Ai cũng phải chọn 1 trong 2 nỗi đau: nỗi đau của kỷ luật hoặc nỗi đau của hối hận

Bảo Anh. - Ngày 20/04/2021 18:46 PM (GMT+7)

Bất cứ khi nào bạn cảm thấy muốn từ bỏ, hãy dừng lại và viết ra những điều bạn biết ơn trong cuộc sống này. Dù bạn là ai, có hoàn cảnh thế nào, bạn cũng đều có rất nhiều điều tích cực đáng để biết ơn.

Ai trong chúng ta chắc có lẽ đều đã trải qua cảm giác muốn từ bỏ một thứ gì đó. Chúng ta bắt đầu bằng sự phấn khích, nhiệt huyết và sáng tạo, sau đó là khó khăn, tuyệt vọng, chán nản và muốn từ bỏ.

Con người được cho là thường hành động theo "nguyên tắc vui vẻ". Điều này có nghĩa là chúng ta thường muốn có được những trải nghiệm vui vẻ, sự thỏa mãn mà không bị trì hoãn và muốn có ngay lúc này.

Bộ não của chúng ta nhanh chóng được kết nối với phần thưởng như một sự trao đổi. Chúng ta được sinh ra để tìm kiếm sự thỏa mãn tức thì bởi trong thời kỳ cổ đại, nhận được lợi ích tức thì là điều cần thiết để con người tồn tại. Khi không đạt được những gì chúng ta muốn ngay lập tức, chúng ta dễ rơi vào trạng thái lo lắng và muốn từ bỏ.

Bởi vậy, muốn từ bỏ là tâm lý bình thường nhưng quyết định bỏ cuộc là không nên. Không có gì đáng giá đến với bạn một cách dễ dàng. Có những người thành công ở ngoài kia đã thất bại hàng trăm lần trước khi có được ngày hôm nay như những gì bạn thấy. Nếu họ chọn từ bỏ thay vì làm việc chăm chỉ hơn để đạt được mục tiêu của mình, họ đã không bao giờ có được thành công.

Walt Disney từng bị một biên tập viên của tờ báo sa thải vì “thiếu trí tưởng tượng và không có ý tưởng hay”. Nếu ông từ bỏ giấc mộng của mình cùng những ý tưởng lớn, ông sẽ không tạo ra được Disney thành công như ngày hôm nay.

Nếu bạn từ bỏ ngay bây giờ, bạn đang từ bỏ tương lai tươi sáng cùng những kết quả tuyệt vời mà bạn sẽ nhận được. Dưới đây là 8 điều mà bạn cần làm khi muốn từ bỏ. Hãy làm những điều để bản thân sau này sẽ phải cảm ơn chính mình.

1. Nhớ lại lý do bạn bắt đầu

Ai cũng phải chọn 1 trong 2 nỗi đau: nỗi đau của kỷ luật hoặc nỗi đau của hối hận - 1

Hãy nhớ lại thời điểm mà dự án hay mục tiêu của bạn được hình thành. Bạn có nhớ mình đã vui và phấn khích thế nào khi nghĩ đến việc sắp bắt tay vào việc không? Bắt đầu thường đơn giản nhưng thực hiện là một quá trình khó khăn.

Quay trở lại những ngày đầu và nhớ về lý do bạn muốn thực hiện dự án đó. Hít thở sâu và hồi tưởng lại những niềm vui, sự háo hức cùng những hy vọng về kết quả của bạn. Nếu đọc về tiểu sử của những người thành công, bạn sẽ nhận thấy rằng chính khi khó khăn ập đến với họ là lúc quyết định ai là người thực sự vươn lên, tạo cú lội ngược dòng. Đó là khi họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đạt được những gì họ đã đặt ra bởi họ thực sự muốn hiện thực hóa giấc mơ của mình.

2. Tìm hiểu lý do bạn muốn từ bỏ

Cảm giác muốn từ bỏ có thể xâm chiếm tâm trí của bạn. Đừng mơ hồ với cảm giác đó mà hãy xem xét cụ thể lý do vì sao bạn muốn từ bỏ.

Bạn đang cảm thấy cơ thể mệt mỏi? Bạn chạy theo một vài hoạt động và không dành đủ thời gian cho bản thân trong thời gian gần đây? Bạn thấy cô đơn, không có ai bên mình? Bạn thấy mình không đủ khả năng? Có những chuyện phát sinh mà bạn chưa hề chuẩn bị trước? Bạn có cần lùi lại một bước trước khi tiếp tục không?

Có nhiều lý do để bạn muốn từ bỏ và hãy tìm hiểu lý do thực sự của mình và giải quyết chúng một cách nhanh chóng. Một khi bạn thấy những gì gây ra cho mình cảm giác kia, bạn có thể giải quyết nó.

3. Hình dung về kết quả cuối cùng

Hãy hình dung về những gì bạn muốn đạt được khi hoàn thành, điều này sẽ giúp bạn tiến lên phía trước. Cảm giác trở thành một kẻ bỏ cuộc không hề dễ chịu chút nào và đó là lý do bạn cần là một người chiến thắng! Hãy nhớ sự lựa chọn: sự hồi hộp của chiến thắng hoặc sự đau đớn của thất bại!

