Ép con đỗ đại học là... hại con

Ngày 15/08/2014 10:52 AM (GMT+7)

Thật khổ cho những ước mơ tuổi trẻ! Những ước mơ đó không thắng nổi những kỳ vọng của những người lớn.

Tôi là một đứa trẻ không biết nghe lời từ nhỏ, tất cả mọi người đều nói tôi như vậy. Bản thân tôi cũng thấy mình như vậy. Mặc dù bố tôi đã phải dùng thứ gọi là “thiết quân luật” với tôi (hầu hết đàn ông trong gia đình tôi đều phục vụ trong lực lượng vũ trang) nhưng những thứ ông làm nhiều thứ không có tác dụng với tôi.

Ngày tôi còn nhỏ, có lần tôi đã từng hỏi bố: Con có phải con đẻ của bố không? Bố tôi đã rất bất lực với một đứa con gái như tôi. Ngay từ khi học THCS, tôi đã thỏa thuận với bố: Khi nào con làm được những bài toán mà bố không làm được thì bố để con tự học. Đến khi một bài toán sao (thời tôi đi học những bài toán khó thường đánh dấu sao) làm bố bó tay và tôi giải được thì tôi yêu cầu bố chấm dứt việc dạy tôi học. Tôi không biết cảm giác của bố lúc đó như thế nào, nhưng tôi nhất định làm theo ý mình.

Tôi ở trong đội tuyển học sinh giỏi Văn của trường. Đến năm lớp 12, tôi được mời sang đội tuyển ngoại ngữ, hồi đó tôi học tiếng Pháp. Cô giáo chủ nhiệm của tôi, đồng thời là giáo viên dạy văn rất tâm huyết với tôi đã làm đủ mọi cách để ngăn cản tôi thi ngoại ngữ. Cô đã đến nói với bố mẹ tôi để gia đình gây áp lực với tôi, nhưng tôi không đồng ý. Cô ngồi phân tích với tôi: Em không phải mẫu người quá thông minh để làm cái gì đó đột phá. Em hãy theo thế mạnh của mình, an toàn với em hơn. Em học văn, học khối C sẽ tốt hơn nhiều so với việc em theo ngoại ngữ để học khối D. Bố tôi đồng tình với cô chủ nhiệm. Một câu nói cay nghiệt mà bố tôi dành cho tôi: “Con phải biết mình là ai, đừng ảo tưởng về bản thân”.

Ép con đỗ đại học là... hại con - 1

Ngày tôi còn nhỏ, có lần tôi đã từng hỏi bố: Con có phải con đẻ của bố không? Bố tôi đã rất bất lực với một đứa con gái như tôi. (ảnh minh họa)

Lời cô giáo chủ nhiệm và lời của bố là một cú sốc rất lớn đối với tôi. Năm đó tôi kiên quyết thi ngoại ngữ. Mặc dù tôi không được giải cao, nhưng tôi hài lòng với kết quả của mình. Và tiếp theo, tôi đăng ký thi ĐH Ngoại ngữ. Lúc nào trong đầu tôi cũng ám ảnh lời của cô: Em không phải mẫu người quá thông minh để làm cái gì đó đột phá. Tôi quyết tâm làm theo ý mình xem đột phá hay không đột phá?

Tôi học ĐH Ngoại ngữ được 2 năm, bắt đầu chán môi trường ở đây. Lúc này, tôi rất sợ, vì quyết định trước kia là của tôi. Giờ tôi nói với bố mẹ là tôi chán trường ngoại ngữ và muốn học ngành khác thì chẳng ai chấp nhận. Sau khi cân nhắc mọi thứ, tôi quyết định: Học ngoại ngữ cũng tốt, vì nó là kỹ năng. Nhưng cần học một cái gì đó là nghề, vậy nên thi trường khác, học ngành khác, ngoại ngữ không phí. Tôi âm thầm làm hồ sơ, thi đỗ, âm thầm làm thủ tục nhập học.

Bố tôi không ngủ được vì tôi, một đứa bất trị. Bác tôi bảo: Để nó đấy để tao trị cho! Rồi bác định hướng, rèn rũa tôi đủ thứ. Tôi không cãi, nhưng không làm theo. Khi chuẩn bị ra trường, bác sắp xếp cho tôi vào làm ở một nơi phù hợp với những đứa con gái cơ bản. Tôi không nghe, bỏ về Hải Phòng, lập nghiệp theo cách của tôi.

Tôi bị gia đình từ mặt, coi như một thứ bỏ đi. Trong khi anh, chị tôi là những người thành đạt, làm ở những bệnh viện lớn, những cơ quan nhà nước hoành tráng giữa đất Thủ đô thì tôi vất vưởng nay đây mai đó. Cả gia đình thống nhất: Không ai giúp tôi bất kể việc gì trong cuộc sống, để tôi tự bơi. Và tôi tự trải nghiệm, va chạm với cuộc đời.

Khi đi làm, tôi cũng không làm theo ý sếp, luôn là thế. Có sếp rất quý, có sếp ghét, nhưng bao giờ tôi thấy họ cũng đề phòng tôi. Và tôi hiểu, tôi chỉ chịu trách nhiệm với công việc, họ chịu trách nhiệm nhiều thứ. Ban đầu tôi hơi buồn, nhưng sau đó thành quen. Tôi cứ làm theo ý mình, ra những sản phẩm theo ý mình, phập phù với những thành công thất bại. Tôi xin nghỉ việc nhiều, bị sa thải một số nơi… Nhưng tôi vẫn kiên định tin rằng: Những ước mơ của tôi sẽ đạt được theo cách của tôi chứ không phải theo cách của người khác. Tôi dần thích nghi với những chỉ trích, với những ánh mắt hoài nghi.

Bẵng đi như thế, rồi những thứ của tôi làm đơm hoa kết trái thật. Tôi không còn là một người phập phù trong mắt mọi người nữa. Những sai lầm của tôi cũng không ai để ý nữa. Họ cần tôi ở giá trị. Tôi tự định hướng được phương pháp làm của mình và kiếm tiền hơn những người khác nhờ những khả năng “vớ vẩn” mà mọi người không công nhận và coi là gàn dở trước đó.

Tôi lập sân chơi riêng cho mình trong công việc với những nguyên tắc riêng của mình. Những người chơi trong sân chơi mới của tôi tuân theo quy tắc chơi của tôi. Mọi thứ tự động thuận lợi theo cách của nó.

Ép con đỗ đại học là... hại con - 2

Xã hội có nhiều quy chuẩn để mọi người buộc phải theo để đảm bảo nhiều nguyên tắc. Nhưng nguyên tắc để sống, làm việc và lựa chọn nghề nghiệp đầu đời là của mỗi người. (ảnh minh họa)

Sau những trầy trượt của cuộc sống, tôi hơn 30 tuổi, bố tôi gần 60 tuổi. Sau hơn 10 năm tôi quay cuồng với ước mơ của mình và bị cản trở đến cùng thì bố ngồi nói chuyện với tôi. Câu chuyện làm tôi chới với, không biết phải nói sao với bố. Bố nói cứ như trút tất cả tâm sự của mình:

“Bố cảm ơn con vì con đã là người phụ nữ trưởng thành theo cách của con chứ không phải theo cách của bố. Bố chỉ biết dạy con theo kinh nghiệm của bố và bố nghĩ nó tốt cho con. Bố sợ những vấp ngã tất yếu con gặp phải và con không đủ sức chống đỡ. Nhiều thất bại của con, nhiều vấp ngã trong hôn nhân, gia đình của con khiến bố thót tim. Có những lúc bố muốn động viên con nhưng bố giận con đã không nghe lời bố nên bố đay nghiến con.

Nhưng trên tất cả, con đã trở thành một người phụ nữ bản lĩnh hơn những người phụ nữ bản lĩnh khác. Mọi thứ con cố gắng, bố biết là khó khăn nhưng con đã cố gắng đạt được. Bố xin lỗi vì đã quá sốt ruột khi kỳ vọng và sợ con không đạt được những điều bố mong mỏi. Bố xin lỗi vì đã có lúc tin con không làm được gì. Vì bố biết cuộc sống rất khắc nghiệt, mà bố sợ con gái mình không vượt qua được sự vùi dập…”.

Bố tôi còn nói nhiều với tôi nhưng tai tôi ù đặc. Tôi chỉ biết khóc! Tôi nhớ lại cảm giác mình băn khoăn: Không biết mình có phải con đẻ của bố không? Sự kỳ vọng của bố mẹ, thầy cô thời đi học đã là một gánh nặng đối với tôi. Mọi người đã đối xử tàn nhẫn với tôi, cô lập tôi chỉ để tôi không làm theo ý mình. Tôi rất muốn nói với bố những điều tôi phải trả giá cho ước mơ của mình, nhưng cuối cùng, tôi chỉ nói: “Con ổn bố ạ!”.

Tôi đã rất cân nhắc để viết ra những chuyện như thế này của mình, không mang màu sắc lý thuyết hay giáo điều. Tôi nhìn những bạn trẻ bắt đầu con đường đại học và những nỗi thất vọng của những bạn thi trượt đại học. Việc trượt đại học không phải vấn đề chúng ta lo sợ, tôi sợ nghe những tâm sự: “Em đã làm bố mẹ thất vọng”. Người ta sẽ đánh giá: Những bạn đỗ đại học là những bạn xuất sắc; những bạn trượt là bạn không may mắn hoặc năng lực kém.

Xã hội có nhiều quy chuẩn để mọi người buộc phải theo để đảm bảo nhiều nguyên tắc. Nhưng nguyên tắc để sống, làm việc và lựa chọn nghề nghiệp đầu đời là của mỗi người. Có những ông bố, bà mẹ, những người đi trước đã áp đặt những đứa trẻ những tiêu chuẩn cuộc đời họ. Họ ép những đứa trẻ suy nghĩ theo họ, ép con phải vào đại học như họ mong muốn vì họ nghĩ, chỉ có đại học mới có tương lai và phải là trường mà họ chọn cho con. Nhưng có điều họ không hiểu là họ không bao giờ sống thay cuộc sống của con trẻ. Và dù họ có định hướng như thế nào thì những rủi ro, bất lợi vẫn cứ đến với cuộc đời con cái họ.

Có những đứa trẻ sợ bố mẹ thất vọng đến mức trầm cảm. Và tôi biết, không phải ai cũng có tư duy cãi lại người lớn giống tôi. Và cãi lại người lớn, cãi lại người đi trước cơ hội thành công sẽ rất hẹp. Đó là lựa chọn rủi ro.

Thật khổ cho những ước mơ tuổi trẻ! Những ước mơ đó không thắng nổi những kỳ vọng của những người lớn.

Trường Giang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan