Nỗi nhục quốc thể hay nỗi nhục a dua?

Ngày 14/08/2015 16:43 PM (GMT+7)

“Quốc thể” là từ mà thời gian gần đây, đặc biệt là khi mạng xã hội phát triển đã được nhắc nhiều. Nó trở thành một từ khóa của những người ngồi sau bàn phím hòng biểu đạt sự tự tôn của mình với Tổ quốc, đất nước.

Tổ quốc, hai tiếng ấy thật sự thiêng liêng. Nếu Tổ quốc là hình hài đất nước, là những thứ có thể là vật chất hiện hữu ta có thể cảm nhận được trực tiếp. Đó là những cảnh sác quê hương tươi đẹp, danh lam thắng cảnh, là đất, là người…còn Quốc thế có thể coi đó như là một thứ biểu hiện ra bên ngoài của Tổ quốc, một kiểu biểu hiện về mặt cảm xúc thiêng liêng.

Gần đây, dư luận xôn xao vì Nhà Việt Nam ở Expo 2015 bị một du khách kỳ công tố cáo là nhếch nhác, sơ sài… và cuối cùng tất cả bị gắn với từ nỗi nhục quốc thể. Chuyện đó đáng nhục không? Nếu có thật cũng là một nỗi nhục, nhưng đã được xứng đáng nâng lên tầm quốc thể chưa? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời.

Nỗi nhục quốc thể hay nỗi nhục a dua? - 1

Nhà tre Việt Nam. Ảnh: Design Boom

Tuy nhiên có một thực tế đang hiện hữu, người Việt ta gần đây thường gắn cho mọi sự hèn kém, yếu thế với nỗi nhục quốc thể. Du khách nước ngoài bị mất đồ trên xe khách và không thể đòi lại được = Nỗi nhục quốc thể. Người Việt ăn cắp đồ ở nước ngoài = Nỗi nhục quốc thể. Quốc thể không thuộc sở hữu một ai, quốc thể cũng không thể nói lên tiếng nói của mình, thế nên khi người ta gắn cho quốc thể một nỗi nhục tượng trưng nào đó, quốc thể không thể lên tiếng phân bua.

Mạng xã hội đang trở thành một kênh truyền tin vô cùng hữu hiệu. Nó có những sức mạnh ghê gớm đến nỗi chỉ khi một nhân vật nào đó trong đời thực bị tung ảnh lên mạng gắn với một sự kiện xôn xao nào đó, chỉ cần mấy phút sau trang cá nhân của người đó được tìm ra. Và cũng không lâu sau đó, trang này sẽ ngập tràn gạch đá và ứng xử tất yếu của chủ nhân đó là đóng cửa trang cá nhân, để lui về ở ẩn.

Sức mạnh của mạng xã hội cũng lan tràn đi những việc làm tử tế, nhiều số phận bi kịch đã được cộng đồng mạng dang tay giúp đỡ, nhiều mảnh đời đã được cứu vớt ra khỏi bất công, đau khổ… Vậy nhưng mạng xã hội khác với đời sống thực, chúng ta gọi đó là môi trường ảo, môi trường ảo nên thông tin có lúc cũng ảo. Nó đòi hỏi những lớp lang kiểm chứng để thông tin được trả về đúng bản chất sự thật của mình.

Bước kiểm chứng thông tin đó không tồn tại ở số đông cư dân mạng, số đông cư dân mạng hành động theo bản năng mách bảo và thực thi quyền phát xét, quyền lên án của mình khi chưa tường minh sự thật.

Ý thức về tinh thần dân tộc, bảo vệ quốc thể là một hành động đáng trân trọng, cần biểu dương. Tuy nhiên quốc thể không phải chỉ là việc a dua, tích cực ném đá vào một thông tin nào đó mới được tung hê. Quốc thể, đôi khi đơn giản chỉ là giúp đỡ những người xung quanh, đôi khi là làm tròn chức trách, công việc của mình và hãy là một công dân tử tế, có trách nhiệm, đóng góp cho sự phát triển của đất nước mà thôi.

Cao Tùng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện