Ngừng phát tán clip và thư tuyệt mệnh vụ nam sinh nhảy lầu: Đừng đẩy người sống đến cùng đường

Bảo Anh. - Ngày 02/04/2022 18:54 PM (GMT+7)

Sự ra đi của con cái là nỗi đau những bậc làm cha, làm mẹ có thể mất cả đời cũng chẳng thể vượt qua. Việc phát tán clip và thư tuyệt mệnh trong vụ tự tử đau lòng này còn có thể gây ra tác động tiêu cực đến những đứa trẻ chưa có nhận thức đúng đắn.

Nghe audio
0:00
0:00

Một sự thật đau lòng đã xảy ra vào ngày Nói dối 1/4. Sau sự ra đi của nam sinh nhảy lầu tự tử, mạng xã hội không ngừng phát tán và lan truyền clip ghi lại cảnh tượng đau lòng ấy cùng lá thư tuyệt mệnh. Cùng với sự xót xa, lời chia buồn gửi đến gia đình là không ít những bình luận hướng sự chỉ trích đến người thân của nạn nhân.

Có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất con. Hôm nay, cư dân mạng còn xót xa trước sự ra đi của em nhưng rồi mai đây, nỗi đau sẽ chỉ ở lại với những người thân ruột thịt. Không có cha mẹ nào chuẩn bị cho cái chết của con mình. Sự mất mát đó là nỗi đau mà có thể họ mất cả đời cũng chẳng thể vượt qua, chỉ có thể cố học cách cùng chung sống.

Ngừng phát tán clip và thư tuyệt mệnh vụ nam sinh nhảy lầu: Đừng đẩy người sống đến cùng đường - 1

Những trách móc giờ đây chẳng thể khiến người khuất trở về mà chỉ xoáy thêm vào nỗi đau của người sống. Những người xem clip đó cùng bức thư tuyệt mệnh đâu thể biết cụ thể sự tình. Và bởi đứng quan sát từ góc nhìn khác, không hiểu hết nên càng dễ buông ra những lời nặng nề. Họ không biết rằng việc lan truyền những hình ảnh đó gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của những người thân đang phải chịu đựng sự mất mát quá lớn.

Nỗi buồn sao có thể nguôi ngoai khi khắp nơi là những chia sẻ về hình ảnh về người đã mất. Cha mẹ của chàng trai mãi dừng lại ở tuổi 16 đó sẽ mãi ám ảnh với câu hỏi “Vì sao con lại bỏ bố mẹ mà đi”. Đứa em bé nhỏ biết khi nào có thể quên ký ức ám ảnh đó. Đã từng có không ít trường hợp người ở lại vì chẳng thể vượt qua được nỗi đau mà lựa chọn ra đi.

“Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố”.

Trên mạng xã hội có không ít lời trách móc, đổ trách nhiệm, phán xét người cha, người mẹ vì sao không thấu hiểu con mình. Đời nào nước mắt chảy ngược, cha mẹ nào không mong điều tốt đẹp nhất cho con cái mình. Vậy nhưng nếu tuổi thơ của họ thường là đồng lúa với luỹ tre làng, buổi trưa túm tụm cùng chơi đuổi bắt thì thế giới của lũ trẻ bây giờ là bức tường với tivi, điện thoại thông minh. Họ cũng là những người lần đầu làm mẹ làm cha, khó có thể tránh khỏi bỡ ngỡ.

Có những điều với người lớn tưởng chừng chỉ là chuyện vặt vãnh trẻ con, nhưng với lũ trẻ là cả một vấn đề lớn. Khi không có cách để giải tỏa, không có người để tâm sự, không được trang bị đầy đủ kỹ năng để đối diện, nó có thể là nguyên nhân dẫn đến việc đau lòng. Hai năm qua, sự ảnh hưởng của dịch bệnh càng khiến thế giới của chúng bị thu hẹp hơn, trong căn phòng bên cạnh chiếc máy tính khiến thế giới tâm lý của trẻ càng trở nên phức tạp.

Sự chia sẻ, đồng cảm và thấu hiểu là rất quan trọng nhưng không phải điều dễ dàng. Có thể cha mẹ không kỳ vọng con phải trở thành ông này bà nọ nhưng việc muốn con có tương lai tốt hơn cộng thêm những vấn đề tâm sinh lý của tuổi mới lớn vô hình trung trở thành áp lực cho con trẻ.

Ngừng phát tán clip và thư tuyệt mệnh vụ nam sinh nhảy lầu: Đừng đẩy người sống đến cùng đường - 2

Không những vậy, việc chia sẻ, phát tán clip cùng hình ảnh và bức thư tuyệt mệnh kia có thể tạo ra sự ảnh hưởng tiêu cực tới những đứa trẻ chưa có nhận thức đúng đắn. Chia sẻ clip về tự tử rất nguy hiểm, có thể kích hoạt hiện tượng tự tử bắt chước. Một đứa trẻ cùng hoàn cảnh có thể chưa nhận thức đúng về việc này mà dẫn đến kết cục đau lòng tương tự. Thay vì tìm cách tâm sự, chia sẻ với cha mẹ, bạn bè hay thầy cô, các em có thể làm theo, bắt chước và nghĩ rằng đó chính là cách giải thoát.

Theo số liệu của điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên ở Việt Nam lần thứ 2 (do Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, WHO tổ chức năm 2000), có tới 409 người trên 10.000 thanh thiếu niên tại 63 tỉnh thành tham gia khảo sát (chiếm 4,1%) từng có ý định tự tử. Đó thực sự là một hồi chuông báo động về vấn đề không thể xem nhẹ.

Thay vì phát tán hình ảnh về sự việc đau lòng kia, hãy lấy đó làm lời cảnh tỉnh, bài học. Mỗi đứa trẻ cần được trang bị tốt hơn các kỹ năng về quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề; dám mạnh dạn chia sẻ, tâm sự với người mình tin tưởng; xây dựng thái độ sống tích cực mỗi ngày…

Mỗi bậc phụ huynh hãy thấu hiểu, bao dung và tôn trọng hơn thế giới của con mình thay vì áp đặt cứng nhắc với suy nghĩ rằng đó là điều tốt nhất cho con. Sự gắn kết vững chắc giữa các thành viên trong gia đình, cảm giác an toàn sẽ giúp trẻ nhận thức được về giá trị của bản thân mình, hiểu rằng bản thân không đơn độc.

Yêu con, bản năng thôi là chưa đủ!
Làm cha mẹ thông thái không dễ nhưng chắc chắn là điều bạn có thể làm được. Hãy là những người cha, người mẹ đồng hành cùng con cái, cho con không...

Yêu con thông thái

Bảo Anh.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Eva Góc nhìn