Quýt bị mốc xanh, hiểm họa khôn lường!

Ngày 19/02/2014 09:51 AM (GMT+7)

Theo các chuyên gia, nấm mốc phát triển trong lớp vỏ quả quýt tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại nếu chúng ta ăn phải.

Gần đây, trên trang cộng đồng xuất hiện hình ảnh về quả quýt có vỏ vàng tươi, không bị hư hỏng nhưng bên trong lớp vỏ lại có màu xanh như bị mốc lâu ngày. Hình ảnh này đã thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là chị em nội trợ.

Quýt bị mốc xanh, hiểm họa khôn lường! - 1

Quýt bị mốc xanh, hiểm họa khôn lường! - 2

Hình ảnh quả quýt vẫn tươi nhưng có lớp màu xanh bên trong (Ảnh: Người Đưa Tin)

Trao đổi với chúng tôi, PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện sinh học – công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, nếu bằng mắt thường đã quan sát được lớp xanh trong vỏ như hình ảnh thì không nên ăn quả quýt đó.

Quýt bị mốc xanh, hiểm họa khôn lường! - 3

PGS - TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, quả quýt có màu xanh như vậy không nên ăn

Cũng theo ông Thịnh, vỏ quả quýt có chất tinh dầu nên chống được sự phát triển của nấm mốc. Còn nấm mốc vẫn có thể thâm nhập được vào bên trong do chui qua núm quả cam, chui qua màng vỏ hay những chỗ xước trên vỏ.

“Ở đây chưa phân tích được mốc xanh đó là loại gì, có độc hay không. Nhưng những thực phẩm bị nấm mốc thì không nên dùng. Nấm mốc phát triển trong lớp vỏ rõ ràng là tiềm ẩn những nguy cơ. Trên thực tế có những loại mốc tốt ứng dụng trong đời sống như mốc tương, nhưng phải có quy trình chuẩn và có kỹ thuật đảm bảo an toàn. Mốc có trong vỏ cảm chứng tỏ sự phát triển mạnh, tất cả những mốc xanh, vàng, đỏ đậm đều không tốt cho sức khỏe”, PGS – TS Thịnh chỉ rõ.

Về khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe, PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định, chưa phân tích được nên chưa thể khẳng định được điều gì. Trên thực tế, có loại nấm mốc sản sinh ra độc tố vi nấm aflatoxin có thể gây độc cấp. Tuy nhiên, với loại vi nấm thông thường chỉ gây nhiễm độc tức thì như đau bụng, tiêu chảy... “Có loại vi nấm thông thường gây nhiễm độc có thể dẫn đến tử vong trước cả ung thư”, ông Thịnh nói thêm.

Còn PGS – TS Trần Đình Mấn (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho hay: “Muốn biết mốc xanh đó là loại nấm mốc gì cần quá trình kiểm tra, các phản ứng sinh hóa. Tuy nhiên, khi quả quýt đã có mốc xanh như vậy thì cũng khó ăn, tốt nhất là không nên ăn quả bị mốc xanh đó”.

Cùng quan điểm với PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh, ông Mấn cho rằng, có nấm mốc sinh ra độc tố aflatoxin gây độc cấp khiến con người bị nhiễm độc ngay. Tuy nhiên, cũng có những loại mốc được dùng trong sản xuất thực phẩm nhưng phải có quy trình, kiểm tra cẩn thận, đảm bảo an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Cũng có những nấm mốc chưa gây độc ngay nhưng cũng có thể tích lũy lâu dài trong cơ thể.

Với người tiêu dùng, khi chọn hoa quả, cần tránh những loại quả bị nấm mốc, hỏng, chọn loại quả có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo an toàn với sức khỏe của chính mình và gia đình.

Anh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹo hay nhà bếp