Những điểm được và mất khi chấp nhận “thất nghiệp chờ thời cơ”

Ngày 14/01/2020 10:20 AM (GMT+7)

Tìm được một công việc phù hợp, đúng chuyên môn là điều mọi sinh viên ra trường đều mong mỏi. Song, trên thực tế không phải ai cũng may mắn. Vì vậy, không ít người sẵn sàng lao vào làm bất cứ công việc gì, dù là không đúng chuyên ngành, chỉ với mục tiêu duy nhất là kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Bên cạnh đó cũng có những người quyết tâm tìm đúng việc như ước mơ với mức lương mong muốn nên chấp nhận thất nghiệp. Dù quyết định chọn hướng đi nào thì người lao động cũng sẽ đứng trước hai lựa chọn “được – mất”. Cùng tìm hiểu kỹ hơn những ưu và khuyết điểm của suy nghĩ “chấp nhận thất nghiệp chờ thời cơ” để có lựa chọn hợp lý cho mình bạn nhé.

Một số ưu thế có được

Thất nghiệp là thời điểm tích lũy

Có một thực tế đáng buồn là người trẻ tuổi thường chạy theo giá trị vật chất, họ chỉ suốt ngày đăm đăm tìm câu trả lời cho câu hỏi “Cần làm gì để kiếm được nhiều tiền trong thời gian ngắn?”. Tại sao lại như vậy? Vì họ thiếu sự kiên nhẫn và thiếu những suy nghĩ tích cực. Ít bạn trẻ nào đủ sáng suốt nhận ra rằng đôi lúc thời gian thất nghiệp chính là cơ hội để khám phá bản thân có những giá trị riêng đáng quý nào, và đồng thời tự trau dồi thêm kiến thức đang thiếu hụt từ chính sách vở và cuộc sống. Những kiến thức đó không chỉ giúp họ trưởng thành hơn, mà còn là cơ sở để vững vàng hơn sau này. Đây cũng sẽ là “nấc thang” quan trọng để họ thay đổi và tạo dựng con đường sự nghiệp vững chắc trong tương lai. Nên nhớ, việc học không bao giờ là uổng phí.

Phát triển sự nghiệp theo hướng đúng đắn hơn

Đừng vội lo lắng, bất cứ ai cũng phải trải qua giai đoạn thất nghiệp như bạn thôi. Chưa hẳn bạn đang bất hạnh, mà nhiều khi đó là may mắn vì thất nghiệp hoàn toàn có thể trở thành cơ hội để bạn có thời gian chọn hướng đi sự nghiệp đúng đắn hơn. Bởi chưa chắc công việc bạn đang theo đuổi, đang tiếc nuối là dành cho bạn. Hãy từng bước đánh giá, suy ngẫm và điều chỉnh bản thân trong thời điểm không có gì vướng bận này để tìm việc làm khác và tự tin chọn “bến đỗ” phù hợp cho bản thân.

Những điểm được và mất khi chấp nhận “thất nghiệp chờ thời cơ” - 1

“Kỳ nghỉ” dành riêng cho bạn

Hãy tắt nguồn và thư giãn; hãy làm những việc trước đây bạn chưa có thời gian làm. Ví như việc về thăm cha mẹ, đi du lịch, tập thể dục, giảm cân… Hãy nghỉ ngơi thật tốt, cố gắng ngủ đủ giấc, đọc thêm sách, học thêm một kỹ năng hay ngoại ngữ nào đó, đi du lịch một nơi nào đó nằm trong khả năng để khám phá về những điều mới mẻ khác, yên tĩnh uống một tách trà và bình tâm chờ cơ hội tới... Hãy xem đây là “kỳ nghỉ” dành riêng cho bạn để cân bằng công việc và cuộc sống riêng tư. Đây cũng là cách để thu về năng lượng tích cực, có thể giúp bạn nhìn thấy những điều mà trước đây vì bận rộn kiếm tiền mà không nhìn thấy được, để rồi giờ phải thốt lên “Hóa ra mình đã bỏ qua quá nhiều thứ hay ho”. Nhưng nhớ không nhất thiết phải du lịch xa xỉ hay ăn uống tiêu pha quá nhiều tiền, hãy biết chi tiêu đúng mực vì giai đoạn phía trước bạn cần rất nhiều tinh thần cũng như vật chất để “chuyển mình” thành công.

Một số khuyết điểm cần lưu ý

Lối tư duy ảo tưởng

Thực tế không phải lúc nào chọn thất nghiệp chờ thời cơ cũng là quyết định đúng đắn. Đặc biệt với những người đang bị ảo tưởng sức mạnh. Họ cho rằng với bằng cấp ấy thì phải làm những việc to tát lớn lao, đây chính là suy nghĩ làm cho họ xa rời thực tế, ảo tưởng về năng lực của bản thân. Đến khi tìm được một công việc tốt thì họ lại không biết cách nắm bắt, điều đó làm cho họ đi từ thất nghiệp này tới thất nghiệp khác. Thử đặt giả định, nếu bạn là nhà tuyển dụng, với hai tấm bằng như nhau, hai con người có cùng độ tuổi… song kinh nghiệm sống và làm việc khác nhau, thì bạn sẽ chọn ai? Chắc chắn là người có kinh nghiệm. Vậy nên đừng cứ đăm đăm nghĩ rằng quyết tâm của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng, bất chấp thất nghiệp thì thời cơ sẽ đến. Hãy đối diện với thực tế, thất nghiệp nhưng vẫn tạo nên giá trị của bản thân từ việc tự trang bị cho mình vốn sống và kinh nghiệm thiết thực, điều đó hoàn toàn hữu ích cho công việc của bạn về sau.

Khiến bản thân thụ động

Chẳng ai muốn mình rơi vào trường hợp thất nghiệp. Song, cứ trượt dài trong tình trạng này với tâm trạng chán nản, bão hòa cảm xúc thì sẽ khiến bản thân bạn trở nên thụ động. Điều này cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt bạn đang sống trong thế giới đang trên đà phát triển vượt trội, khi cái mới tốt hơn cái cũ, tiện lợi hơn cái cũ đang chờ bạn khám phá. Nếu bạn không muốn bước ra khỏi vùng an toàn, điều này khiến bạn trở nên lười biếng trong việc tiếp thu cái mới và ngày càng thụt lùi so với xã hội.

Những điểm được và mất khi chấp nhận “thất nghiệp chờ thời cơ” - 2

Bỏ quên dần đam mê

Thất nghiệp quá lâu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cảm hứng của bạn dành cho công việc. Vì vậy hãy từng ngày tích lũy cho mình những kiến thức quan trọng. Đó cũng là cách bạn lấy lại niềm đam mê công việc. Hãy tự mình tìm kiếm, quyết định câu trả lời về tương lai cho bản thân.

Mai Hương.
Nguồn: [Tên nguồn].