Điện ảnh Việt khủng hoảng nhân tài

Ngày 20/02/2013 14:21 PM (GMT+7)

Qua mỗi kỳ Liên hoan phim, các đạo diễn tên tuổi cứ đuối dần và rơi rụng. Vấn đề đặt ra tại sao các nhà làm phim lại mệt mỏi sớm đến thế và ai là những người kế cận.

Nhìn vào biểu đồ sáng tạo của đa số các nhà làm phim nước ta, nhiều người không khỏi giật mình trước xu thế chung. Đó là khi những mũi tên chỉ xuống theo cột mốc thời gian. Những nguyên nhân nào tạo nên một kết quả như vậy? Các đạo diễn của chúng ta vẫn miệt mài làm việc, vẫn ngày đêm đau đáu với các dự án ngắn hạn và dài hạn như làm phim quảng cáo, làm phim tài liệu, làm phim truyền hình dài tập. Có người còn viết báo rất ăn khách. Có người còn tham gia giảng dạy ở nhiều nơi.


  Điện ảnh Việt khủng hoảng nhân tài - 1
Trong năm 2013, Vũ Ngọc Đãng sẽ trở lại với
một dự án truyền hình chứ không phải điện ảnh.


Có ý kiến cho rằng, họ bị phân tán vì làm nhiều việc cùng một lúc nhưng các đạo diễn nước ngoài cũng phải làm nhiều việc cùng một lúc mới đủ sống. Trương Nghệ Mưu lập công ty, làm đạo diễn sân khấu, lễ hội. Oliver Stone cũng có văn phòng riêng, giảng dạy, thuyết trình ở nhiều nơi và cũng làm nhiều phim tài liệu.

Hay đạo diễn phim Người tình G.G. Anaud cũng đã từng làm đến 500 phim quảng cáo ở tận châu Phi. Chẳng có đạo diễn nào làm phim trong điều kiên dư dả về tài chính. Ngay đạo diễn của phim Cái trống thiếc từng tuyên bố: "Phim nào của tôi cũng làm trong tình trạng khủng hoảng tài tiền bạc".

Đạo diễn Iran A. Kiarostami cũng thừa nhận, chưa bao giờ ông có đủ tiền làm phim. Đọc hồi ký của Lưu Hiểu Khánh, được biết, tình hình làm phim ở Trung Quốc, nhiều đoàn phim cũng cãi nhau như mổ bò, không kém bên ta. Tại sao phim của họ ta đi mua về xem chăm chú, còn phim của ta, họ không mua hoặc nếu có dịp xem lại không hiểu lắm? Điều này ai cũng biết và có nhiều người đưa ra nhiều cách lý giải. Cách nào cũng đúng. Tôi chỉ đưa ra cách của mình.

Làm phim không tỉ mỉ, thiếu bình tĩnh

Làm phim là một nghề rất công phu, đòi hỏi ai cũng phải tỉ mỉ, kỹ càng. Thế nhưng, nghề làm phim ở nước ta từ khi bắt đầu cho đến nay, ai cũng làm phim trong tình trạng vội vàng. Ngay từ thời làm Cánh đồng ma hay Trận phong ba, các diễn viên của ta ở Hong Kong đều làm việc trong hoàn cảnh bị o ép trăm bề, mâu thuẫn chủ - thợ, mâu thuẫn nội bộ nên ai cũng cốt làm cho xong, bị quỵt tiền cũng về cho đỡ mệt. Đó là chuyện từ những năm 30 của thế kỷ trước.
 


Điện ảnh Việt khủng hoảng nhân tài - 2
Ngô Quang Hải được đánh giá là không
 lên tay với bộ phim mới Mùa hè lạnh.


Lịch sử điện ảnh của chúng ta bị gián đoạn trong một thời gian dài. Mãi đến năm 1959, chúng ta mới làm bộ phim truyện đầu tiên. Ngay từ khâu kịch bản, cho đến tận bây giờ, chúng ta cũng làm không kỹ. Nếu đặt một kịch bản, dù đã được duyệt, trước mặt một nhà biên kịch (tác giả) hay một đạo diễn (nhận làm phim), thử hỏi những câu như Ý tưởng kịch bản là gì? (Nói gọn trong một câu), Tinh thần kịch bản là gì? (Nói ngắn trong một câu), Bài học rút ra từ kịch bản là gì? (Trong một câu), Những tài liệu tham khảo? (Sách, tiểu thuyết, phim), Nhân vật chính muốn nói điều gì với khán giả?… Các biên kịch và đạo diễn trả lời một cách lơ mơ hoặc không rõ ràng, thiếu nghiêm túc.

Sang đến khâu đạo diễn, chúng ta còn làm cẩu thả hơn. Vũ khí duy nhất của đạo diễn chỉ là mấy chục trang kịch bản phân cảnh được làm đại khái. Nếu đặt câu hỏi cho đạo diễn: Cảnh trung tâm của phim là cảnh nào? Trường đoạn nào quan trọng  nhất? Anh dàn dựng thế nào? Tông màu? Trang phục? Góc máy? Động tác máy? Giai điệu nhạc thế nào? Tiếng động nào nổi bật? Âm thanh nào đáng chú ý? Diễn viên có mấy phương án ? Anh có lường hết những tâm lý của họ?… Nếu hỏi nhiều quá, đạo diễn sẽ cáu bởi anh ta hầu như chưa bao giờ đặt ra một cách chi ly những vấn đề này.


  Điện ảnh Việt khủng hoảng nhân tài - 3
Bên cạnh công việc chính là làm phim, Nguyễn Quang Dũng
 còn được biết đến với vai trò giám khảo của nhiều
 cuộc thi trên truyền hình.


