"Người yêu dấu" và những truyện khác về người phụ nữ phía sau cuộc chiến

Ngày 23/01/2017 14:28 PM (GMT+7)

Là tác phẩm mới của nhà văn Dạ Ngân, Người yêu dấu và những truyện khác mang cảm hứng chung từ nỗi hân hoan náo nức của một dân tộc vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh trường kỳ.

Người yêu dấu và những truyện khác là tác phẩm được chấp bút bởi nữ nhà văn Dạ Ngân, gồm 1 truyện dài có độ nén của 1 tiểu thuyết và 9 truyện ngắn. Vẫn là những nhát cắt đời sống trên cái phông xã hội hậu chiến, từ sau giải phóng đến hiện tại, tác phẩm mang cảm hứng chung từ nỗi hân hoan náo nức của một dân tộc vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh trường kỳ, chất tráng ca còn vọng nhiều thế hệ. Là phụ nữ, lại là người được “hoài thai trong cuộc chiến thứ Nhất, tham dự cuộc chiến thứ Hai và may mắn sống sót”..., những cảm nhận của Dạ Ngân về chiến tranh dần “đời” hơn, sâu sắc đến thấm vào từng câu chữ. Với chị, trong và hậu chiến, thân phận đàn bà vẫn là nhân vật chính trong những tác phẩm mang tính để đời. 

Truyện dài Người yêu dấu trong tập lấy phông nền là cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, một cuộc chiến gây rúng động bởi chủ nghĩa diệt chủng Pol Pot, đã trở thành “nỗi ám ảnh không sao chịu đựng nổi” của nhà văn, khiến từng câu từng chữ chị viết như được rút ra từ gan ruột, như không thể không viết. Đàn bà trong Người yêu dấu có tính cách như nước, mềm như nước mà sắc cũng như nước, và sức mạnh nữ tính đó trong biến cố can qua, làm cho những mẹ, những chị, những người con gái giản dị, quê mùa trong truyện trở nên thông tuệ và có tính biểu tượng. Phụ nữ là hậu phương không phải đứng trước hòn tên mũi đạn, nhưng cũng vì vậy mà lần lượt chứng kiến, tận cùng đau khổ tận cùng hy sinh, sự khốc liệt phi nhân tính của con quái vật chiến tranh. 

amp;#34;Người yêu dấuamp;#34; và những truyện khác về người phụ nữ phía sau cuộc chiến - 1

Không phải là lý do, cũng không được lý giải nguyên nhân thực sự của các cuộc chiến; bắt buộc phải chịu đựng và vượt lên mất mát đau thương, nên có lẽ hơn ai hết, phụ nữ là những người hiểu rõ bản chất chiến tranh là vô cảm vô nghĩa, dưới bất kỳ hình thức nào. Chiến tranh thực sự mang gương mặt phụ nữ, dù họ không phải và không bao giờ là khởi nguyên. Cho nên, dẫu tình cảm giữa những người yêu dấu trong truyện có thiêng liêng, có lãng mạn đến gợi bâng khuâng người đọc, thì rốt cuộc, chính những tình cảm thiêng liêng đó (mà tác giả đã trao ngôi cho từng người trong truyện) lại là biểu tượng đau khổ của loài người, vì nó không được trao gửi một cách tự nhiên để có thể đơm hoa kết trái hạnh phúc đời thường.

9 truyện ngắn còn lại, tác giả Gia đình bé mọn lúc nhẩn nha lúc góc cạnh, kể những câu chuyện hậu chiến. Từ những khó khăn, tréo ngoe thời bao cấp, khi người dân bước ra từ cuộc chiến quá dài quá tốn xương máu, để tiếp tục đánh vật với cuộc chiến miếng cơm manh áo, trong lúc cơ chế xã hội còn chưa thể ổn định. Đất nước dần chuyển mình, cởi mở hơn, đỡ vất vả hơn, khiến người ra đi day dứt nỗi xa quê. Tiến dần đến hiện tại, cũng là lúc “những tấm lưng đàn bà” hòa nhịp vào dòng chảy đời thường, trải những hoàn cảnh riêng đó mà chung đó, của kiếp làm đàn bà, làm vợ, làm mẹ; là phụ mà cũng là chính, là mẫu, như bao đời nay vẫn vậy, ở mọi nơi có hơi thở con người. 

amp;#34;Người yêu dấuamp;#34; và những truyện khác về người phụ nữ phía sau cuộc chiến - 2

Nhà văn Dạ Ngân và chồng

Đã có những nốt cá tính rất đặc trưng của nhịp sống hiện đại trong người đàn bà mới của Dạ Ngân, gây không ít ngạc nhiên thú vị: người đàn bà nắn nót với những đam mê hưởng thụ, người đàn bà mê sự nghiệp hơn gia đình, người đàn bà biết buông bỏ và tận hưởng cuộc sống. Ở tuổi của tác giả, chị thừa từng trải để bao dung những tính cách đàn bà vượt khung truyền thống, và với sự thông minh sắc sảo vốn có, chị làm cho sự vượt khung đó trở nên hợp lẽ, đương nhiên. Nên trong truyện của Dạ Ngân, gương mặt và trái tim đàn bà trở nên giàu sắc thái và tràn đầy sức sống. 

Chiến tranh dẫu gì đi nữa, cũng đã lùi xa... 

Huân Huân
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sách hay cho bạn