Một lễ hội tâm linh trật tự, văn hóa, vì sao?

Ngày 24/02/2016 00:05 AM (GMT+7)

Dù ở nhiều nơi, lễ hội còn xô bồ, còn chen lấn, thậm chí có những lễ hội giẫm đạp lên nhau thật phản cảm. Nhưng ở nơi tôi có chút khác biệt...

Lễ hội đầu năm diễn ra rất nhiều tại các đền chùa trong cả nước. Nhiều lễ hội lớn nhỏ đã thu hút hàng triệu lượt khách thập phương nên khâu tổ chức và quản lý lễ hội gặp khó khăn, dẫn tới nhiều nơi xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy...gây phản cảm.

Cũng như bao người dân khác ở Bình Dương và các tỉnh lân cận, hàng năm vào dịp đầu năm từ Tết tới rằm tháng giêng tôi thường đi lễ chùa Bà ở Thủ Dầu Một. Ngôi chùa nổi tiếng tại Bình Dương và hàng năm có rât nhiều khách thập phương về vía Bà.

Năm nay, tôi đi lễ chùa Bà vào chiều ngày 14 tháng giêng. Đúng vào ngày chủ nhật nên tôi nghĩ có lẽ sẽ tắc đường và có thể bị chen lấn, xô đẩy. Cũng như mọi năm, lượng người về chùa vía Bà rất đông. Ngôi chùa với diện tích khá khiêm tốn nên với hàng triệu lượt người về vía Bà thì tình trạng lộn xộn, ách tắc, chen lấn, xô đẩy rất dễ xảy ra.

Nhưng năm nay tôi thấy sự thay đổi tích cực trong khâu tổ chức quản lý trật tự của BTC lễ hội ở chùa Bà, làm cho người đi lễ chùa cảm thấy thoải mái hơn về tâm lý.

Chiều ngày 14, lại đúng vào ngày chủ nhật nhưng tôi thấy quang cảnh ở chùa khá trật tự. Từ xa, cảnh sát giao thông có mặt ở khắp các chốt đường để hướng làn xe đi cho phù hợp, tránh tắc đường. Đường vào chùa có lực lượng dân quân đứng chốt tại lối vào và lối ra, hướng lối khách đi tạo thành 2 làn đường một chiều. Cổng phụ bên phải chùa là lối vào và cổng phụ trái là lối ra. Với cách làm như vậy tạo cho làn khách đi vào và ra chùa luôn lưu thông.

Khách vào sân chùa có hướng dẫn rõ ràng trên loa phát thanh: mỗi người chỉ thắp 1 nén nhang khi vào trong chùa để tránh khói hương và phòng tránh hỏa hoạn. Loa liên tục nhắc và tôi thấy khách thập phương đều tự giác làm đúng như hướng dẫn. Tuy vậy, ở 2 bên cửa chính vào chùa luôn luôn có 2 nhân viên trật tự nhắc nhở trực tiếp những người cầm trên tay hơn 1 nén nhang. Chính vì vậy, khi bước vào chính điện tất cả mọi người đều chỉ cầm 1 nén nhang để thắp lên ban thờ tỏ lòng thành kính của mình với đức Bà.

     

Một lễ hội tâm linh trật tự, văn hóa, vì sao? - 1

Mỗi người dân vào chính điện chỉ cầm trên tay 1 nén nhang

Tiếng loa hướng dẫn tiếp tục nhắc bà con không chờ đợi ở chính điện để chờ phát lộc mà thắp nhang xong sẽ bước sang bên trái điện (lối ra) để được phát lộc. Vì vậy mà chính điện không bị ùn tắc. Hầu hết bà con thắp nhang vía Bà xong là bước sang sảnh trái nhận lộc rồi đi ra theo 1 làn đường, vì thế mà không bị tắc đường nhiều như mấy năm trước.

Năm nay, tình trạng bán vé số không còn lộn xộn gây mất mỹ quan nữa. Hai bên đường của lối ra là hai dãy những chiếc xe lăn hay bàn ghế cho người khuyết tật ngồi bán vé số. Không còn tình trạng người đứng, người ngồi  bán vé số ở trong chùa hay chèo kéo, đi theo khách mời mua vé số gây khó chịu cho khách thập phương nữa.

Một lễ hội tâm linh trật tự, văn hóa, vì sao? - 2

 Người khuyết tật bán vé số được ngồi theo hàng

Trên đường ra tôi còn chứng kiến 1 việc rất ấm lòng nữa. Đó là một anh công an trẻ đang dắt 1 người mù bán vé số dạo từ ngoài đường vào một vị trí tại lối ra chùa Bà để được ngồi bán vé số có trật tự và văn minh.

Một lễ hội tâm linh trật tự, văn hóa, vì sao? - 3

Anh công an trẻ dẫn một bác bị mù bán vé số vào hàng ghế

Tuy ở đâu đó, lễ hội vẫn còn xảy ra nhiều phản cảm làm mọi người ái ngại khi đi lễ hội. Nhưng ở lễ hội chùa Bà của Bình Dương tôi thấy có sự thay đổi tích cực và đây là kết quả của sự khoa học trong cải tiến quản lý lễ hội nơi đây. Chỉ có một điều tôi còn vướng bận là giá giữ xe và giá một số hàng giải khát bên đường còn bị đội lên khá cao, gấp 2 đến 3 lần ngày thường. Nếu tình trạng này được cải thiện vào mùa lễ hội năm sau thì tốt biết mấy.

Dù ở nhiều nơi, lễ hội còn xô bồ, còn chen lấn, thậm chí có những lễ hội giẫm đạp lên nhau thật phản cảm. Nhưng ở nơi tôi, cũng là do tôi chứng kiến, cảnh tình này, sự ý thức và trật tự này thật đáng khen ngợi.

Đặng Chung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan