“Có về không thì bảo?”

Ngày 03/02/2013 05:00 AM (GMT+7)

Sáng nay giở tờ lịch, thấy Tết đã cận kề. Trước hiên nhà trọ, cây mai đã lún phún nụ. Bà chủ nhà bắt đầu dọn dẹp, lau chùi, quét mạng nhện. Tôi bỗng thấy mắt mình cay cay…

“Thằng Tí” nói như tạt nước vào mặt tôi: “Còn mấy bữa nữa là tết rồi, về đi. Không nghe tui, mai mốt đừng có khóc hận. Đồ lì lợm, cứng đầu, cứng cổ, khó dạy, khó bảo. Tóm lại là đồ không ra gì!”. Tôi nhìn tên bạn thân, nhìn cái kiểu hắn đi tới, đi lui, miệng láp váp không ngừng mà vừa giận, vừa tức cười: “Bớt nói chút được không? Tui mà về, bà già thấy mặt chắc lên máu chết luôn. Ê, Tí…”.
 
Tôi chưa nói dứt câu, thằng bạn đã nạt: “Tí, Tí cái gì. Làm ơn gọi đúng tên tui đi”. Ừ thì Tuấn. Ai biểu hồi nhỏ hắn đẹt ngắt làm chi. Cái tên Tí là cả xóm gọi chớ có phải riêng mình tôi đâu?

“Ê, Tuấn, ông nói thử coi, nếu tui để cho má tui… lấy chồng thì liệu người ta có nói ra, nói vô không? Thật tình tui không hiểu, má tui đã sống thờ chồng, nuôi con bao nhiêu năm rồi, vậy mà bây giờ lại muốn đi bước nữa là sao? Chẳng lẽ thằng cha kia quan trọng hơn chị em tui?”. Tuấn ngồi xuống, nhìn tôi lom lom: “Bây giờ bà muốn cũng không được vì má bà đã cấm cửa chú Hưng rồi. Bà hài lòng chưa? Đồ ích kỷ!”.

Hồi đó ba của Tuấn cũng để ý má tôi nhưng cuối cùng bà ngoại lại gả má cho con trai bà chủ hãng xe đò Vạn Phát. Năm đó má tôi mới 16 tuổi. Nhà ngoại nghèo lắm, lại đông con nên chẳng có ai được ăn học. Ngoại đi buôn trái cây từ Bến Tre, Vĩnh Long lên Sài Gòn. Những hôm hàng nhiều thì má tôi theo phụ. Bà chủ xe nhìn thấy có vẻ ưng bụng nên hỏi ngoại để cưới cho con trai của bà. Thật lòng mà nói, lời đề nghị làm sui đối với ngoại là quá sức tưởng tượng, bởi đâu phải ai cũng được bà chủ hãng xe đò lớn nhất nhì miền Tây ấy để mắt tới?

“Có về không thì bảo?” - 1
Thật lòng mà nói, lời đề nghị làm sui đối với ngoại là quá sức tưởng tượng, bởi đâu phải ai cũng được bà chủ hãng xe đò lớn nhất nhì miền Tây ấy để mắt tới? (ảnh minh họa)

Vậy là má tôi lấy chồng. Nhà nội tôi giàu nên khi dễ bên ngoại. Nội không bao giờ gọi ngoại là “chị sui” mà chỉ kêu bằng “cô Ba”. Còn má tôi về làm dâu nhà giàu dù được ăn sung, mặc sướng nhưng cực khổ trăm bề. Ba tôi lớn hơn má gần chục tuổi, tính tình lại bay bướm nên hết cô này tới cô kia. Má tôi biết hết mà không dám nói một lời.
 
Năm má tôi 24 tuổi thì đã có tới 4 mặt con. Tôi là út. Trong tâm trí tôi, hình ảnh ba rất mờ nhạt. Đó là một người đàn ông to béo, bụng phệ, lúc nào cũng đội cái mũ phớt trên đầu, miệng mấp máy điếu thuốc. Cử chỉ âu yếm duy nhất mà tôi hay nhận từ ba là một cái bẹo má đau điếng mỗi khi ba về nhà sau những chuyến đi xe dài ngày.


 Rồi ba tôi bị bệnh tiểu đường và đủ thứ bệnh nên không thể chạy xe cho nội nữa. Ba chỉ loanh quanh ở nhà, còn má phải thay ba theo xe để góp tiền. Ngày nào má cũng đi từ 1-2 giờ sáng tới chiều tối mới về.

Năm tôi 10 tuổi thì bệnh ba trở nặng, phải ra vô bệnh viện thường xuyên. Má tôi phải bán xe và chuyển qua làm chả lụa, patê, lạp xưởng bỏ mối cho người ta. Cứ 2 tuần một lần, má lại đưa ba lên bệnh viện Bình Dân để chạy thận nhân tạo…

Bệnh của ba chữa trị rất tốn kém, may nhờ có mấy chú giúp thêm chứ một mình má tôi thì cũng lo không nổi. Tôi nhớ lúc bệnh, ba tôi rất khó tính. Ba “ngồi một đống” ở ghế giữa và hay chửi mắng má mà chẳng cần lý do gì. Những lúc như vậy, má trốn vô buồng ngồi khóc. Tôi bực mình định “nói chuyện phải trái” với ba thì má không cho: “Tại ba bệnh ngồi một chỗ nên khó chịu trong người. Tụi con đừng làm ba buồn”.

Thật lòng, nhiều khi tôi nghĩ, chẳng biết cuộc đời má tôi có ngày nào sung sướng hay không? Cuộc đời làm dâu, làm vợ nhà giàu của má tôi sao chỉ toàn thấy bị đè nén, hiếp đáp.

Rồi ba tôi mất. Năm đó má tôi mới 38 tuổi. Tuy không nói ra nhưng chị em tôi đứa nào cũng nghĩ, điều đó là tốt cho má. Từ nay má sẽ không phải là nô lệ cho một người đàn ông vốn chỉ xem má như con ở và một cái máy đẻ không hơn, không kém… Từ nay má sẽ thanh thản mà sống những ngày còn lại của cuộc đời. Tôi quên rằng, 38 tuổi là hãy còn quá trẻ…

Và người phụ nữ ấy đã yêu. Một người đàn ông đi nuôi vợ ở bệnh viện đã gặp má tôi. Ban đầu họ chỉ là những người đồng cảnh ngộ nên cảm thông và giúp đỡ nhau tận tình. Thế rồi cả chồng và vợ của hai bên đều mất khiến họ càng xích lại gần nhau… Và chuyện gì phải đến đã đến. Má tôi yêu người đàn ông ấy.

Ban đầu họ còn giấu giếm, nhưng mấy năm sau thì công khai. Rồi má tôi xin phép bà nội đi bước nữa. Và thế là giông tố nổi lên. Nhà nội cắt mọi nguồn viện trợ, đòi lại nhà, các cô chú thì xem chúng tôi như người dưng nước lã…
 
Điều đó khiến tôi không thể nào chấp nhận được. Tôi đi tìm ông ta “nói chuyện phải trái”, thật ra là để chửi cho một trận và cấm không được bén mảng lại gần má tôi. Thế nhưng điều đó lại có tác dụng ngược. Má đánh tôi một trận, vừa đánh vừa khóc vì cái tội tôi hỗn với người lớn. Bị đánh đau, tôi hét vào mặt má tôi: “Bà không phải là má của tui!”. Sau đó, tôi cuốn gói đi luôn và “trả thù” má bằng cách bỏ thi đại học.

Tôi về ở với nội trong sự ghẻ lạnh của ông bà và các cô chú. Trong mắt họ, tôi không phải là một đứa cháu bình thường bởi má tôi đã không thủ tiết với con họ. Không chịu nổi điều đó, tôi lại trốn đi. Lần này tôi về ngoại. Ôi, nhà ngoại tuy nghèo nhưng ấm áp làm sao. Bà ngoại, các cậu, dì thương tôi hết mực. Nhất là ở đó còn có thằng Tí, người bạn “vong niên” của tôi từ hồi tôi còn nhỏ xíu, hay theo má về ngoại những dịp giỗ, tết…

Thế nhưng tôi cũng không ở lâu được với ngoại vì mọi người ở đó cứ nghĩ tôi là con cháu nhà giàu, quen sống sung sướng nên có cái gì ngon ngọt cũng dành hết cho tôi. Thậm chí, nhiều khi mợ dâu nướng cho tôi miếng thịt còn to hơn miếng của ngoại. Vậy là một bữa nọ, đọc báo thấy một công ty ở Cần Thơ tuyển người, tôi nói dối ngoại là qua đó ôn thi rồi xách quần áo đi luôn!


Tôi đi làm đã được gần 2 năm. Tôi không cho má và các anh chị biết chỗ ở của mình. Chỉ có thằng Tuấn là hay lui tới vì nó chính là người đã dắt tôi qua Cần Thơ rồi xin việc cho tôi nhưng tôi cấm nó không được nói gì với ngoại và má tôi. Nhiều khi tôi nghĩ và thấy thương má thật nhiều…

“Sao, có về không thì bảo?”- Tuấn véo tai tôi. Tôi lắc đầu: “Không”.

Thằng bạn không nói gì nhưng nhìn mặt nó, tôi biết nó giận lắm. Rất lâu sau nó mới lên tiếng: “Bà có phúc mà không biết hưởng. Nhiều người thèm có má như bà mà đâu có được. Như tui nè…”. Khi nói điều này, mắt thằng Tuấn rơm rớm.

Điều đó khiến lòng tôi chùng xuống. Tôi bảo Tuấn về đi rồi từ từ tôi nghĩ lại.

Sáng nay giở tờ lịch, thấy Tết đã cận kề. Trước hiên nhà trọ, cây mai đã lún phún nụ. Bà chủ nhà bắt đầu dọn dẹp, lau chùi, quét mạng nhện. Tôi bỗng thấy mắt mình cay cay. Đã mấy cái Tết rồi tôi không được ở nhà với má để lặt lá mai, chưng bông, gói bánh tét, gói bì, làm lạp xưởng... Không biết má có nhớ tôi không? Có tha thứ cho tôi không?

Thật lòng tôi cũng muốn về nhưng vì hồi trước tôi đã lỡ hỗn với má, lỡ nói không phải là con của má, không muốn nhìn thấy mặt má nữa… nên giờ mà về, tôi không biết sẽ ăn nói thế nào với má…

Theo Việt Thanh (Người lao động)
Nguồn:

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình