Dưới đây là 8 thói quen tiết kiệm nhiều người vẫn tin tưởng nhưng lại không phải là sự lựa chọn khôn ngoan.
1. Chấp nhận sự bất tiện để tiết kiệm tiền
Đi bộ thêm 20 phút đến cửa hàng bán hành tây rẻ hơn 5 xu so với cửa hàng ở góc phố? Đây là một ví dụ về việc chấp nhận sự bất tiện để tiết kiệm thêm một ít tiền.
Bạn có phải là người tiết kiệm bằng cách chọn lựa chọn rẻ nhất cho mọi thứ bất kể nó bất tiện đến mức nào? Càng có nhiều trải nghiệm, bạn sẽ càng hiểu được rằng tiết kiệm thời gian đáng giá hơn nhiều so với tiết kiệm tiền.
2. Bỏ qua những trải nghiệm đáng nhớ để tiết kiệm tiền
Khi bạn buộc phải tiết kiệm để sống sót hoặc trả nợ, bạn có thể bỏ lỡ cơ hội dành thời gian cho mọi người. Bạn có thể phải từ chối đám cưới người bạn thân ở xa, không thể tham gia chuyến đi cuối tuần với các anh em của mình. Khi bỏ qua những trải nghiệm đáng nhớ để tiết kiệm tiền, một ngày sớm thôi bạn sẽ thấy rất tiếc nuối.
Người chi tiêu hợp lý biết giá trị của việc chi tiền cho trải nghiệm. Họ biết có nhiều con đường khác có thể giúp mình gia tăng thu nhập, thúc đẩy tiết kiệm thay vì từ chối mọi trải nghiệm đáng nhớ chỉ để tiết kiệm tiền.
3. Không chi thêm một chút để có được thứ tốt hơn nhiều
Người mua sắm tiết kiệm biết rõ thói quen này: mua phiên bản rẻ, chất lượng thấp thay vì phiên bản chất lượng cao hơn vì phiên bản sau đắt hơn một chút. Tuy nhiên, người chi tiêu hợp lý đã từ bỏ thói quen tiết kiệm này từ lâu.
Thực tế, khi bạn đạt đến một mức giá nhất định, nếu bạn chi thêm một chút, những gì bạn nhận được sẽ tốt hơn đáng kể. Thay vì đánh vào số lượng, những người giỏi chi tiêu ưu tiên chất lượng hơn. Họ muốn mọi đồng tiền mình bỏ ra đều phải xứng đáng.
4. Buộc bản thân làm điều bạn không muốn làm để tiết kiệm tiền
Bạn có bao giờ buộc bản thân làm điều gì đó mà bạn thực sự không muốn làm để tiết kiệm tiền không? Bạn có từng mệt mỏi và đói đến mức không muốn nấu ăn nhưng vẫn buộc mình phải nấu hoặc điều gì khác tương tự thế?
Nếu có điều gì đó mà bạn thực sự không muốn làm, bạn không nhất thiết phải buộc mình làm điều đó bằng mọi cách. Tất nhiên, điều này không có nghĩa rằng bạn nên thường xuyên tiêu tốn tiền cho việc ăn hàng mà hãy lưu ý đến tính linh hoạt. Trong một số trường hợp nhất định, sẽ là tốt hơn khi bạn ưu tiên tiết kiệm thời gian và thư giãn.
5. Tự làm mọi thứ
Trong thời đại mà bạn có thể tra cứu cách làm hầu hết mọi thứ trên YouTube, bạn rất dễ bị cám dỗ để áp dụng tự làm mọi thứ càng nhiều càng tốt, đặc biệt là khi bạn muốn tiết kiệm tiền. Tuy nhiên, càng có nhiều trải nghiệm, bạn sẽ càng nhận ra điều này không phải lúc nào cũng phát huy tác dụng và thời gian của bạn có thể có giá trị hơn.
Đừng quá băn khoăn khi phải chi một ít tiền để làm điều gì đó mà bạn không muốn làm. Khoản chi này có thể mang lại cho bạn nhiều thời gian hơn để làm những việc tạo ra nhiều giá trị hơn.
6. Nghiên cứu quá mức để tiết kiệm tiền
Việc nghiên cứu, tìm hiểu luôn quan trọng, dù đó là về một mã cổ phiếu bạn đang nghĩ đến việc mua hay một nơi bạn đang muốn chuyển đến sống. Nhưng chúng ta có thể rơi vào tình trạng nghiên cứu quá mức mọi thứ để cố gắng tiết kiệm tiền.
Thời gian để bạn quá đắn đo, phân vân giữa các lựa chọn có thể được dùng để làm những việc thực sự giá trị hơn. Nếu có đủ khả năng để chi số tiền nhằm tránh khỏi cơn đau đầu đó, hãy thấy mình có quyền như vậy.
7. Áp đặt cách tiết kiệm của bạn lên người khác
Không phải ai cũng đang trải qua trải nghiệm tài chính giống như bạn. Nếu bạn đang thực hành tiết kiệm cực kỳ khắc khổ, bạn không nên cho rằng mọi người khác cũng vậy, cũng như bạn không nên phán xét họ nếu họ làm khác. Việc áp đặt cách tiết kiệm của mình lên người khác có thể khiến bạn cảm thấy ái ngại sau này.
8. Suy nghĩ quá nhiều về những lần mua sắm nhỏ
Bạn có mua ly cà phê latte sáng nay không? Bạn có mua thêm một vài món đồ so với những gì bạn thực sự cần tại cửa hàng tiện lợi không? Nếu bạn tiết kiệm, bạn có thể suy nghĩ rất nhiều về "sự phung phí" của mình. Bất kỳ lần mua sắm nhỏ nào cũng có thể khiến bạn phải suy nghĩ quá nhiều.
Việc chú ý đến những thói quen nhỏ là rất quan trọng vì chúng có thể cộng dồn lại thành những vấn đề lớn hơn nhưng nếu thỉnh thoảng bạn mua một thứ nhỏ mà bạn không hoàn toàn cần, bạn có thể không cần phải lo lắng về điều đó. Suy nghĩ quá nhiều về những lần mua sắm nhỏ là một thói quen tiết kiệm mà bạn nên cân nhắc từ bỏ.