Một kịch bản phim ngắn của của một sinh viên nước ngoài phải sửa đi sửa lại đến hơn 10 lần trong suốt một năm. Chúng ta không có thời gian làm được như thế. Cũng kịch bản đó, đạo diễn phải viết thuyết trình về công việc của mình dài khoảng 120 trang. Chúng ta thường làm tắt hoặc nói qua bằng lời.

Một kịch bản phim quảng cáo của hãng bia Tiger chỉ khoảng 3 phút nhưng họ phải có 1.200 trang thuyết trình. Vì thế, khi xem một đoạn phim của Mỹ, người ta có thể dừng hình, tua lại nhiều lần để phân tích những cái hay của nó. Thế nhưng khi xem phim của ta, hầu như tất cả đều cứ trôi qua. Không những thế, người xem còn thấy thừa chỗ này, thiếu chỗ kia. Độ dài của cảnh hay của trường đoạn đều có vấn đề. Tất cả đều do không chuẩn bị kỹ lưỡng.

Khi đến trường quay, chúng ta chưa bao giờ làm phim một cách đúng đắn. Tất cả đều có tâm lý làm cho xong. Sức ép tiền bạc. Ăn uống thiếu chất. Ngủ nghỉ thiếu tiện nghi. Sức ép thời gian. Phải hoàn thành bao nhiêu cảnh quay trong hôm nay? Thêm vào đó, trong đoàn phim, không phải mọi thành phần đều có chung mục đích. Quay phim đẹp làm gì, nếu hay đạo diễn hưởng. Thiết kế mỹ thuật đẹp làm gì, nếu có giải đạo diễn nhận. Nếu đạo diễn có quyết tâm đến mấy cả đoàn phim vẫn mệt mỏi, sau này, bên bàn dựng, dẫu có mời phù thủy bộ phim vẫn nhạt nhòa. Phim Việt xem xong đều có cảm giác làm vội vàng. Trong khi đó, nghề làm phim là một nghề tỉ mỉ hơn bất kỳ nghề nào.

Thế hệ kế cận, anh ở đâu?

Mấy năm trước, một số đạo diễn có triển vọng thành công trong phim đầu tay như Đỗ Thanh Hải, Đào Duy Phúc, giờ chuyển sang làm quản lý. Họ đã sớm nhận ra sự nghiệt ngã của nghề bởi họ càng làm những phim sau không thể bằng phim trước. Những đạo diễn còn theo nghề như Bùi Tuấn Dũng, Ngô Quang Hải cũng thành công với phim đầu tay nhưng khi làm những phim sau, cũng không thể vượt phim đầu. Những đạo diễn phim thương mại như Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng… cũng đang tạo nên những vệt mờ dần.


 
Điện ảnh Việt khủng hoảng nhân tài - 4
Tại LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 2 nữ đạo diễn
Mina Yonezawa của Nhật Bản đã giành giải
 Đạo diễn trẻ xuất sắc nhất.


Số phận các đạo diễn Việt Kiều cũng không thể khác. Dù họ có lấy Trần Anh Hùng hay Nguyễn Võ Nghiêm Minh ra làm gương, những tấm gương đó đang ngày càng phủ bụi thời gian. Tại sao có hiện tượng này? Quan niệm làm phim là một nghề dễ dãi. Đây là một điều hết sức tai hại. Dường như ai cũng có thể làm đạo diễn. Không học trường lớp nào cũng làm phim. Thuê người nước ngoài quay và dựng là xong. Quay phim chuyển sang làm đạo diễn. Tại sao thế? Vì thiên hạ thường gọi tôi là thằng quay phim. Phải chuyển nghề để họ gọi là ông đạo diễn.

Đạo diễn không cần kiến thức văn hóa, lịch sử. Vì thế, một đạo diễn của ta khi họp báo ở Pháp, khán giả hỏi, cả thế giới khâm phục người Việt Nam đánh thắng Mỹ, sao anh làm phim phủ nhận? Đạo diễn trẻ lúng túng, quay sang cầu cứu ông thầy mình (biết tiếng Pháp). Ông thầy cũng không thể trả lời hộ học trò thế nào. Chuyện này do đạo diễn Trần Đắc kể trên một tờ báo khi ông còn sống.

Đạo diễn không bao giờ đọc sách. Một cô gái hâm mộ các đạo diễn tên tuổi của ta. Cô định viết một cuốn sách về những gương mặt điện ảnh sáng giá của nước nhà. Cô đi một vòng qua các nhà đạo diễn đó. Một điểm chung cô bỗng nhận ra, không nhà đạo diễn nào có sách! May ra có vài phim video phủ bụi. Cô cầm lên, sau đó phải đi rửa tay. Cô hỏi, nếu đạo diễn đó nhận một dự án làm phim, một giám khảo hỏi: "Anh có thể kể cho chúng tôi biết những nguồn tham khảo?", không biết họ trả lời thế nào.

Đạo diễn không cần hiểu hội họa, âm nhạc… Tất cả những thứ  "phụ trợ" này đã có các thành phần chuyên môn lo. Anh ta chỉ thích cầm tiền làm phim.

Tìm đâu một đạo diễn đau đớn vì số phận con người? Một đạo diễn yêu lịch sử dân tộc, viết và nói tiếng Việt chuẩn xác (đỡ phải pha tiếng Anh giả cầy làm phụ đề)? Một đạo diễn làm phim khi xem, người ta phải phát hiện cảnh này anh copy ở phim nào? Một đạo diễn dám tuyên bố: "Tôi kể câu chuyện của đất nước tôi đây? Một câu chuyện 100 phần trăm thuần Việt nhưng quốc tế đều hiểu?". Hãy chờ đợi và hy vọng.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phim Việt Nam