Bí mật ai oán về cuộc sống sau Tử Cấm Thành qua lời kể của vị hoạn quan cuối cùng

Ngày 13/10/2018 11:00 AM (GMT+7)

Ông đau đớn kể lại, hai ký ức ám ảnh nhất với ông cho đến tận cuối đời là ngày ông bị cha hoạn và ngày gia đình ông vứt bỏ thứ sẽ giúp Tôn trở lại làm một người đàn ông hoàn thiện khi xuống mồ.

Trên những thước phim hiện nay vẫn được trình chiếu hàng ngày, người ta không khó gì để thấy những hình ảnh về các vị thái giám hay còn gọi là hoạn quan. Thậm chí, có những thái giám có quyền lực sáng ngang hoàng đế hay sở hữu cả gia tài đồ sộ mà chưa chắc vua một nước đã sánh bằng.

Thế nhưng, những sự lộng hành đó chỉ là một vài ngoại lệ hiếm hoi, thực tế trong lịch sử, các thái giám trong hoàng cung xưa đều có một cuộc sống hết sức bi ai.

Bị chính cha ruột thực hiện hoạn trong căn nhà vách đất

Vị hoạn quan cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc còn sống đến nay chính là Tôn Diệu Đình. Ông là thái giám thời nhà Thanh từng hầu hạ Hoàng đế Phổ Nghi, Đoan Khang Hoàng Quý phi và Hoàng hậu Uyển Dung.

Ông đã từng mắt thấy tai nghe rất nhiều câu chuyện kỳ lạ bên trong hoàng cung, từng tận mắt chứng kiến cảnh Hoàng đế Phổ Nghi bị đuổi khỏi Tử Cấm Thành. Ông cũng như các thái giám khác là những người hiểu rõ hơn ai hết các quy củ, luật định phức tạp nơi hoàng cung. Ông được coi như tàn tích đặc biệt, một phần sống của lịch sử Trung Hoa.

Cuộc đời gian truân cũng như những bí mật về cuộc sống phía sau cánh cửa Tử Cấm Thành được ghi lại trong cuốn "Thái giám cuối cùng của Trung Quốc" do sử gia không chuyên Jia Yinghua thực hiện. Jia đã nhiều năm làm bạn với Tôn và được ông chia sẻ những bí mật đau đớn và thầm kín mà ông chưa từng dám thổ lộ với gia đình.

Bí mật ai oán về cuộc sống sau Tử Cấm Thành qua lời kể của vị hoạn quan cuối cùng - 1

Tôn Diệu Đình (trái) bên cạnh người viết sử cho ông. 

Cuộc đời Tôn Diệu Đình như một dòng xoáy đầy những biến cố trầm luân. Tôn Diệu Đình xuất thân trong một gia đình vô cùng nghèo khổ. Cha ruột của ông không còn cách nào khác, buộc phải đưa cậu bé Diệu Đình mới 9 tuổi đi tịnh thân (thiến) để chuẩn bị vào cung làm thái giám. Cha ông ôm hy vọng rằng một ngày nào đó Tôn Diệu Đình sẽ có địa vị đủ mạnh để trở về đòi lại công bằng cho gia đình, trừng trị một địa chủ trong làng - kẻ đã tước đoạt ruộng và đốt nhà ông.

Cha của ông đã thực hiện việc hoạn đứa con trai bé bỏng của mình ngay trong căn nhà vách đất. Không có một chút thuốc giảm đau nào được dùng mà chỉ có tờ giấy thấm dầu được lấy làm băng gạc. Cha ông đưa một chiếc lông ngỗng vào niệu đạo của Tôn để đề phòng nó bị tắc khi vết thương lành dần.

Ông bất tỉnh ba ngày liền và không thể đi lại trong vòng hai tháng sau đó. Thế nhưng, những đau đớn đó lại chẳng hề được đền đáp khi ông có thể tự đứng lên và rời giường thì cũng là lúc ông biết tin vị hoàng đế mà ông muốn hầu hạ đã thoái vị vài tuần trước đó.

Cha của Tôn vừa khóc vừa đấm ngực khi hay tin trên, "Con tôi đau đớn mà chẳng được việc gì", "Họ không cần thái giám nữa".

Vị cựu hoàng trẻ tuổi về sau vẫn được phép ở trong cung. Một thời gian sau, khi hoàng gia rời Tử Cấm Thành, Tôn đã tiến thân trở thành một người hầu của hoàng hậu. Song hoàng triều ra đi, mọi quyền lực nay chỉ còn là hư vô, giấc mơ của Tôn vụt tắt.

Nhà sử học Jia, người viết lại cuộc đời vị hoạn quan cuối cùng này kể: "Ông ấy tịnh thân, nhưng hoàng đế thoái vị. Ông ấy cố vào Tử Cấm Thành, nhưng Phổ Nghi bị mất ngôi. Ông ấy theo triều đình lên phương bắc rồi sau đó triều đình bù nhìn sụp đổ. Ông ấy cảm thấy số phận đã đùa cợt với cả cuộc đời ông".

Bí mật ai oán về cuộc sống sau Tử Cấm Thành qua lời kể của vị hoạn quan cuối cùng - 2

Tôn Diệu Đình những ngày tháng cuối đời. 

Sau khi rời cung, cuộc đời ông chìm nổi theo cuộc chiến tranh, trở thành một quan chức, rồi lại bị đấu tố bởi những người cực tả, cuối đời mới được yên thân. Ông đau đớn kể lại, hai ký ức ám ảnh nhất với ông cho đến tận cuối đời là ngày ông bị cha hoạn và ngày gia đình ông vứt bỏ thứ sẽ giúp Tôn trở lại làm một người đàn ông hoàn thiện khi xuống mồ. Họ đã bị vứt của quý của ông đi trong thời Cách mạng văn hóa 1966-76, bởi thời bấy giờ, việc lưu giữ bất kỳ thứ gì của chế độ cũ đều có thể phải trả giá bằng mạng người.

Bí mật đau đớn dưới gót giày mỗi thái giám

Kể về những tháng ngày trong cung, ông tiết lộ về một vật bí mật luôn được các thái giám mang dưới gót giày mỗi khi phải trực ca đêm. Ông kể sau khi được vào cung, ông luôn theo sát thầy dạy mình với mong muốn được bảo ban dạy dỗ.

Tuy người này hướng dẫn ông làm việc nhưng lại không hề tiết lộ cho Tôn Diệu Đình quy củ hay cách ứng xử trong cung. Có lần, Tôn Diệu Đình được chỉ định đứng hầu ngoài cửa phòng của Quý phi vào ban đêm nhưng vì vất vả làm việc cả ngày nên ông đã vô tình ngủ gật ở ngoài cửa.

Tôn bị Tổng quản thái giám đi tuần bắt quả tang và phải chịu một trận đòn thừa sống thiếu chết. Trận đòn hôm ấy khiến ông ám ảnh nhưng ông vẫn vô cùng thắc mắc làm thế nào để các cung nhân, hoạn quan khác có thể làm việc cả ngày mà đêm vẫn tỉnh táo được như vậy.

Bí mật được Tôn Diệu Đình tình cờ khám phá trong một lần uống rượu cùng thái giám hướng dẫn mình. Khi bữa rượu tàn, Tôn Diệu Đình đỡ người thái giám đang say kia lên giường.

Khi giúp vị thái giám cởi giày, Tôn mới khám phá ra một bí mật đau đớn các hoạn quan khác vẫn giấu dưới đôi giày tưởng chừng bình thường kia, đó là một quả "thương nhĩ".

Bí mật ai oán về cuộc sống sau Tử Cấm Thành qua lời kể của vị hoạn quan cuối cùng - 3

Quả "thương nhĩ" với những gai đâm nhọn hoắt.

"Thương nhĩ" chính là quả ké đầu ngựa, một loại quả mình đầy gai nhọn. Để không ngủ gật khi phải làm vào ban đêm, các thái giám sẽ đem loại quả có gai ấy đặt trong đế giày. Những gai nhọn khiến mỗi một bước đi chẳng khác nào bị kim đâm vào da thịt, đau đớn vô cùng, dù có buồn ngủ, thái giám cũng chẳng thể nào nhắm mắt được vì bị những cơn đau hành hạ.

Thế nhưng, cơn đau do quả ké đầu ngựa mang lại vẫn chưa thấm vào đâu nếu so sánh với những trận đòn roi trừng phạt nơi cung cấm này. Bởi vậy, thái giám làm việc trong cung thời xưa đều cắn răng đặt vào đế giày của mình những quả ké đầu ngựa trước mỗi lần đi trực đêm để có thể bảo toàn tính mạng.

Góc khuất cuộc đời Hoàng hậu cuối cùng của Trung Quốc: Nghiện khỏa thân, chết trong cô độc
Sinh ra trong một gia đình quý tộc, 17 tuổi đã bước lên ngôi vị mẫu nghi thiên hạ nhiều người ao ước, thế nhưng vị hoàng hậu cuối cùng của Trung Quốc...
Diệu Ly
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thâm cung bí sử