sơ sinh theo chuẩn WHO 

Trong độ tuổi sơ sinh, trẻ cần được thường xuyên theo dõi về cân nặng một cách chặt chẽ. Bảng cân nặng trẻ sơ sinh chuẩn sau đây sẽ giúp cha mẹ theo dõi sức khỏe và sự phát triển của con...

Béo phì ở trẻ: Nguyên nhân và nguy cơ tiềm ẩn

Béo phì ở trẻ: Nguyên nhân và nguy cơ tiềm ẩn

Sự gia tăng số lượng trẻ em thừa cân đang là vấn đề đáng lo ngại. Thừa cân và béo phì ở trẻ em là một trong những rủi ro quan trọng nhất đối với sức khỏe. Trẻ thừa cân rất dễ trở thành người...

Bệnh trẻ em khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY