'Đừng xem thầy cô là... thánh'

Ngày 19/11/2014 11:18 AM (GMT+7)

Giáo viên cũng là người, cũng làm việc mệt mỏi, không được nghỉ, không được đi muộn, tuy nhiên, khi mắc lỗi sẽ bị... 'nói hội đồng'.

Nhiều người quan niệm rằng, làm giáo viên sẽ nhàn, có nhiều thời gian dành cho gia đình và có chút quà trong các ngày lễ... Tuy nhiên, sự thật không hẳn là như vậy. Sau đây là những nỗi khổ của giáo viên mà không phải ai cũng hiểu:

1. Vẫn biết mỗi người có một công việc khác nhau, tuy nhiên, với giáo viên, ngoài công việc giảng dạy, họ còn phải làm không ít việc không tên. Sau thời gian đứng lớp, các thầy cô còn phải soạn giáo án, làm đạo cụ, nhận xét học sinh, chấm điểm...

Được biết, với giáo viên mầm non, buổi tối các cô phải soạn giáo án và làm đạo cụ cho ngày mai. Có cô chia sẻ, tối nào cũng phải làm việc tới 9 giờ mới xong. Kinh khủng hơn, những trường "nhà giàu" còn thêm khoản nhật ký hàng ngày của bé và cô giáo ngày nào cũng phải chăm chỉ ghi chép đến "bở hơi tai".

Đừng xem thầy cô là... thánh - 1

"Đừng coi giáo viên là... Thánh" (ảnh minh họa)

2. Là giáo viên, áp lực công việc đổ dồn từ tứ phía. Đó là áp lực từ phía sếp (trưởng bộ môn, hiệu phó, hiệu trưởng), từ phụ huynh và học sinh.

Đừng coi giáo viên là Thánh bởi họ cũng là con người, cũng có những buồn vui, nóng giận vì áp lực công việc. Cả năm làm tốt không sao, chỉ một sai sót là bị... chửi hội đồng. Áp lực từ dư luận cũng tác động không ít đến việc làm nghề của các thầy cô giáo.

3. Không có nhiều nghề lại phải khó khăn, nghiêm ngặt về thời gian như nghề giáo. Theo chia sẻ của hiệu trưởng trường mầm non tư thục Baby, TP.HCM, buổi sáng 7h các cô phải có mặt và làm đến 6h tối mới được về do gia đình đến đón con muộn. Ở trường công lập, giáo viên được về sớm hơn nhưng cũng khoảng 5h.

Ngoài ra, khi trường có đoàn kiểm tra hay có chuyên đề thì có cô phải ở lại trường đến tối khuya để chuẩn bị. Trong khi đó, các cô không được đến muộn, không được tự ý nghỉ dạy, muốn nghỉ cũng rất khó khăn. Thời gian dành cho bản thân và gia đình eo hẹp, thế nên, chuyện dạy thêm ở cấp 1 không phải cô nào cũng có sức làm.

4. Vì nghề giáo là nghề cao quý, người cao quý nên họ có muốn làm gì, chơi gì, mặc gì cũng phải canh chừng. Họ luôn phải giữ hình ảnh trong sạch trong mắt mọi người. Thế nên, việc mặc thoải mái hay chơi thả ga... có lẽ là cụm từ mà giáo viên khó có thể thực hiện.

5. Một vấn đề tế nhị nhưng là nỗi khổ của các cô giáo đó là... canh sự đẻ. Theo quy định chung các cô giáo sẽ được nghỉ đẻ 4 tháng, hiện nay là 6 tháng. Và vấn đề ở đây là các cô phải canh làm sao sau 6 tháng nghỉ đẻ đến khi đi làm là vào đúng đầu năm học để cô được đứng lớp.

Ví dụ, các cô phải áng chừng đầu tháng 9 vào năm học mới thì sẽ mang bầu sao cho đẻ vào các tháng 3-5. Nếu trật thời gian này, nhà trường sẽ sắp xếp đủ giáo viên cho từng lớp, các cô chỉ còn cách làm công việc văn phòng, phụ trách hoạt động đoàn-đội, dạy thay... công việc vô cùng chán vì không đúng nghề và không có thu nhập.

6. Về khoản thu nhập, giáo viên mới ra trường sẽ có thu nhập khoảng 2 triệu đồng cộng trợ cấp ăn trưa. Một giáo viên ở Hà Nội cho biết, cô dạy 16 năm mới đạt được mức lương 4 triệu đồng và 30% tiền đứng lớp.

Ở các trường mầm non tư thục, trung bình tiền lương của giáo viên là 4-4,5 triệu. Trường quốc tế thì nhỉnh hơn chút là 5-6 triệu.

7. Cuối cùng là khoản quà cho cô các ngày lễ. Phụ huynh hình như "hơi quá" trong việc kêu ca các khoản quà cáp cho cô. Vấn đề quan trọng ở đây không phải là quà của phụ huynh mà là sự quan tâm công sức của các cô dành cho con em mình. Thực tế các cô không sống bằng số quà đó nhưng nếu không có các cô sẽ buồn và tự trách mình không biết dạy thế nào mà không được phụ huynh quan tâm.

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11