Không có nỗi sợ nào bằng nỗi sợ... Tết!

Ngày 12/01/2019 16:00 PM (GMT+7)

Tìm kiếm trên Google từ khóa “sợ Tết”, ngay lập tức 37.6 triệu kết quả sẽ là các số liệu khảo sát, bài tâm sự trên các trang báo, diễn đàn, mạng xã hội,…

Tết đang đến gần, trong nhà ngoài phố khắp nơi đã xuất hiện những dấu hiệu của Tết. Từ những cửa hàng thời trang cho tới quán ăn, trung tâm thương mại và thậm chí là trong các văn phòng làm việc, đâu đâu cũng thấy ngân vang những bài ca xuân, những màu đỏ vàng của đồ trang trí. Thế nhưng, xen lẫn giữa niềm hân hoan chờ Tết, đâu đó là những nỗi sợ không tên nhen nhóm trong lòng từng người, bởi không phải với người nào thì Tết cũng vui…

Clip phỏng vấn người dân về nỗi sợ Tết, do Đường Sạch Biên Hòa thực hiện

Đã lập gia đình hơn 2 năm và sống vô cùng chật vật ở TP.HCM, chị Thúy Lan (34 tuổi, quận Thủ Đức) trút hết nỗi lòng tâm sự: “Còn nửa tháng nữa là tới Tết mà xem lại thì tiền chỉ đủ mua vé xe về quê, cưới chồng 2 năm cũng chưa dám có con. Ngày thường vợ chồng còn vui vẻ, nhưng tới mấy ngày này thì chồng chẳng nói mà vợ cũng chẳng rằng. Nhiều đêm em giật mình dậy rồi tự rơi nước mắt, tự dằn vặt bản thân: Tết này về quê ăn Tết sao? Chăm lo cho nội ngoại thế nào? Tiền đâu lì xì Tết?”.

Không có nỗi sợ nào bằng nỗi sợ... Tết! - 1

Người lao động bình dân thậm chí còn sợ Tết hơn… sợ bị ốm

Một số chưa lập gia đình thì cảm thấy sợ hãi với những câu hỏi của hàng xóm láng giềng: “Lương tháng bao nhiêu?”, “Người yêu đâu không dẫn về?”, “Sắp 30 rồi, lo cưới sinh nhanh cho cha mẹ có đứa cháu bồng!?”, và 1001 câu hỏi khác. Việc khôn khéo lựa lời để đáp lại các câu hỏi trên không khó, nhưng câu hỏi cứ liên tục văng vẳng bên tai trong những ngày Tết ắt hẳn sẽ khiến không ít người cảm thấy sợ. Nhiều khi nỗi sợ không phải là sợ cho bản thân, mà trên hết là sợ cha mẹ phiền lòng, sợ cha mẹ buồn khi thấy con mình không bằng con nhà người ta.

Không chỉ đau đầu chuyện đối đãi trong gia đình dịp Tết sắp tới, nhiều chị em phụ nữ còn chia sẻ danh sách dài những nỗi lo âu liên quan tới các mối quan hệ trong công việc, ngoài xã hội. Nào là Tết này quà cáp cho sếp của mình ra sao, sếp của chồng thế nào, đồng nghiệp quà cáp cho mình thì mình cũng phải có quà để đáp lễ, khó xử khi tiền bạc không dư mà bạn bè, đồng nghiệp nhắn hỏi mượn ngay dịp Tết,… Những việc như vậy tưởng chừng đơn giản, nhưng ứng xử không khéo hoàn toàn có thể làm rạn nứt các mối quan hệ tốt đẹp bấy lâu nay.

Đó chỉ là phần nhỏ trong số vô vàn nỗi sợ mà nhiều người phải đối diện. Hội chứng “sợ Tết” chẳng chừa một ai. Đối với nhà còn khó khăn, chuyện tiền nong để chuẩn bị cái Tết “Cầu – Dừa – Đủ – Xoài” thôi đã vất vả. Nhà nào có điều kiện hơn, thì cái Tết lại là dịp đau đầu khi phải làm sao để cân đối được các mối quan hệ, sao cho không ai buồn lòng. Người lớn thì thế, trẻ con ngày nay cũng chẳng được ăn Tết ngọt ngào, bởi bố mẹ người thân không còn đủ thời gian chơi với con, cho con cái Tết ngập tình thân như ngày trước.

Một năm xa nhà, Tết là dịp để sum vầy vui vẻ. Một năm làm lụng vất vả, Tết là dịp để thả lỏng nhẹ nhàng. Hà cớ gì phải nhọc tâm nặng gánh những lễ nghi, thủ tục như vậy? Tết sao cho ngọt? Nghe khó thật đấy nhưng lại đơn giản vô cùng. Chẳng cần một cái Tết đủ đầy, chỉ cần một cái Tết trọn vẹn tình thân!

Nguồn: [Tên nguồn].