Bất cứ khi nào bạn muốn bỏ cuộc, hãy tự hỏi bản thân rằng mình có muốn tận hưởng cảm giác chiến thắng không hay sẽ đau đớn vì thất bại? Nhấn mạnh vào suy nghĩ rằng bạn có thể làm được. Đây chính là cách bạn có thể duy trì động lực và kiên trì ngay cả trong thời kỳ khó khăn.

4. Lên kế hoạch và cả phương án dự phòng

Ai cũng phải chọn 1 trong 2 nỗi đau: nỗi đau của kỷ luật hoặc nỗi đau của hối hận - 2

Trước khi thực hiện bất cứ điều gì, hãy luôn đảm bảo rằng mình đã có kế hoạch cho điều đó. Khi đã có sẵn kế hoạch, bạn sẽ dễ vượt qua khoảng thời gian khó khăn muốn từ bỏ hơn bằng cách xem lại kế hoạch và tập trung lại vào các bước cần thiết để đạt được mục tiêu.

Ngoài ra, đừng quên phương án dự phòng khi xây dựng kế hoạch. Bằng cách này, khi bạn nản lòng và muốn bỏ cuộc, bạn sẽ có một kế hoạch thay thế để thực hiện. Cuộc sống sẽ có lúc dường như muốn đánh gục bạn nhưng đừng bỏ cuộc!

5. Tìm sự hỗ trợ

Đừng tự cô lập bản thân hay che giấu cảm giác thất vọng chỉ cho riêng mình. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hoặc thậm chí những người lạ trên các diễn đàn, hội nhóm trực tuyến. Ngay cả khi chỉ đơn giản là một người mà bạn có thể trò chuyện, bạn cũng sẽ dần quên đi những cảm giác tệ hại muốn kéo tụt bản thân mình xuống.

Hãy nhớ rằng ở ngoài kia cũng có rất nhiều người đang phải vật lộn với cảm giác nghi ngờ bản thân, sợ hãi và thất vọng giống như bạn. Một người đã trải qua cuộc khủng hoảng tương tự sẽ giúp bạn củng cố quyết tâm của mình và nhanh chóng quên đi cảm giác muốn từ bỏ kia.

6. Biết ơn những điều tốt đẹp khi khó khăn

Bạn gặp khó khăn chồng chất khó khăn và thực sự muốn bỏ cuộc? Điều này nghe có vẻ kỳ lạ nhưng điều bạn nên làm lúc này là học cách biết ơn. Đó chính là chìa khóa cho sự kiên cường .

Bất cứ khi nào bạn cảm thấy muốn từ bỏ, hãy dừng lại và viết ra những điều bạn biết ơn trong cuộc sống này. Dù bạn là ai, có hoàn cảnh thế nào, bạn cũng đều có rất nhiều điều tích cực đáng để biết ơn.

Khi bạn chuyển sự chú ý sang những điều tích cực, bạn sẽ thấy cảm giác nhẹ nhõm hơn nhiều. Hãy thể hiện thái độ biết ơn và bạn sẽ ngạc nhiên trước sự khác biệt mà nó tạo ra.

7. Kỷ niệm những cột mốc

Ai cũng phải chọn 1 trong 2 nỗi đau: nỗi đau của kỷ luật hoặc nỗi đau của hối hận - 3

Bạn xứng đáng được ghi nhận tất cả những cột mốc mà mình đạt được trên hành trình. Thay vì luôn đăm chiêu với hàng tá những điều còn phải làm, hãy viết ra danh sách những điều bạn đã làm được, bất kể bạn hay người khác thấy nó nhỏ đến mức nào.

Bằng cách ghi nhận, kỷ niệm sự tiến bộ của mình, bạn sẽ dễ dàng tái tạo năng lượng để hoàn thành những dang dở trước mắt.

Đừng bỏ cuộc!

8. Có những lời nhắc nhở tạo động lực ở mọi nơi

Dưới đây là một số trích dẫn giúp bạn có thêm độc lực để tiến về đích. Hãy đặt chúng làm hình nền điện thoại của bạn, dán ở góc làm việc hay bất cứ nơi nào bạn thường xuyên lui tới.

Đừng bao giờ từ bỏ thứ mà bạn thực sự muốn. Chờ đợi đã chẳng dễ dàng, hối hận càng đáng tệ hơn.

Chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực nào đều từng là một người mới khi bắt đầu.

Ai cũng phải chọn một trong hai nỗi đau: nỗi đau của kỷ luật hoặc nỗi đau của hối hận.

Bạn có thể tạm dừng, có thể vấp ngã, có thể đau nhưng bỏ cuộc thì không!

Đừng từ bỏ những gì bạn muốn nhất trong cuộc sống này để lấy thứ mà bạn nghĩ mình muốn bây giờ.

Bài học về người thợ mộc già và ngôi nhà cẩu thả: Thái độ sẽ quyết định cuộc đời
Ở một vài thời điểm trong cuộc đời mình, chúng ta làm mọi việc với tâm lý buông xuôi, không hề dốc sức lực. Đến khi nhận ra mọi chuyện và biết mình...
Bảo Anh. (Theo Lifehack)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bài học cuộc sống