Nếu bạn đang tìm một loài hoa nở quanh năm, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, thì đây chắc chắn là lựa chọn không nên bỏ qua.
Mẹ đảm Hà Nội từng bị trêu chỉ trồng rau được "dăm bữa nửa tháng", giờ có hẳn 2 khu vườn xanh mướt trên sân thượng
Không ai ngờ, từ vài chai nhựa cắt ra trồng quanh hành lang, đam mê âm thầm ấy lại bền bỉ đưa chị đến với 2 khu vườn sân thượng.
Khi đại dịch Covid-19 ập đến đầu năm 2020, chị Nguyễn Thị Hồng Luyến (47 tuổi, Hà Nội) vốn là một người phụ nữ kinh doanh bận rộn, cũng buộc phải tạm dừng mọi hoạt động vì giãn cách xã hội. Trong những ngày nhàn rỗi hiếm hoi, chị lên Facebook và bị cuốn hút bởi những khu vườn xanh mướt trên sân thượng. “Tôi thấy nhiều anh chị em có vườn rau đẹp quá, nhìn mê lắm. Vậy là tôi cũng thử trồng vài cây rau bằng vỏ chai nhựa ở hành lang tầng 2 nhà mình”, chị Luyến nhớ lại.
Lúc ấy, chẳng ai trong nhà tin chị có thể kiên trì với công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần mẫn như làm vườn. “Cả nhà cười bảo tôi được dăm bữa nửa tháng lại phải thuê người dọn đi, vì tính tôi xưa nay rất nhanh chán”, chị cười kể. Nhưng chính những mầm non vươn lên từng ngày trong vài chai nhựa đã khiến chị vui không kể xiết, rồi từ đó “nghiện” làm vườn lúc nào không hay.
Dần dần, chị Luyến mở rộng vườn rau lên hành lang các tầng 3, 4, 5 và rồi cả sân thượng tầng 6. Mẹ đảm cho biết, sân thượng này rộng 130m2, trong đó có khoảng 40m² không lợp mái.
Trồng rau trên sân thượng, chị vẫn tận dụng chậu và vỏ chai như cách trồng ở hành lang, đồng thời mua thêm ít chậu rẻ tiền để trồng. Chị thuê thợ tận dụng vật liệu sắt cũ của nhà để hàn thành những kệ để đặt chậu trồng rau, tránh để chậu áp sát mặt sàn rồi bị thấm trần.
Không có thang máy, việc vận chuyển đất, chậu và phân bón là cả một thử thách. Chị từng tự vác từng bao đất nhỏ, nhưng sau đó phải nhờ con trai lớn nghỉ học cuối tuần vác đất lên.
Sau vài tháng trồng rau trên sân thượng, để tối ưu không gian và bảo vệ nền nhà khỏi thấm nước, chị sửa lại vườn. Cụ thể, chị thuê thợ tháo hết mái tôn và phá tường rào và lắp toàn bộ kệ sắt cùng chậu nhựa ghép, lắp hệ thống tưới tự động, lắp máy tời để chuyển phân và đất lên. Xung quanh chị căng lưới trắng để cản đỡ gió, còn bên trên chị làm mái di động để che chắn cho vườn rau khi trời mưa.
“Ngày trước khi chưa có mái di động, có lần giữa đêm mưa lúc 2h sáng, tôi bật dậy chạy lên tầng 6 bê chậu rau mới gieo vào chỗ có mái tôn khiến người ướt sũng. Chồng tôi lắc đầu bảo, người thì không sợ ướt ốm, chỉ lo rau bị hỏng! Giờ thì nhàn hơn rồi vì đã có mái di động”, mẹ đảm Hà Nội cho hay.
Chị Luyến cho biết thêm, chồng chị từng không mấy mặn mà với chuyện vườn tược, nhưng thấy vợ quá đỗi say mê nên dần chuyển sang ủng hộ.
Không đơn thuần là nơi trồng rau ăn, khu vườn sân thượng dần trở thành “thế giới nhỏ” của chị Luyến. Mỗi góc vườn được bố trí hợp lý theo nhu cầu ánh nắng của cây trồng.
Để trồng rau hiệu quả nhất, chị Luyến trồng rau theo mùa. Hè đến, chị ưu tiên các loại ưa nắng như dưa lê, dưa lưới, dưa hấu; đông về, luống cải, rau dền, cải cúc,… lại xanh rì trên sân thượng.
Tuy nhiên, con đường đến với những vụ mùa bội thu chưa bao giờ trải đầy hoa. Những ngày đầu trồng dưa, chị không khỏi nản chí khi cây liên tục bị sâu bệnh, thối rễ. “Có lúc tôi nhổ bỏ hết cả dàn cây, thấy hơi nản. Nhưng rồi lại lên mạng đọc, hỏi kinh nghiệm trong các hội nhóm trồng rau, rồi thử lại”, chị chia sẻ. Sau những lần thất bại, chị dần tích lũy được kinh nghiệm và bắt đầu có được những trái dưa, trái bí ngọt lành từ chính tay mình gieo trồng.
Một mảnh vườn khác của chị Luyến.
Không chỉ dừng lại ở việc trồng cho vui, chị Nguyễn Thị Hồng Luyến thực sự bước vào một cuộc sống mới – nơi mà sự tỉ mẩn, chăm chút và kiên trì trở thành lối sống hàng ngày.
Trước kia, chị từng là một người chủ làm kinh doanh bình thường, thức dậy lúc 10h sáng và chẳng mấy khi động tay việc nhà. Nhưng từ khi “nghiện” làm vườn, chị thức dậy sớm hơn, đều đặn gom rác nhà bếp để ủ phân, đi chợ mua cá ươn, chuối chín, trứng gà hết hạn, sữa thừa để xay làm phân bón hữu cơ.
Chị còn mua gừng, ớt, tỏi để ngâm làm thuốc phun phòng bệnh cho cây. “Nhiều trưa nắng gắt, tôi ngồi dưới gốc cây cả tiếng để bắt từng con ốc sên, con sâu cho chậu rau mà không thấy chán, ngược lại, tôi thấy thư giãn lắm”, chị cười kể.
Sau mỗi đợt thu hoạch, chị lại đổ đất ra sân, rũ bỏ rễ thừa, rắc vôi, phơi khô rồi trộn cùng rác nhà bếp đã ủ, thêm trấu, cám gạo, đậu tương, nấm trichoderma… Sau vài tuần ủ kỹ và phun giữ ẩm, đất sẽ trở thành loại mùn sống giàu dinh dưỡng sẵn sàng cho vụ mới. Với cây ăn quả, chị còn bổ sung thêm NPK, humic, canxi, phân trùn, phân dơi… tùy theo từng giai đoạn phát triển.
Chị tuân thủ kỹ lưỡng các bước trồng: ươm hạt – ủ đất – hạ cây lúc chiều mát – tưới nấm kích rễ – bổ sung humic, đạm cá… “Đất sau khi trộn đều thì tưới nấm đối kháng rồi ủ thêm khoảng 10 ngày. Trong thời gian ủ đất, tôi tranh thủ ươm hạt giống. Sau khoảng 10 ngày, khi đất ủ xong, tôi tiến hành đảo đất, tưới ẩm và bắt đầu hạ cây con. Tôi thường hạ cây vào chiều mát để cây dễ bén rễ hơn.
Clip: Giàn cà chua sai trĩu quả trên sân thượng nhà chị Luyến
Ngay sau khi trồng, tôi tưới dung dịch nấm đối kháng để kích thích cây khỏe mạnh, sau đó chỉ tưới nước hàng ngày. Ba ngày sau, tôi pha loãng humic với nước rồi tưới cho cây để kích rễ.Một tuần sau, tôi lại bổ sung thêm đạm cá pha loãng, tưới cách gốc khoảng 10cm để tránh làm hỏng rễ non. Chăm cây cũng như chăm con vậy, mỗi giai đoạn phải đúng thuốc, đúng lúc mới cho trái ngọt được”, chị Luyến cho hay.
Việc phòng bệnh cũng được chị làm cẩn thận không kém, từ dùng thuốc sinh học khi cần đến phun luân phiên các dung dịch tự ngâm từ gừng, tỏi, ớt, tinh dầu neem để ngăn sâu bệnh. Chị nói: “Sau một tuần hạ cây giống, tôi phun phòng bệnh cả vườn bằng dung dịch tỏi gừng ớt luân phiên cùng tinh dầu neem. Cú 10 ngày phun một lần. Nếu cây bị trĩ, phấn trắng, nấm bệnh thì tôi sẽ dùng thuốc sinh học”.
Dù hiện tại công việc bận rộn và phải ra ngoài ở cùng các con tại nội thành, chị vẫn duy trì 2 khu vườn: một ở Mỹ Đức (chị nhờ người chăm giúp) và một vườn nhỏ tại nơi ở mới tại Hà Đông. Có người hỏi vui: “Nhà ăn mấy đâu mà chị trồng lắm rau vậy?”, chị chỉ cười: “Trồng là đam mê. Rau dưa trồng được mang tặng hàng xóm, người thân, bạn bè. Thấy ai nhận rồi vui là mình lại vui hơn”.
Chính nhờ khu vườn, chị quen thêm nhiều bạn bè từ khắp nơi trong nước qua các hội nhóm trồng rau online. Chưa từng gặp mặt, nhưng những cuộc trò chuyện về giống cây, kỹ thuật trồng, cách ủ phân… lại khiến mọi người gắn bó thân thiết như tri kỷ. Chị và một số chị em còn lập thành nhóm “chị em cây khế”, thi thoảng rủ nhau đi ăn, cà phê, chia sẻ cả chuyện đời sống thường nhật lẫn chuyện cây cối.
“Bây giờ, chồng và các con thấy tôi yêu vườn quá nên cũng ủng hộ hết mình. Buổi tối ăn cơm xong, cậu con trai út lại hỏi ‘Hôm nay mẹ không lên vườn à?’, còn anh xã thì nhắc: ‘Em không lên xem rau sao?’", chị kể bằng giọng hạnh phúc.
Từ vài vỏ chai nhựa và một lời trêu chọc “rồi cũng bỏ cuộc sớm”, chị Hồng Luyến đã biến tầng 6 nắng gió thành một khu vườn mơ ước, nơi mỗi luống rau, mỗi chậu rau không chỉ mang màu xanh sự sống mà còn là kết tinh của đam mê, bền bỉ và tình yêu với thiên nhiên giữa lòng phố thị.
Clip: Chị Luyến thu hoạch rau trên sân thượng
Tin liên quan
Lối thiết kế này vừa tiện, vừa nâng tầm thẩm mỹ cho tổ ấm của bạn.
Loại rau này thường mọc ở vùng núi đá vôi, hay được khai thác tự nhiên, nhưng bạn hoàn toàn có thể trồng loại rau này ngay tại nhà.
GĐXH - Đây là loại lá quen thuộc với người Việt được trồng nhiều như cây cảnh trong nhà. Với cách làm này, mọi người có thể tận dụng loại lá...
Tin bài cùng chủ đề Vườn xinh của mình
Làm vườn vốn không phải là việc dễ dàng, ngồi xe lăn trồng cây càng khó hơn.