Nghe “Chuyện ngõ nghèo” và ôn lại cảnh nuôi lợn ở Hà Nội thời bao cấp

Ngày 12/12/2016 00:10 AM (GMT+7)

Cuốn tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo khắc họa chân thực cuộc sống và tâm hồn con người Hà Nội trong thời kỳ bao cấp.

Chuyện ngõ nghèo” là tác phẩm xuất sắc nhất của cây bút gạo cội Nguyễn Xuân Khánh. Hơn 30 năm sau khi hoàn tất, tiểu thuyết này mới được ra mắt độc giả. Dù đã được hoàn thành cách đây khá lâu nhưng những vấn đề đặt ra trong cuốn sách vẫn còn nóng hổi, nhức nhối trong xã hội ngày nay. “Chuyện ngõ nghèo” đã tái hiện lại một giai đoạn lịch sử khó khăn và thể hiện cái nhìn nhân văn của tác giả đối với cuộc đời của mỗi người.

Nghe “Chuyện ngõ nghèo” và ôn lại cảnh nuôi lợn ở Hà Nội thời bao cấp - 1

Tiểu thuyết “Chuyện ngõ nghèo” ra đời trong những năm tháng Hà Nội khốn khó, người người nhà nhà phải nuôi lợn để làm kế mưu sinh. Những tiếng ụt ịt vang lên ở khắp mọi nơi. Những nhân vật của “Chuyện ngõ nghèo” trở nên khác biệt khi họ nuôi lợn đến trình độ “nghệ sĩ”.

Ông Nguyễn Hoàng làm nghề viết báo. Sau khi bị “thất sủng” phải về hưu khi chưa đến tuổi, ông về nhà nuôi lợn. Khi nuôi lợn, ông đã dùng con mắt của người làm báo để quan sát đàn lợn rồi ngẫm nghĩ, triết lý. Ông Lân là thương binh thì đặt tên cho lợn của mình những cái tên hào hùng: Tên Lửa, Thần Sấm, Xung Kích... Ông Tám là giáo viên dạy sinh cấp ba thì ấp ủ viết một cuốn “Bách khoa lợn”. Ông Tám đã đưa ra những khái niệm về Bái Trư giáo, Trư luận, Trư học...

Nghe “Chuyện ngõ nghèo” và ôn lại cảnh nuôi lợn ở Hà Nội thời bao cấp - 2

Khi mới tiếp cận thế giới của Chuyện ngõ nghèo, bạn đọc sẽ dễ cảm thấy những nhân vật này lẩn thẩn, mắc bệnh nghề nghiệp. Lợn là loài động vật hết ăn lại nằm, nuôi lợn thì cũng quẩn quanh trong mấy việc cho lợn ăn, tắm cho lợn... Thật không thể hiểu các ông ấy lấy đâu ra nhiều vấn đề để suy ngẫm, triết lý về lợn như vậy?

Nhưng từng trang sách lại mở ra cho chúng ta một thế giới... của loài heo đầy màu sắc. Từng câu từng chữ làm độc giả phải gật gù đồng ý. Những con lợn dưới con mắt của các “nghệ sĩ” nuôi lợn đã trở thành những con vật biết suy nghĩ, có tình cảm, có chiều sâu trong tâm hồn. Từ kể chuyện về lợn và việc nuôi lợn, người đọc bắt đầu hình dung ra cả xã hội loài người trong cuốn tiểu thuyết nhỏ bé này.

Nghe “Chuyện ngõ nghèo” và ôn lại cảnh nuôi lợn ở Hà Nội thời bao cấp - 3

Ba con lợn nhà ông Hoàng vào hùa với nhau để bắt nạt con Lợn Bò mới được mua về. Lợn Bò biết thân biết phận, nhẫn nhục chịu đựng. Nó chỉ lại vét máng sau khi ba con lợn cũ đã ăn xong. Sau khi Lợn Bò lớn, có sức khỏe, nó liền đánh trả ba con lợn kia và trở thành thủ lĩnh. Ba con lợn hung hăng, hống hách lúc đầu lại quay sang nịnh nọt con Lợn Bò. Chuyện ma cũ bắt nạt ma mới, kẻ mạnh là kẻ nắm quyền hay kẻ yếu luôn xum xoe nịnh bợ kẻ nắm quyền để hưởng lợi lộc có phải cũng là câu chuyện quen thuộc trong xã hội loài người?

Trong thời buổi khó khăn, lợn chính là tiền, là miếng ăn của cả gia đình. Con người nhịn ăn nhịn mặc để mua thức ăn vỗ béo cho lợn. Khi trong nhà không còn gì để bán lấy tiền mua thức ăn cho lợn, ông Hoàng đã phải bán đi từng cuốn sách mà ông sưu tầm cả cuộc đời. Mỗi tác giả chính là lãnh tụ tinh thần, là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn ông. Nguyễn Hoàng quý sách như sinh mạng. Mỗi lần bán đi một cuốn sách là ông lại đổ bệnh. Đây có phải là sự giằng xé giữa cuộc sống mưu sinh và lý tưởng sống?

Nghe “Chuyện ngõ nghèo” và ôn lại cảnh nuôi lợn ở Hà Nội thời bao cấp - 4

Nhưng rồi sau tất cả, ông Hoàng vẫn phải bán sách đi để nuôi lợn. Phải chăng cuộc sống cơm áo gạo tiền thật sự có thể lôi con người ta xuống khỏi những gì mà người ta tôn thờ? Khi cái bụng người ta đói, con cái người ta kêu đói, người ta sẽ không còn sức để mà sáng tạo ra cái đẹp, không còn giữ được lòng tự tôn của bản thân mình?

Nguyễn Xuân Khánh đã khéo léo mượn chuyện lợn để cật vấn độc giả về “chất lợn” trong bản tính con người. Khi con người vì cơm áo gạo tiền mà vợ chồng hục hặc, con cãi cha mẹ, mọi giá trị đo bằng miếng ăn, có phải là lúc tính người mất đi, "tính lợn" lên ngôi?

Nghe “Chuyện ngõ nghèo” và ôn lại cảnh nuôi lợn ở Hà Nội thời bao cấp - 5

Chuyến phiêu lưu của ông Hoàng vào chốn hỗn mang, đến xứ Vui, đến cực Thiên Thai... cũng đưa đến cho bạn đọc nhiều suy ngẫm về cuộc sống. Ở xứ Vui, con người không hề có nước mắt vì đã bị làm teo nhỏ tuyến lệ. Họ có cuộc sống đầy đủ tiện nghi. Họ còn được tự do lựa chọn tính cách, tài năng cho những đứa trẻ mà mình sinh ra. Niềm vui của con người ở đây đã được định khung sẵn.

Một thế giới hoàn mỹ như vậy lại làm chúng ta nhận ra rằng nếu không có nước mắt thì nụ cười sẽ không còn trọn vẹn ý nghĩa, không có buồn đau thì hạnh phúc cũng không còn quý giá. Niềm vui, tình yêu phải xuất phát từ trái tim. Nỗi buồn dạy con người biết trân trọng hạnh phúc mình đang có. Nước mắt xoa dịu mọi tổn thương và khi quá hạnh phúc con người cũng có thể rơi lệ.

Nghe “Chuyện ngõ nghèo” và ôn lại cảnh nuôi lợn ở Hà Nội thời bao cấp - 6

Thông qua Chuyện ngõ nghèo, Nguyễn Xuân Khánh đã kể câu chuyện về Hà Nội thời bao cấp bằng một giọng văn nhẹ nhàng, hài hước nhưng lại gợi lên cho độc giả cảm giác rờn rợn về sự ảnh hưởng của cuộc sống mưu sinh đến từng mảnh đời. Bên cạnh đó, cuốn sách còn là tấm lòng của nhà văn đối với sự phát triển của con người. Ông lo âu cho con người trước khó khăn của cuộc sống nhưng cũng trân trọng những nỗ lực không ngừng của họ để vượt qua thử thách. Cảnh Hà Nội nhà nhà người người nuôi lợn chính là sự không khuất phục của con người trước sự khốn khó của cuộc sống.

Minh Tuệ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sách hay cho bạn