Áp lực công việc cuối năm: 5 bí quyết để dễ dàng vượt qua

Ngày 24/12/2019 08:00 AM (GMT+7)

Thời gian cuối năm với lượng công việc dồn dập, chỉ tiêu doanh số tăng cao thường khiến chúng ta cảm thấy áp lực và căng thẳng. Nếu căng thẳng kéo dài liên tục có thể dẫn tới xao nhãng công việc, chậm deadline. Bạn sẽ không đủ sức để có thể hoàn thành công việc, phải sắm sửa và chăm lo cho ngày Tết.

Hãy tham khảo ngay 5 lời khuyên dưới đây để có thể vượt qua áp lực công việc cuối năm, nạp lại năng lượng và tiếp tục chiến đấu để có những ngày làm việc cuối năm nhé.

Liệt kê các công việc cần làm

Mỗi ngày lên công ty, bạn luôn cảm thấy bối rối khi phải bắt đầu và dễ dàng nổi cáu vì mọi thứ rối tung. Theo Trưởng phòng Nhân sự công ty việc làm và tuyển dụng CareerLink thì đây là dấu hiệu cho thấy bạn không kiểm soát được công việc. Hầu hết mọi người đều có chung tâm lý áp lực và căng thẳng này khi có quá nhiều thứ cần giải quyết. Điều quan trọng lúc này là bạn cần điểm lại xem có bao nhiêu việc cần làm, trong thời gian bao lâu và những ai có thể giúp bạn hoàn thành các nhiệm vụ đó. Hãy ghi ra những điều này và đánh dấu cụ thể (xóa bỏ) sau khi làm xong mỗi việc để tránh bị lẫn lộn và cũng để có thêm động lực tiến hành các việc khác.

Áp lực công việc cuối năm: 5 bí quyết để dễ dàng vượt qua - 1

Phân chia công việc theo mức độ ưu tiên

Sau khi đã kiểm soát được các nhiệm vụ cần làm, điều tiếp theo bạn nên làm đó là phân chia công việc theo mức độ ưu tiên, loại bỏ công việc không cần thiết để đẩy nhanh tiến độ và lên kế hoạch chi tiết cho những công việc cần thực hiện trước. Đây là phương pháp giúp bạn tiết kiệm tối đa thời gian làm việc, hạn chế việc trễ deadline cũng như hỗ trợ khả năng kiểm soát công việc rất tốt.

Bạn có thể tham khảo cách phân chia công việc theo 3 loại đơn giản sau: (1) Việc quan trọng và cần làm gấp; (2) việc quan trọng nhưng không cần làm gấp; (3) việc không quan trọng và cũng không cần làm gấp.

Ví dụ, bạn đang cần làm báo cáo tổng hợp cuối năm để gửi cấp trên vào 9 giờ sáng ngày mai, đồng thời phải hoàn thành bảng chấm lương tháng cho công ty trong ngày. Xét về mức độ ưu tiên, cả hai việc đều quan trọng, nhưng bảng chấm lương lại cần làm gấp hơn báo cáo. Do vậy, trong buổi chiều ngày hôm đó, bạn hãy lên sẵn sườn chính cho báo cáo, yêu cầu cấp dưới gửi thông tin dữ liệu trước 3 giờ chiều và sau đó chỉ cần bổ sung hoàn thiện. Trong thời gian chờ đợi, bạn hoàn toàn có thể thực hiện xong bảng chấm công. Như vậy, bạn hoàn toàn không bị rối hay phải chạy nước rút cho kịp thời gian mà vẫn có thể hoàn thành công việc đúng dự kiến.

Luôn tập trung

Tập trung chính là chìa khóa để tăng năng suất và hiệu quả công việc cũng như giảm áp lực công việc cuối năm. Nhưng khi ở công sở, bạn hoàn toàn có thể mất tập trung bất cứ khi nào bởi những yếu tố tác động như: đồng nghiệp, điện thoại, internet và mạng xã hội, các trang mua sắm... Khi cần phải tập trung thực hiện nhiệm vụ, bạn nên tránh tham gia vào các cuộc nói chuyện, tán gẫu với đồng nghiệp, tắt hết các trang mạng không cần thiết cho công việc, để điện thoại ở trạng thái im lặng. Nếu không khí trong phòng làm việc quá ồn ào, bạn hãy tìm một góc nào đó trong văn phòng hoặc tòa nhà để tập trung làm việc.  

Không quá cầu toàn trong mọi việc

Cầu toàn vốn là một ưu điểm vì những người cầu toàn thường sẽ hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Thế nhưng, khi bạn quá khắt khe với bản thân, đôi khi bạn sẽ thấy mệt mỏi, không còn cảm hứng để làm việc nữa và không chịu được áp lực công việc. Ngoài ra, khi có quá nhiều việc cần làm, nếu cứ khăng khăng ép buộc bản thân phải thực hiện mọi thứ thật hoàn hảo, bạn sẽ không đủ thời gian cho những việc khác. Đừng quá khắt khe khi bắt cấp dưới phải hoàn thiện kế hoạch 100% theo ý của bạn, hay bằng mọi cách để vượt qua mục tiêu đề ra. Đôi khi, chỉ cần mọi việc đạt được yêu cầu ở mức chấp nhận được thì có thể chuyển sang nhiệm vụ khác.

Áp lực công việc cuối năm: 5 bí quyết để dễ dàng vượt qua - 2

Chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt

Sức khỏe là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu suất công việc của bạn. Cho dù có quá nhiều việc cần làm, bạn cũng đừng quên quan tâm đến sức khỏe của mình, tránh rơi vào stress hay trầm cảm. Không thức quá khuya để làm việc, không lạm dụng các chất kích thích như caffein để tỉnh táo, không nên ăn đồ ăn nhanh hoặc lạm dụng đồ ăn bên ngoài… Thay vào đó, bạn hãy dành một chút thời gian để tập thể dục, tự nấu những bữa ăn đơn giản, xây dựng thói quen sinh hoạt đúng giờ giấc.

Ngoài ra, bạn cũng nên duy trì cảm giác hưng phấn, thoải mái cho não bộ và tinh thần bằng các phương pháp tập luyện như yoga, nghe nhạc, trồng cây xanh... Chỉ khi cơ thể của bạn ở trong trạng thái mạnh khỏe và tràn đầy năng lượng, không lo lắng hay mệt mỏi, bạn mới có thể vượt qua áp lực công việc cuối năm và làm việc một cách hiệu quả nhất. 

Huyền Nguyễn.
Nguồn: [Tên nguồn].