Giá của Á khôi

Ngày 28/05/2015 05:00 AM (GMT+7)

Xã hội ít ra là lúc này đang định giá cô Á khôi Đại học là 7 ngàn đô/ngày, không phải là giá của những thành quả học tập trên giảng đường Đại học. Đau lắm mà xót lắm.

Giá là từ thường được gắn với hàng hóa như một cách quy đổi về mặt vật chất các sản phẩm, từ thời chiếm hữu nô lệ, khi con người vẫn được coi là một thứ hàng hóa đặc biệt, người ta cũng thường định giá nô lệ bằng việc so sánh ngang bằng với giá của mẫu ruộng hay con trâu, con ngựa.

Thời nay, con người rất khó định giá. Giá của con người nếu có thường là biểu hiện về mặt vật chất, hoặc là sản phẩm cụ thể của con người đó ra ngoài xã hội. Giá của một giáo sư là các nghiên cứu khoa học, các thành tựu ông đóng góp được cho xã hội về mặt nghiên cứu, giảng dạy.

Cũng như vậy, giá của ông Nguyễn Tử Quảng có thể được biểu hiện bằng sự kiện ra mắt Bphone đình đám. Trước đó, người ta biết đến ông với biệt danh Quảng nổ, bây giờ người ta biết đến ông là người đã có công lớn khai sinh ra dòng điện thoại thông minh ‘made in Việt Nam’ rình rang cả nước.

Dĩ nhiên, những cái giá đó chỉ là một biểu hiện ra bên ngoài của giá một con người mà thôi. Khi sự kiện một người đẹp bước ra với danh hiệu Á khôi một cuộc thi sắc đẹp ở một trường Đại học dính vào mộ đường dây mua bán dâm, người ta biết thêm một thông tin cụ thể rằng, giá đi khách một lần của cô là 7.000 USD/ngày. Đó là cách định giá một con người, một cô gái.

Câu chuyện về những phụ nữ bán dâm thật ra còn là một đề tài dài hơi tốn sức. Có lần, tôi tham gia một chương trình tập huấn về nhận thức, cách đưa tin của báo chí về những người phụ nữ lao động tình dục. Họ cố tránh dùng từ gái bán dâm hay ca ve.

Hai người phụ nữ đã, đang hoạt động trong lĩnh vực này đã bước lên giữa các nhà báo và nói về công việc của mình, về sự kỳ thị của báo chí lẫn xã hội đối với ngành nghề của họ. Rồi họ phân trần, nghề của họ cũng như bao nhiêu nghề khác, cũng vất vả, cũng đắng cay tủi nhục… Dĩ nhiên, trong một xã hội thượng tôn pháp luật, chúng ta không thể cổ xúy cho những hành động không được pháp luật thừa nhận, một công việc phạm pháp.

Giá của Á khôi - 1

L.T.T bị bắt khi đang bán dâm tại một khách sạn ở Hạ Long (Ảnh minh họa)

Ở đây chỉ nói đến trường hợp cụ thể của cô gái kia. Có thời, chúng ta từng thấy nhan nhản các cuộc thi về người đẹp. Từ cấp phường đến cấp trường, từ địa phương đến Trung ương. Thỉnh thoảng chúng ta lại nghe từ vỉa hè đến truyền thông chính thống người đẹp nọ đi khách, cô gái nọ đổi tình lấy điều kiện…

Có một thực tế chưa được ai thừa nhận rằng, có những người đến với các cuộc thi để “nâng giá” của mình. Trước là nâng giá với các đại gia, xa hơn nữa là nâng giá đi khách.

Con đường đến với nghề “lao động tình dục” theo cách nói của các tổ chức xã hội,  hay “làm gái” theo cách nói của dân gian đều có năm ngả nhiều đường. Có những số phận chúng ta phải cảm thông và trong mức độ nào đó có thể dành ra một phần thương xót. Nhưng với cô gái kể trên thì vẫn thấy lăn tăn suy nghĩ. Giá của một cô sinh viên Đại học chẳng lẽ chỉ được định giá bằng giá của một cô gái đi làm nghề lao động tình dục.

Đừng nghe ca ve kể chuyện, đừng nghe con nghiện trình bày, dân gian thường bảo thế. Cô Á khôi trường Đại học chắc cũng có một câu chuyện của riêng mình, nhưng xã hội ít ra là lúc này đang định giá cô là 7 ngàn đô/ngày, không phải là giá của những thành quả học tập trên giảng đường Đại học. Đau lắm mà xót lắm.

          

Hồ Viết Thịnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan