5 cách giữ bình tĩnh khi căng thẳng hoặc tức giận

Ngày 19/10/2020 14:00 PM (GMT+7)

Căng thẳng, giận dữ là một loại cảm xúc tiêu cực mà bất cứ ai cũng từng trải qua, dù ít hay nhiều. Nếu không biết cách giữ bình tĩnh, bạn sẽ dễ phản ứng thái quá và có những lời nói, hành động bộc phát, thiếu kiềm chế.

Người xưa có câu, “cả giận mất khôn” là chỉ những người bị cơn giận dữ thao túng làm mất đi sự khôn ngoan, tỉnh táo cần thiết để xử lý tình huống. Bởi bất cứ ai khi bị khiêu khích, đe dọa hoặc bị thiệt hại về vật chất hay tinh thần…, sẽ rất khó khống chế được cảm xúc tức giận, nhưng chính trong những hoàn cảnh đó, sự bình tĩnh mới là phản ứng cần thiết để giải quyết vấn đề.

Vậy làm thế nào để có thể giữ được bình tĩnh khi đang vô cùng tức giận? Mặc dù kiềm chế sự tức giận luôn là một việc “nói dễ hơn làm”, nhưng nếu áp dụng 5 kỹ thuật tâm lý dưới đây, có thể bạn sẽ tìm ra cách giữ bình tĩnh, bớt nóng giận và xử lý ổn thỏa vướng mắc của mình tốt hơn.

5 cách giữ bình tĩnh khi căng thẳng hoặc tức giận - 1

Hít thở sâu

Kỹ thuật “đếm ngược tới 10, hít thở sâu” khi tức giận không phải là một cách mới nhưng nó lại cực kỳ hiệu quả. Khi tức giận, nhịp thở và nhịp tim của chúng ta đều có xu hướng tăng cao, gây căng thẳng và làm gia tăng cảm xúc tiêu cực. Bằng việc hít thở chậm lại, hít thở sâu và đếm nhịp thở của mình, cơ thể bạn sẽ được thả lỏng và dịu lại theo đúng nghĩa đen, giúp lấy lại sự bình tĩnh theo góc độ sinh học. Do đó, hít thở sâu không chỉ giúp bạn bớt căng thẳng hơn trong các cuộc phỏng vấn tìm việc làm tại TPHCM, Hà Nội… mà còn là cách tuyệt vời để kiềm chế cơn giận khi nó đang lên tới đỉnh điểm, giúp bạn tránh được những hậu quả đáng tiếc.

Tạm dừng cuộc tranh luận, giữ im lặng

Có một sự thật mà chúng ta thường quên mất khi đang giận dữ vì cãi vã hoặc xung đột là bạn không cần phải tiếp tục cuộc đối thoại, tranh luận đó. Kẻ “tấn công hung hăng” vào bạn sẽ “mất hứng thú” khi bạn không tiếp lời và có thể sẽ rời đi nếu bạn không để ý đến họ hay cho họ cơ hội tiếp tục.

Giữ im lặng là một việc rất khó trong xung đột, nhưng khi bình tĩnh nhìn lại, bạn sẽ cảm thấy mình sáng suốt vì đã “giữ im lặng” trong tình cảnh đó, vì im lặng cũng chính là “vàng”, là “tấm khiên” bảo vệ bạn tốt nhất trong hoàn cảnh đó. Vì vậy, bạn hãy học cách im lặng, giữ cho mình tỉnh táo bằng cách rời khỏi cuộc tranh luận, hoặc có thể đi uống một ly nước lạnh, hay đi rửa mặt… Kế “hoãn binh” này, sẽ giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi cơn tức giận, sớm tỉnh táo để tìm ra giải pháp tốt hơn cho vấn đề.

5 cách giữ bình tĩnh khi căng thẳng hoặc tức giận - 2

Giao tiếp bằng cách viết thay vì nói

Khi đang tức giận, một cách giữ bình tĩnh là cố gắng tránh những cuộc đối thoại trực tiếp, mặt đối mặt. Lúc này nên sử dụng các phương thức khác để giao tiếp như nhắn tin, chat, email... Lý do rất đơn giản vì sự tức giận có thể được giảm tải khá nhiều thông qua ngôn ngữ viết - làm dịu đi sự “nóng giận nảy lửa” có thể xảy ra khi đối đầu. Viết ra cũng là cách giải tỏa tốt, sau đó trước khi nhấn “gửi”, bạn vẫn có thể tiếp tục suy nghĩ, biên tập, chỉnh sửa lại ngữ điệu của mình để tránh gây thiệt hại hoặc xúc phạm đối phương. Giao tiếp bằng cách viết sẽ giúp bạn có tâm lý ổn định hơn rất nhiều.

Chuyển sự chú ý sang việc khác

Nếu bạn đang ở trong tình trạng bực mình, khó chịu, giận dữ vì mọi việc không như ý, một cách giữ bình tĩnh hiệu quả bạn có thể áp dụng là “đánh lạc hướng” não bộ bằng cách chuyển sự chú ý sang việc khác. Ví dụ, để tạm quên đi tác nhân gây bực mình, bạn có thể đứng lên đi lại, tập vài động tác thể dục nhẹ nhàng, hay pha pha trà, đồ uống… chẳng hạn.

Tránh đổ thêm dầu vào lửa

Khi bạn đang ở trong xung đột hoặc cãi vã, dẫn đến tâm trạng bực tức, một điều rất nên tránh đó là “đổ dầu vào lửa”, tìm cách khiêu khích, xúc phạm đối phương cho hả giận. Rất nhiều những mâu thuẫn dù ban đầu rất nhỏ nhặt, nhưng vì “hòn bấc ném qua, hòn chì ném lại” mà gây thiệt hại lớn, thậm chí hủy hoại hoàn toàn mối quan hệ. Đây là hành động tệ hại bạn nên tránh, vì bạn không hề bớt tức giận khi làm vậy. Hơn nữa khi bạn cố gắng thổi bùng mâu thuẫn sẽ chỉ khiến mọi chuyện trở nên khó cứu vãn hơn mà thôi.

Trong cuộc sống và công việc thường ngày, thật khó để hoàn toàn tránh khỏi những mâu thuẫn va chạm và cảm xúc giận dữ, tiêu cực. Đây là điều hoàn toàn bình thường của con người, nhưng những người khôn ngoan và khéo léo sẽ luôn biết cách giữ bình tĩnh, quản lý cảm xúc và biết khống chế cơn giận của mình. Yếu tố này vô cùng quan trọng trong quản trị và đặc biệt cần thiết đối với những người làm quản lý. Những bậc thầy trong giao tiếp thường biết cách biến “chuyện to thành nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì”. Đây cũng là một cách ứng xử khôn ngoan, đem lại rất nhiều lợi thế giúp bạn sống, làm việc một cách vui vẻ và hạnh phúc hơn.

Ngân Linh.
Nguồn: [Tên nguồn].