10 dấu hiệu cho thấy bạn đang đối phó với người độc hại

Bảo Anh. - Ngày 21/07/2022 19:00 PM (GMT+7)

Những người độc hại thường khiến bạn phải tự vấn về sự tỉnh táo, khả năng của chính mình và rút cạn năng lượng của bạn.

Nghe audio
0:00
0:00

Người độc hại là những người gây tổn hại cho người khác, thường là thông qua việc thao túng cảm xúc. Tác động tiêu cực mà người độc hại có thể gây ra đối với mọi người là rất sâu sắc. Họ sẽ tìm cách đổ lỗi cho bạn về mọi thứ, kiểm soát bạn, làm bạn ngạt thở và khiến bạn mất lòng tin vào bản thân, hủy hoại chính mình. Họ còn là ma cà rồng năng lượng, dường như có thể rút cạn sự sống của bạn ngay khi xuất hiện. Những người độc hại thường khiến bạn phải tự vấn về sự tỉnh táo, khả năng của chính mình.

Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy bạn đang đối mặt với một kẻ độc hại:

1. Thao túng cảm xúc

10 dấu hiệu cho thấy bạn đang đối phó với người độc hại - 1

Thao túng cảm xúc bao gồm một loạt các hành vi và chiến thuật. Nếu bạn có cảm giác mình đang bị thao túng về mặt cảm xúc, bạn có thể đang đối phó với một kẻ độc hại. Họ có thể hạ thấp bạn và lăng mạ bạn, tinh vi hơn là đưa ra những câu đùa liên quan đến vấn đề bạn nhạy cảm để bạn tức giận hoặc trừng phạt bạn bằng sự im lặng không lý do. Tất cả những gì họ muốn là khiến bạn phải lo lắng. Những người độc hại phát triển mạnh nhờ điều đó.

2. Không trung thực

Bất kỳ loại không trung thực nào, dù đó là lừa dối hay giữ bí mật đều là dấu hiệu của một người độc hại. Điều này tương đối khó vì nó còn phụ thuộc vào khả năng nói dối của kẻ đó. Tuy nhiên, nếu bạn bắt gặp họ nói dối, đặc biệt là nhiều lần, đừng đơn giản mà bỏ qua.

3. Thao túng tinh thần

Về cơ bản, thao túng tinh thần là khi ai đó dùng những thông tin sai trái, thiếu chính xác để thao túng bạn nhằm có được sự kiểm soát. Ngay khi bạn bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình, họ sẽ dùng lời nói để khiến bạn không còn tin tưởng vào chính mình, trực giác và kinh nghiệm của bản thân. Đây thường là quá trình xảy ra chậm và khó nhận biết. Thậm chí, bạn còn có thể cảm thấy tội lỗi khi đã nghi ngờ người thao túng mình.

4. Thiếu trách nhiệm giải trình

Những người độc hại không muốn chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì. Họ sẽ làm bất cứ điều gì để nói với người khác rằng họ không làm vậy. Những người này không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm về hành động của mình mà còn thường đổ lỗi cho người khác.

5. Thiếu ranh giới

Những người độc hại không có khái niệm hoặc không hề tôn trọng ranh giới. Dù ranh giới của bạn là hoàn toàn lành mạnh và hợp lý, họ vẫn không ngại giẫm đạp lên nó. Thậm chí, khi bạn tỏ ra bực mình, khó chịu khi ranh giới của mình bị vượt qua, họ sẽ coi đó là lỗi của bạn vì đã quá nhạy cảm.

6. Không ủng hộ bạn

10 dấu hiệu cho thấy bạn đang đối phó với người độc hại - 2

Người bạn đang nghi ngờ là độc hại có ủng hộ mục tiêu và ước mơ của bạn không? Họ có mừng cho bạn khi bạn đạt được điều gì đó trong cuộc sống như ý muốn không? Họ có quan tâm đến mong muốn và nhu cầu của bạn không?

Nếu câu trả lời cho những câu hỏi này là không, đó thực sự là một người độc hại. Tinh vi hơn, họ có thể vờ như ủng hộ bạn song điều đó hoàn toàn không xuất phát từ sự chân thành, thậm chí là trước mặt ủng hộ, sau lưng ngầm phá.

7. Họ tiêu hao năng lượng của bạn

Đó là lý do người ta ví những người độc hại như những con ma cà rồng năng lượng. Họ khiến bạn cảm thấy kiệt sức dần và mòn, tạo ra những căng thẳng, suy kiệt và tiêu cực cho những người xung quanh.

8. Chiếm quyền lực

Những người độc hại không muốn những mối quan hệ tôn trọng và có đi có lại. Thứ mà họ cần là những mối quan hệ mà họ có ưu thế và có thể thao túng được người kia. Trong mối quan hệ đó, họ là người ở trên và vị thế của bạn chỉ có thể là dưới họ.

9. Khuyến khích sự phụ thuộc

Tương tự như chiếm quyền lực, những người độc hại không chỉ khuyến khích mà còn tạo ra nhiều cơ hội để người khác trở nên phụ thuộc vào họ. Họ sẽ là mọi thứ để bạn nghi vấn về khả năng của mình, lòng tin vào bản thân giảm đi và ngày càng dựa vào con người độc hại đó hơn nữa. Đây thực sự là chính xác những gì họ muốn. Họ sẽ cố gắng hết sức để cô lập bạn khỏi những người khác như người thân, bạn bè trong cuộc sống.

10. Lời xin lỗi không chân thành

10 dấu hiệu cho thấy bạn đang đối phó với người độc hại - 3

Và cuối cùng, những người độc hại tinh vi hơn biết khi nào họ cần xin lỗi bạn vì họ đã làm sai (do họ cố ý làm vậy). Tuy nhiên, những lời xin lỗi đó không hề chân thành. Họ sẽ thể hiện rằng tất cả những gì họ làm đều là vì bạn. Những cụm từ người độc hại hay sử dụng khi xin lỗi là "Tôi xin lỗi nếu bạn nghĩ rằng tôi đã sai" hoặc "Tôi xin lỗi nếu tôi làm bạn khó chịu". Và hãy nhớ rằng, một lời xin lỗi mà không đi kèm sự thay đổi thì nó chính là sự thao túng.

Nếu không biết thế mạnh của mình là gì, 6 điều này sẽ giúp bạn khám phá bản thân
Nếu bạn đang đấu tranh để tìm ra thứ gì đó mình thực sự giỏi và thích thú, những gợi ý này sẽ giúp bạn có được câu trả lời. 

Tư duy thông minh

Theo Bảo Anh.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tư duy thông minh