Khóc cười với truyền kỳ về chuyện đói thời sinh viên

Ngày 11/11/2015 10:11 AM (GMT+7)

Thi thoảng nhắc lại vẫn là những ký ức đẹp, một động lực rưng rức cho những sung sướng sau này. Chẳng ai hận căm gì cái thời đói kém ấy. Đói nhưng mà vui, thấm đẫm tình anh em đồng cam cộng khổ.

Lớp Đại học của chúng tôi họp đều như họp phụ huynh cho các cháu. Cứ nhằm cuối tháng là bâu lại với nhau nói chuyện trên trời dưới bể.

Tuy nhiên mỗi lần gặp nhau, trong những ngập ngụa đồ ăn ngon, rượu bia tràn lan thoảng vẫn đứa lại nức nở nhắc lại thời sinh viên đói kém. Đói theo cái nghĩa đen lòm nhất của từ này, đói đến không còn nổi tiền để mua một gói mỳ tôm.

Chuyện đói với sinh viên là chuyện trường kỳ xảy ra, rơi vào những đứa ở quê ra thành phố trọ học. Bố mẹ ở quê chắt bóp “bắn” cho mỗi đứa một khoản cố định, khoản này thường có độ ổn định cao, bất chấp giá cả xăng xe tăng như thế nào đi nữa, khoản hỗ trợ này vẫn bền bỉ kiên trung đứng yên một chỗ.

Hỏi nhau, thời sinh viên nhớ nhất âm thanh gì. Cả bọn đồng thanh. Tiếng đếm tiền ở bốt ATM. Khổ cho thằng nào đến ngày lĩnh tiền đút thẻ vào ATM mà bị nhả ra vì số dư tài khoản không đủ để chi trả, gọi điện về thì phần vì ngại, phần vì thương các cụ lại thôi. Thế nên cứ đút thẻ vào mà máy cứ xoành xoạch đếm tiền thì trong tim thằng nào cũng rưng rưng cảm động như sắp được nụ hôn đầu vậy.

Trong giới sinh viên phổ biến một câu: Đầu tháng xả láng, cuối tháng treo niêu. Đầu tháng khi tiền đã chạy vào túi, bản chất mong manh yếu đuối của những đứa không chịu được cám dỗ thường dễ bị lung lay. Gặp thằng rủ: Ê trời mát ri ta ra làm đĩa ốc luộc nhỉ. Lý do hợp lý. Cả bọn kéo nhau đi. Ngày hôm sau lại có thằng nảy nòi cất tiếng: Ê hôm nay trời nóng ri, đi làm cốc bia cho mát nhỉ?. Hợp lý, lại đi.

Đó là các khoản chi do cám dỗ mà ra không thể thương xót được, ngược lại có một số khoản bất thình lình giật mình khó trốn như sinh nhật, cưới chị đứa bạn, đám anh cô em…thì cũng tốn kém không kể xiết.

Khóc cười với truyền kỳ về chuyện đói thời sinh viên - 1

Chẳng ai hận căm gì cái thời đói kém ấy. Đói nhưng mà vui, thấm đẫm tình anh em đồng cam cộng khổ. (ảnh minh họa)

Sinh viên đói tạo nên nhiều câu chuyện truyền kỳ mà bây giờ mỗi lúc cao hứng, chúng tôi đem ra kể cho mấy đứa con chúng đều cong môi lên nói: Bố cứ kể chuyện cổ tích. Thế đấy, cách đây mấy chục năm khi nghe phụ huynh kể về “thời của chúng tao” với những nội dung nghe nhiều lần vẫn thế như: Thời của chúng tao đi học còn mặc quần thủng đít. Đi ra đường vừa bít vừa che. Thời của chúng ta, toàn phải ăn sắn ăn khoai thay cơm đến trường, thỉnh thoảng ợ một phát là khí chua bốc lên phát ngán. Thời của chúng tao toàn đi bộ hàng chục cây số đi học, làm gì có xe như chúng mày. Hình như thời đó nghe phụ huynh kể vậy, chúng tôi cũng từng có đứa bĩu môi trịnh trọng nói: Bố cứ đùa, làm gì có.

Trở lại chuyện đói thời sinh viên. Mặc dù đối mặt với tình trạng đói thường xuyên, tuy nhiên phải thừa nhận sinh viên là đỉnh cao của sáng tạo. Có lần năm thằng trong phòng trọ chúng tôi đều hết tiền, hết một cách hoàn toàn kiệt quệ. Thằng Tuấn phệ dĩ nhiên là thằng đói nhất, hắn đi vào đi ra, nhấc nồi, lôi bát vẫn bất lực không tìm được cái gì để ăn. Vẫn chung tâm trạng đói lay lắt, nhưng thằng Hải xoài vẫn tếu táo: Này phệ, tao tưởng cái giống béo như mày thì khi đói cơ thể sẽ sử dụng năng lượng dự trữ từ bụng mỡ lên để tái nạp chứ. Tuấn phệ nhìn lên chửi đổng: Được thế thì mấy con béo lớp mình nó đã thi nhau nhịn.

Nhịn từ sáng đến chiều tối, mặc đù đã sử dụng triệt để các biện pháp như: Ngủ, uống nhiều nước…nhưng đó chỉ vẫn là biện pháp tình thế. Giải pháp cuối cùng, thằng Hùng câng được cả phòng đề nghị sang nhà cô em ruột đang học ở Đại học Nông nghiệp xuất binh cầu viện.

Thằng Hùng miễn cưỡng vác xe đạp phi ra phố, ở nhà cả bọn lại ôm bụng ngồi chờ. Đau đớn thay, xe thằng Hùng đi được nửa đường thì thủng xăm, thế là hành trình cầu viện đến hơn 10 giờ đêm vẫn chưa có hiệu quả. Thằng Tuấn phệ đói đến run người (cái giống béo thường đói hơn thì phải) lại tiếp tục công cuộc lục cái phòng trọ nhỏ tin hin trong vô vọng. Bất chợt, tiếng nó hét lơn: “Được cứu rồi bọn bay ơi, tiền đây rồi”. Mấy con mắt sáng rực như đèn pha cùng chĩa về nơi tiếng nói phát ra. Tay Tuấn phệ đang sung sướng cầm lên hai cái chia bia. Chỉ cần mấy giây cả bọn đã hiểu ngay: Hôm trước nhận trợ cấp từ phụ huynh, cả phòng đã thống nhất mua hai chai bia về liên hoan. Bà chủ bắt cược một chai mấy nghìn làm tin, vị chi hai chai đem đổi lấy lại tiền cọc cũng đủ mua mấy gói mì tôm cảm bọn ăn trong sung sướng.

Một trò hạ đẳng của đám sinh viên đói là vay tiền bạn đóng học phí hoặc mẹ nằm viện, bố ốm.... Thằng Chương kể, có lần đói quá không biết làm sao bèn nhấc máy gọi điện cho thằng bạn kỳ kèo cho tao vay vài trăm đóng tiền học thêm tiếng Anh, hết hôm nay là muộn mất. Thằng bạn thương tình cho vay, đến khi ra đầu ngõ đã thấy thằng bạn ngồi hì hụp ăn phở đầy sung sướng. Tận gần chục năm sau thằng cho vay mới nói với thằng được vay. Hôm đó tao đang chửi thầm bảo, nó nói hết tiền không còn một xu mà vẫn được ăn phở ngon, trong khi đó tao cho mày vay cũng hết nhẵn. Thằng được vay cười xuề: Hôm đó tao vay tiền để ăn đấy. Tiếng Anh không học không sao, đói không ăn sống sao nổi mày.

Chuyện đói với sinh viên thật ra cũng như gió thoảng mây đưa, không kéo dài được lâu. Thường rơi vào bọn sinh viên năm một, năm hai chưa làm thêm tiêu tiền hồn nhiên như thời được bố mẹ nuôi. Nhưng thoảng nhắc lại vẫn là những ký ức đẹp, một động lực rưng rức cho những sung sướng sau này. Chẳng ai hận căm gì cái thời đói kém ấy. Đói nhưng mà vui, thấm đẫm tình anh em đồng cam cộng khổ.

Thịnh Hồ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

"Tạm biệt búp bê thân yêu/ Tạm biệt gấu Misa nhé/ Tạm biệt thỏ trắng xinh xinh/ Mai tôi vào lớp 1 rồi/ Nhớ lắm, quên sao được, trường mầm...

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG