Giải mã bài toán văn hóa doanh nghiệp cùng Doanh nhân Vũ Mạnh Cầm

Ngày 23/09/2020 08:00 AM (GMT+7)

“Đối thủ của bạn có thể sao chép tất cả mọi thứ, từ chiến lược, sản phẩm, hệ thống, quy trình, cho đến bí quyết công nghệ…, chỉ trừ một thứ duy nhất họ không thể sao chép hay ăn cắp được, đó chính là văn hóa doanh nghiệp của bạn”. 

Văn hóa doanh nghiệp là một cụm từ ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp Việt Nam. Cách ứng xử của doanh nghiệp với bên ngoài như thế nào phụ thuộc rất lớn vào cách xây dựng văn hóa của doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, ở mức độ vĩ mô, tại Việt Nam, xây dựng văn hóa doanh nghiệp vẫn còn là một khái niệm chưa thực sự được ứng dụng hiệu quả trong thực tế.

Giải mã bài toán văn hóa doanh nghiệp cùng Doanh nhân Vũ Mạnh Cầm - 1

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp luôn là một bài toán khó mà muốn doanh nghiệp thành công, chủ doanh nghiệp bắt buộc phải giải được bài toán đó

Doanh nhân Vũ Mạnh Cầm, hiện tại là Founder của Thon Mentor - Đơn vị cố vấn Doanh nhân & Doanh nghiệp chia sẻ: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp luôn là một bài toán khó mà muốn doanh nghiệp thành công, chủ doanh nghiệp bắt buộc phải giải được bài toán đó. Văn hóa doanh nghiệp chính là tạo ra chiều sâu trong nền tảng doanh nghiệp để làm nên điểm khác biệt trong ứng xử của doanh nghiệp đối với các giao dịch bên ngoài, giúp doanh nghiệp thu hút nhân tài một cách dễ dàng để củng cố sự phát triển. Đó chính là lý do chủ doanh nghiệp nên đặc biệt xem trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp.”

Giải mã bài toán văn hóa doanh nghiệp cùng Doanh nhân Vũ Mạnh Cầm - 2

Bên cạnh đó, Vũ Mạnh Cầm cũng tiếp tục chỉ ra những điểm yếu trong cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam. Theo anh, muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh và có hiệu quả thì doanh nghiệp phải xây dựng được quy trình chung cho mọi hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp. Và nói đến viết quy trình thì đây được xem là một điểm yếu chết người của doanh nghiệp Việt Nam. Đa số, các doanh nghiệp lớn sẽ đầu tư một bộ phận chuyên môn để xây dựng quy trình cho công ty, còn đối với các doanh nghiệp vừa & nhỏ, bộ phận này thường được lược bỏ để cắt giảm chi phí. Từ đó phát sinh ra vấn đề không đồng nhất trong ứng xử nội bộ và khách hàng, ảnh hưởng khá lớn đến hình ảnh doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp vừa & nhỏ với ngân sách giới hạn vẫn nên xây dựng cho mình một bộ quy trình chuẩn để điều hành hoạt động. Chủ doanh nghiệp có thể tự mình xây dựng bộ quy trình đó theo kinh nghiệm và phong cách quản lý của mình. Hoặc nếu không thực sự tự tin vào khả năng tổng quát vấn đề doanh nghiệp, hãy tìm đến với những đơn vị tư vấn & xây dựng văn hóa doanh nghiệp chuyên nghiệp để nhận được sự hỗ trợ đúng mực.” 

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm xây dựng văn hóa doanh nghiệp của mình, doanh nhân Vũ Mạnh Cầm nhấn mạnh 3 yếu điểm quan trọng:

Chú trọng xây dựng văn hóa phục vụ khách hàng. Đối với doanh nghiệp, khách hàng là thượng đế. Châm ngôn đó luôn luôn đúng và cần được doanh nghiệp cân nhắc thấu đáo. Xây dựng văn hóa phục vụ khách hàng chính là xây dựng lớp áo cho doanh nghiệp với đối tác, khách hàng. Việc chuẩn hóa các hành vi ứng xử với khách hàng, motip trả lời khách hàng, motip xử lý khi có sự cố... càng thống nhất càng giúp doanh nghiệp trở nên chuyên nghiệp.

Từ bên trong nội bộ doanh nghiệp, hãy tự tạo ra sân chơi cho cán bộ nhân viên của mình. Một sân chơi công bằng giữa thưởng & phạt, giữa lợi ích chung & lợi ích cá nhân sẽ giúp bạn giữ gìn được nhân sự tốt, giỏi và thúc đẩy động lực cống hiến cho cán bộ nhân viên. 

Giải mã bài toán văn hóa doanh nghiệp cùng Doanh nhân Vũ Mạnh Cầm - 3

Cuối cùng, hành động đi đôi với lý thuyết. Đừng cố xây dựng một bộ quy trình hoàn hảo nhưng không áp dụng được vào thực tế và ngược lại. Việc xây dựng quy trình cho doanh nghiệp cần bám sát hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp, đúc kết và rút ra từ các vấn đề đã, đang và sẽ phát sinh tại doanh nghiệp. Điều đó sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng đưa quy trình vào hoạt động thực tiễn, ít vấp phải sự cố. Một bộ quy trình chỉ thành công khi nó thực sự áp dụng được vào thực tiễn và tạo được niềm tin đối với khách hàng. 

Văn hóa doanh nghiệp là cái nôi của sự hình thành và phát triển doanh nghiệp. Việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp cũng quan trọng giống như việc quản lý ngân sách doanh nghiệp, có ý nghĩa như xương sống cho sự thành công của doanh nghiệp trong tương lai. Ở các nước lớn trên thế giới, văn hóa doanh nghiệp vô cùng được coi trọng, bởi nó đại diện cho những ứng xử của doanh nghiệp đối với thế giới bên ngoài. Xây dựng và phát triển một nền văn hóa doanh nghiệp mạnh không chỉ làm cho nền kinh tế Việt Nam mang một bản sắc riêng, không lẫn với bất kỳ quốc gia nào mà còn giúp cho các doanh nghiệp của chúng ta đứng vững và hoà nhập với xu thế phát triển kinh tế trên toàn cầu.

Nguồn: [Tên nguồn].