Lễ vật và mâm cơm hóa vàng ngày Tết đầy đủ nhất

Đặng Giang - Ngày 14/02/2021 14:56 PM (GMT+7)

Mâm cơm cúng hóa vàng ngày Tết cũng được chuẩn bị tươm tất giống các ngày 30, mùng 1, mùng 2 Tết. Lễ hóa vàng có lễ vật và mâm cơm đầy đủ và thường được cúng vào mùng 3 Tết.

Theo tục lệ của người Việt, trong 3 ngày Tết người Việt sẽ cúng cơm, thắp hương liên tục và đặc biệt ngọn đèn cầy hoặc nến sáng suốt 3 ngày Tết (Ngày 30, mùng 1, mùng 2 Tết) . Sau 3 ngày Tết các gia đình sẽ đều làm lễ hóa vàng và cũng có thể gọi thêm một cách khác là “lễ tắt đèn nhang”. Lễ hóa vàng được tổ chức từ ngày mùng 3 - ngày mùng 5 tùy vào mỗi gia đình. Lễ hóa vàng được thực hiện để tạm biệt tổ tiên sau những ngày Tết đầm ấm bên con cháu, kết thúc những ngày Tết và con cháu trở về với công việc ngày thường.

Lễ hóa vàng cũng được chuẩn bị tươm tất giống như các ngày Tết, bao gồm các lễ vật và mâm cơm cúng.

Lễ vật chuẩn bị cho mâm cúng hóa vàng ngày Tết

Lễ vật chuẩn bị cho mâm cúng hóa vàng ngày Tết cũng giống với chuẩn bị mâm cúng gia tiên những ngày Tết, thường gồm có:

- Hương

- Hoa tươi

- 1 mâm ngũ quả

- Vàng mã

- 1 đĩa trầu cau

- Rượu và trà

- Bánh chưng, xôi

- Đèn hoặc nến

Ngoài lễ vật thì mâm cơm hóa vàng ngày Tết cũng được chuẩn bị tươm tất. Mâm cơm hóa vàng ngày Tết có thể cúng cỗ mặn hoặc cỗ chay tùy vào mỗi gia đình.

1. Mâm cơm mặn hóa vàng ngày Tết

Mâm cơm mặn hóa vàng ngày Tết cũng được chuẩn bị tươm tất như mâm cỗ cúng 30 hay mùng 1 Tết. Một mâm cơm hóa vàng thường có:

- 1 đĩa giò lụa

- 1 đĩa nem rán

- 1 bát ninh

- 1 bát mọc

- 1 đĩa gà luộc

- 1 đĩa bánh chưng

- 1 đĩa xôi

Ngoài ra, mỗi gia đình đều có chuẩn bị thêm các món ăn giải ngán ngày Tết như dưa hành, nộm, các món cuốn, canh cá... tùy vào điều kiện của mỗi gia đình.

Lễ vật và mâm cơm hóa vàng ngày Tết đầy đủ nhất - 1

Mâm cơm hóa vàng ngày Tết cũng được chuẩn bị như mâm cơm ngày Tết bình thường

Lễ vật và mâm cơm hóa vàng ngày Tết đầy đủ nhất - 2

Mâm cỗ hóa vàng thường cũng có thịt gà, bánh chưng, món nấu, món xào, giò

Lễ vật và mâm cơm hóa vàng ngày Tết đầy đủ nhất - 3

Mâm cơm hóa vàng tùy vào điều kiện của mỗi gia đình để chuẩn bị

2. Mâm cơm chay cúng hóa vàng ngày Tết

- 1 đĩa rau củ xào chay

- 1 bát canh rau củ nấm chay

- 1 đĩa xôi

- 1 đĩa giò chay

- 1 đĩa gỏi chay

Ngoài ra, các gia đình có thể chuẩn bị thêm các món ăn chay theo điều kiện của gia đình mình.

Lễ vật và mâm cơm hóa vàng ngày Tết đầy đủ nhất - 4

Các gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ chay để cúng

Cách làm lễ hóa vàng ngày Tết

Theo một số chuyên gia văn hóa phương Đông, việc lựa chọn ngày làm lễ hóa vàng sẽ tùy thuộc vào mỗi gia đình, có thể bắt đầu làm lễ hóa vàng từ ngày mùng 3 đến khoảng mùng 10 Tết. Khi làm lễ hóa vàng ngày Tết thì cần:

- Làm lễ tạ khấn gia tiên, chư vị thần thánh trước vì theo quan niệm dân gian, có lễ tạ thì tấm lòng gia chủ mới được chứng giám. Khi khấn nên khấn theo văn khấn, không nên khấn nôm.

- Sau khi làm lễ tạ xong sẽ mang vàng mã đi hóa. Hóa vàng mã phải hóa vàng của gia thần (thổ công, thổ địa) trước, tiền vàng của tổ tiên sẽ hóa sau, nếu gia đình có người mới mất thì phần vàng mã dành cho người đó sẽ hóa sau cùng.

- Sau khi hóa vàng mã xong, gia chủ quay lại khấn xin tổ tiên phù hộ cho con cháu rồi mới hạ lễ, hạ mâm cơm và chia phần lộc cho con cháu.

Lễ vật và mâm cơm hóa vàng ngày Tết đầy đủ nhất - 5

Khi hóa vàng phải để giấy tiền vàng cháy hết hoàn toàn

Bài khấn, văn khấn xin hóa vàng

Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)

– Lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

– Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

– Kính lạy ngài Đương niên, ngài Bản cảnh Thành hoàng, các ngài Thổ Địa, Táo quân, Long Mạch, Tôn thần.

– Con kính lạy các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, nội ngoại Tiên linh họ……

Tín chủ (chúng con) là: ……………

Ngụ tại: ………………………………

Hôm nay là ngày mùng 3 tháng giêng năm …….

Tín chủ con thành tâm sắp sửa hương hoa nước quả, kim ngân vàng bạc, phẩm vật trà tửu, dâng lên trước án, kính cẩn thưa trình:

Tiệc xuân đã mãn, Nguyên Đán đã qua, nay xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ Tôn thần, rước tiễn Tiên linh trở về âm giới.

Kính xin phù hộ độ trì cho con cháu được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng. Chúng con lễ bạc cúi xin chứng giám.

Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)

Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc - Trung - Nam đẹp và ý nghĩa
Mâm ngũ quả nhiều màu sắc và thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt trong ngày Tết. Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết theo miền Bắc, Trung,...

Đặng Giang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết nguyên đán