Đầu xuân nói chuyện Tết

Ngày 24/02/2015 21:50 PM (GMT+7)

Chắc rằng ai lớn lên trong đời cũng đã từng được nghe cái âm thanh chứa đựng nhiều xúc cảm bậc nhất thế giới của hai chữ "sắp Tết".

Mà cái cảm giác nôn nao, mong ngóng nhất có lẽ là từ lũ trẻ ở những vùng quê xa xôi và của những kẻ tha phương đang mong ngày trở lại.

Đối với kẻ tha phương đất khách quê người, dù cho đang thành công hay kém may mắn trong bước đường tu nghiệp, việc được bước đi trên mảnh đất thân thương mang nhiều kỷ niệm tình làng nghĩa xóm, được thắp một nén nhang lên ngôi mộ người thân trong cái hiu hiu rét mướt của buổi chiều cuối Đông cũng bỗng dưng thấy lòng mình dâng lên ấm áp...

Còn với lũ trẻ quê, dù cho bố mẹ, ông bà chúng có nghèo rớt mùng tơi, dù cho quanh năm bữa no, bữa đói, chúng vẫn tin rằng, Tết sẽ có bánh chưng, có giò, có thịt. Thậm chí có khi còn có cả quần áo mới. Rồi chúng sẽ hồi hộp sống trong những ngày chờ đợi cho đến khi niềm tin thành hiện thực (mà ông trời thường rất chiều lòng trẻ con), và sẽ rất thất vọng tiếc nuối nhìn Tết lặng lẽ ra đi với chiếc bánh chưng cuối cùng trên bàn thờ được dỡ xuống.

***

Với người phương Đông, Tết là thời khắc bàn giao giữa năm cũ và năm mới, là kết thúc một chu kỳ vận hành của trời đất, vạn vật để bước vào một chu kỳ mới với nhiều hy vọng tốt đẹp hơn.

Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri tâm tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý (ăn quả nhờ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm làng…

Đó là bản chất thật sự của Tết.

Ngày nay, đa phần chúng ta đang tự trói buộc mình vào một cuộc sống ngày càng vội vã, tất bật. Những lo toan tính toán đeo nặng trí não chúng ta ngay cả trong những giấc chiêm bao. Và vẫn là cái thanh âm của hai tiếng "sắp Tết", đối với một kẻ trưởng thành cõng trên vai một gánh nặng gia đình hay một doanh nghiệp, thậm chí chỉ là một cơ sở sản xuất cỏn con có khi lại là một tiếng sét ngang tai.

Đầu xuân nói chuyện Tết - 1

Ngày nay, đa phần chúng ta đang tự trói buộc mình vào một cuộc sống ngày càng vội vã, tất bật. (ảnh minh họa)

Gia đình thì sẽ có nội, có ngoại. Mà có nội, có ngoại thì phải có thăm hỏi quà cáp cho phải đạo làm con. Rồi thì, ừ, năm mới thì phải có lì xì, có mừng tuổi cho trẻ con, người già... Nếu có bí quá thì đành đập tạm con lợn đất đựng tiền mừng tuổi từ năm trước của thằng cu út, và nhớ phải tìm cho được một con giống y hệt con cũ rồi nhét vào đó vài tờ giấy vụn lỡ cu cậu cầm lên lắc lắc còn có tiếng kêu.

Cái khổ của một kẻ có trách nhiệm với gia đình thì như vậy. Còn cái khổ của một kẻ đang làm kinh tế trong cái thị trường nhiễu nhương này thì thế nào?

Thôi rồi là khổ!

Làm càng to càng khổ!

Tôi quen một cậu bạn, tuổi trẻ tài cao. Bỏ ra hàng trăm tỷ đồng tiền mặt chạy chọt, làm các dự án suốt từ Nam tới Bắc. Đúng vào lúc bất động sản đang nằm im không động đậy suốt cả một thời gian dài. Đồng vào chẳng có mà vẫn phải lo đồng ra. Nhiều khi lương bổng cán bộ nhân viên phải chậm đến hàng vài tháng nhưng hễ ông này, bà nọ vừa ho tiếng chưa ra khỏi mồm đã phải chạy đôn chạy đáo. Có khi đến hàng năm bảy trăm cây số cũng phải có mặt. Từ việc giỗ chạp, cưới hỏi, ma chay, cho đến lên chức vị hay chức ông, chức bà... Thậm chí có lẽ đến sinh nhật con mèo mướp nhà các bác mà không đến được cũng thấy "áy náy" trong lòng...

Và mỗi dịp Tết sắp đến thì không thể tả hết cái khổ của bạn tôi. Trước đó chừng hai đến ba tháng đã phải lập danh sách quà cáp thăm hỏi các bác từ Nam tới Bắc. Rồi vắt óc ra mà nhớ xem tiền đang giấu ở đâu còn mang về cho kịp. Có tiền rồi cũng chưa xong. Phải nghĩ sống, nghĩ chết sao để kiếm cho được những thứ gì thật độc, thật lạ để còn làm quà biếu. Chứ thứ nhất, nhà các bác chẳng thiếu gì thứ bình thường. Thứ hai những thứ bình thường (dù đắt tiền) thì với thâm niên bao nhiêu năm nhận quà, các bác chỉ liếc sơ là định giá được ngay.

Cho nên trước Tết khoảng hai tháng thì nhà bạn tôi ngập tràn các loại "voi chín ngà, gà chín cựa". Rồi bắt đầu phân phân chia chia, dán tem, dán mác ông này bà nọ cho khỏi "nhầm địa chỉ". Khổ nhất là nhà bạn tôi lại có trẻ con. Có năm đóng thùng đóng hộp, dán tem cất kỹ rồi. Đến ngày mang đi phát thì phát hiện ra tất cả tem đã bị cu cậu bóc hết. Thế là nửa đêm hai vợ chồng lại phải tháo hết ra kiểm lại, đóng lại, dán lại đến tận sáng. Thường ngày bạn tôi về tới nhà thì vợ đã ngủ, còn dậy thì vợ đã đi làm. Vợ dù tức chồng cũng chẳng mấy khi có cơ hội mà nói. Nhân tiện hôm đó có cả đêm hì hục quà cáp với nhau, có bao nhiêu chuyện vợ lôi ra nó chửi cho chẳng ra gì.

Lo được quà cáp, lo được tiền phong bì xong cũng chưa hẳn là xong. Còn một khâu vô cùng quan trọng nữa là "xin lịch". Đừng tưởng cứ có tiền, có quà mà muốn đưa lúc nào thì đưa. Lớ xớ các bác không cho gặp mà đưa hay đưa đến các bác cho mang về thì cám cũng chẳng có mà ăn.

Đầu xuân nói chuyện Tết - 2

Các hành trình của bạn tôi cứ như thế, và năm nào cũng sát Tết mới về tới nhà. Thậm chí phải đón giao thừa trên ô tô cũng là chuyện bình thường. (ảnh minh họa)

Đầu tháng Chạp là bạn tôi bắt đầu điện thoại, tin nhắn xin lịch. Khổ nhất là những bác xin sau cùng. Vì rất dễ bác cho cái lịch trùng với một bác khác. Thế nên bạn tôi lập danh sách từ bác quan trọng nhất đến bác quan trọng cuối (tất nhiên chẳng có bác nào không quan trọng). Thế rồi xin từ trên xuống. Mà lúc xin lịch thì đầu óc phải cực kỳ tỉnh táo. Suy nghĩ phải như điện giật. Vì lỡ bác nào cho lịch trùng thì phải thật nhanh chóng khua môi, múa mép rằng "Dạ, bẩm anh ngày đó em lỡ hứa đưa ông nội em về quê", "Dạ, bẩm bác ngày đó em lại có giỗ bà nội, không thể bỏ được", "Dạ, bẩm ..."... và phải khua thật nhanh, giọng phải cực kỳ cầu thị, diễn cảm thì mới mong được bác ân xá cho một cái lịch khác.

Xếp được lịch rồi thì bắt đầu phải chuẩn bị tinh thần, sức khoẻ để còn hành quân. Vì mỗi tỉnh vài ngày thì còn khổ hơn đi hành quân. Bạn tôi phải thuê một chiếc xe tải chở quà đi sau, còn bạn tôi đi xe con phía trước. Cứ thế từ khoảng rằm tháng chạp cho đến sát Tết bạn tôi rong ruổi công việc từ thiện cho người giàu. Mà như bạn tôi kể thì nó khó khăn khổ sở vô cùng. Mặc dù đã có lịch từ trước và thỉnh thoảng vẫn phải nhắn tin khéo để các bác không quên nhưng nhiều khi vẫn phải chờ hàng ngày mới được gặp vì bác có chuyện đột xuất. Được gặp, lại phải cố làm sao cho bác quý để được bác nhận quà cho. Và cũng cần phải khéo lựa, vì nếu bác quý quá không cẩn thận bác mời ở lại tiếp đón một bữa thì vừa tốn tiền lại vừa mệt.

Các hành trình của bạn tôi cứ như thế, và năm nào cũng sát Tết mới về tới nhà. Thậm chí phải đón giao thừa trên ô tô cũng là chuyện bình thường.

Bạn tôi kể, có năm kết thúc chuyến quân hành rất mệt mỏi, hôm đó phải uống quá nhiều, về đến trước nhà vừa đúng giao thừa. Liền lấy máy điện thoại ra gọi điện chúc Tết một bác, hy vọng năm đó bác có thăng quan tiến chức thì biết đâu bác lại nhớ tới lời chúc đầu tiên trong năm. Thế rồi chúc ngược chúc xuôi, con kê con cà với bác xong thấy trời thoáng mát mới ngồi xuống thành bồn hoa bên đường hút điếu thuốc trước khi lên nhà. Thế nào chắc do rượu ngấm mệt nên ngồi gục xuống ngủ quên. Đến gần sáng mới tỉnh dậy vào nhà.

Trưa hôm sau tỉnh dậy, cả nhà ăn bữa cơm đầu Xuân, cô vợ mới cảm thán: "Đêm qua em dậy đi vệ sinh nhìn qua cửa sổ thấy một người ngồi gục đầu ngủ bên bồn hoa. Có anh ở nhà thì em cũng mở cửa cho ông ấy vào ngủ nhờ ở thềm chứ đêm giao thừa, hai ba giờ sáng mà vất vưởng ngoài đường vậy thật tội quá đi"...

Phạm Phú Quảng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện