Không chỉ mỗi bút chì và mẩu bánh mỳ con

Ngày 11/09/2015 16:01 PM (GMT+7)

Giờ, chuyện đồng phục, cái áo cái quần, không nhỏ như cái bút chì hay mẩu bánh mỳ của chú mèo nhỏ thời xưa.

"Hôm nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang thứ gì
Chỉ mang một cái bút chì
Và mang một mẩu bánh mỳ con con".

Thi phẩm để đời và nổi tiếng nhất của Phan Thị Vàng Anh vẽ nên một hình ảnh ngây thơ và trong sáng một thời đi học. Thời ấy xa rồi, bây giờ thì không thế nữa. Cặp nào cũng đầy ự sách vở, và các cô cậu nhóc khoác lên mình nhiều gánh nặng. Ngay bộ đồng phục chẳng hạn, cũng là một gánh nặng.

Không chỉ mỗi bút chì và mẩu bánh mỳ con - 1

Ảnh minh họa

Câu chuyện về vị phụ huynh đôi co với nhà trường về chiếc cà vạt đồng phục cho cậu cả mới lớp 2, đã đi quá xa. Đứa bé phải chuyển trường, và cả 3 bên: Phụ huynh - nhà trường - cùng chính đứa bé, đều ít nhiều hứng chịu những tổn thương. Việc ai đúng ai sai, vì sao để chuyện ra nông nỗi ấy, giờ tranh cãi cũng chả giải quyết gì.

Tôi quan tâm tới nguồn gốc sự việc: vị phụ huynh cho rằng chiếc cà vạt đồng phục của trường quá xấu và bất tiện. Và tôi nhớ ra rằng: suốt thời đi học chưa bao giờ được mặc 1 bộ đồng phục khiến mình thực sự thích thú và thoải mái.

Có lẽ cả Châu Á, thậm chí cả thế giới, đều ấn tượng với những bộ đồng phục kiểu thủy thủ của học sinh Nhật Bản. Nhưng có lẽ ít người biết rằng, từ hàng trăm năm trước, bộ đồng phục của học sinh Nhật đã trải qua những cuộc cải cách vĩ đại, vì một mục tiêu hiện đại và hội nhập.

Hơn 100 năm trước, thời Minh trị Thiên hoàng, khi bộ đồng phục đầu tiên dành cho học sinh Nhật Bản ra đời, thoạt tiên chúng mang kiểu dáng hakama. Hakama là một phát kiến thời trang của giới võ sĩ samurai, một loại quần quây như váy, ống rộng, vẫn đảm bảo độ loè xòe nhưng khi cưỡi ngựa thì có thể dạng chân ra được. Một chiếc hakama luôn có 7 nếp gấp, tượng trưng cho Nhân, Nghĩa, Lễ, Trung, Dũng, Tín và Danh dự. Với ý nghĩa này, không chỉ các samurai, mà các trinh nữ phục vụ trong đền thờ Thần Đạo của Nhật Bản cũng được mặc hakama, màu đỏ.

Vì thế, khi đồng phục học sinh (cho cả nam và nữ) được thiết kế theo kiểu hakama ở dưới, và áo khoác vạt chéo với ống tay dài ở trên, nó mang đậm tinh thần văn hóa truyền thống của đất nước mặt trời mọc.

Quan trọng hơn, bộ đồng phục ấy (tương truyền do chính Thiên hoàng thiết kế), xóa nhòa khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Nhật Bản lúc đó. Bởi lẽ, nếu học sinh tự do trang phục, thì những bộ kimono đắt tiền không phải ai cũng có thể may nổi. Quy tất cả về hakama, vừa giản tiện, vừa nhắc nhở học sinh về giá trị gốc của dân tộc mình.

Nhưng bộ đồng phục ban đầu ấy rất không thuận tiện cho việc học. Ống tay áo lượt thượt quết nhoè nhoẹt các trang vở viết bằng bút chấm mực, còn hakama thùng thình khiến học sinh chẳng tiện vận động chạy nhảy cho đúng lứa tuổi của mình. Vậy là năm 1920, một nữ hiệu trưởng người Anh của trường tư thục Fukuoka, đã thiết kế ra bộ đồng phục mang kiểu dáng thủy thủ, với áo sơ mi cổ bẻ và váy ngắn màu xanh nước biển xếp li. Kế đó, đồng phục học sinh nam cũng là áo sơ mi, quần vải gọn gàng. Kể từ ấy cho đến nay, dù không sử dụng hakama nữa, nhưng đồng phục của học sinh Nhật Bản mặc nhiên lấy phong cách thủy thủ gọn gàng, khỏe khoắn làm tiêu chí. Và cũng như hakama, bộ đồng phục thủy thủ xóa đi mọi khoảng cách giàu nghèo khi mỗi học sinh mặc nó đến trường.

Trên khắp thế giới, đồng phục học sinh nhìn chung đều hướng đến các tiêu chí cơ bản ấy. Thậm chí ở những quốc gia đề cao tự do như Hoa Kỳ, thì đồng phục không hề bắt buộc. Học sinh có thể mặc cả quần cộc, áo pull đến trường.

Quay trở lại với cái cà vạt của bộ đồng phục mà vì nó, đã nổ ra cuộc tranh cãi mà đầu bài viết đề cập. Tôi ngạc nhiên thấy ngay cả báo chí nước ta cũng lại sa vào một cuộc tranh luận về hành xử, mà không nhân đấy chỉ ra một vấn đề: chúng ta chẳng có một mẫu đồng phục cho đẹp, cho tiện, đủ thuyết phục để bọn trẻ hào hứng mặc vào khi tới trường.

Suốt thời cấp 2 và cấp 3, đồng phục của tôi là những bộ áo sơ mi dài tay, quần vải cài khuy, pha nylon rất nhiều, dáng lụng thụng, luôn dính vào người. Chỉ đến hết tiết 2 là áo đẫm mồ hôi chua loét, còn đằng sau quần đứa nào cũng bóng láng như bôi sáp nến vì ngồi nhiều, nylon trong vải bai ra.

Qua thời gian, càng ngày đồng phục học đường xứ ta càng trở thành một phương tiện mang tính thể hiện cho người lớn. Giờ con tôi mới học mẫu giáo, trường đã có đồng phục. Áo sơ mi trắng quần vải màu cam, nói chung cũng đẹp thôi, kiểu dáng màu sắc phù hợp với lứa tuổi. Nhưng chất vải nóng quá, vả lại bọn trẻ nô đùa một tí là bẩn lem nhem cả. Tôi vẫn thấy không ổn, không hiểu trẻ mẫu giáo đã phải mặc đồng phục để làm gì?

Nước ta khí hậu phức tạp, miền Bắc thôi đã 4 mùa, miền Nam mùa mưa mùa nắng, rồi lạnh giá Tây Bắc, nắng gắt miền Trung... Rất nhiều bài toán khó cho thiết kế trang phục học đường. Vô cùng khó nếu muốn chế ra một mẫu đồng phục nhất quán cho hàng triệu học sinh cả nước.

Khó, nhưng rõ ràng đó là việc cần phải làm.

Một đứa trẻ đã phải nghỉ học, chuyển trường vì mẹ và cô giáo cãi nhau về thẩm mỹ và tính tiện dụng của chiếc cà vạt trong bộ đồng phục của nó. Nhưng còn vô số phụ huynh và học sinh khác loay hoay với bao nhiêu mẫu đồng phục mà các trường thoải mái nghĩ ra. Trong số đó, không ít gia đình đối mặt với vấn đề làm sao có tiền để may đồng phục, chứ không phải là bộ đồng phục ấy đã đẹp hay chưa.

Chuyện đồng phục, cái áo cái quần, không nhỏ như cái bút hay mẩu bánh mỳ của cô Vàng Anh.

Phạm Gia Hiền
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện