Người Việt có cần phải ăn nhiều đến thế?

Ngày 27/01/2016 14:13 PM (GMT+7)

Chúng ta sợ chất tạo nạc trong thịt lợn nhưng lại tin vào những quảng cáo mỡ lợn là thứ rất có hại cho sức khỏe. Và trên thực tế, chẳng cơ quan nào đảm bảo một cách chắc chắn rằng thực phẩm đó là hoàn toàn sạch sẽ bởi người sản xuất luôn biết "lách" để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Tôi đã hết tin rằng còn có thể được ăn những miếng thịt “sạch” khi tình cờ đọc được trên báo lời thổ lộ của một cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. HCM. Theo đó, hóa chất, phụ gia thì quá nhiều nên chỉ khi phát hiện chất lạ trong thực phẩm thì cơ quan nhà nước mới ban hành quy chuẩn kỹ thuật xem có được dùng hay không.

Trên thực tế, chẳng có cơ quan nào có thể đảm bảo cho chúng ta một cách chắc chắn rằng hạt cơm, miếng thịt mà chúng ta ăn hàng ngày là hoàn toàn sạch sẽ. Nó có thể “sạch” với những quy chuẩn của hôm nay, nhưng ngày mai lại không còn sạch nữa, khi hóa ra quy chuẩn của ngày hôm nay là không đủ.

Những người sản xuất thực phẩm nhiều năm qua dùng thuốc hen để tạo nạc cho đàn lợn của mình, dùng thuốc ngừa thai để vỗ béo cho lươn, thậm chí dùng xi măng bón lúa. Họ đều biết những việc làm đó là không tự nhiên, và có thể không tốt.

Nhưng họ vẫn làm mà không áy náy nếu điều đó chưa kịp bị cấm. Đến khi nó bị cấm thì người ta sẽ có những cách khác để tiếp tục chuyện này, cho dù điều đó là trái tự nhiên, và có thể không tốt.

Cuộc sống của chúng ta, dù ở hình thái xã hội nào thì về cơ bản cũng sẽ được vận hành bởi quy luật của sự hấp dẫn. Mong muốn chủ đạo của chúng ta là gì thì trong cuộc sống của chúng ta sẽ xuất hiện những hành vi tương ứng, kèm theo những phản ứng phụ mà thông thường chúng ta không mong muốn. Như ông vua Midas thích vàng mà thôi.

Người Việt có cần phải ăn nhiều đến thế? - 1

Những chủ trại chăn nuôi, những người nông dân trồng lúa trồng rau, như lẽ tự nhiên đều mong mỏi lợi ích tối đa từ công việc của mình. (ảnh minh họa)

Chúng ta mong muốn trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới khi mà trình độ canh tác của chúng ta không phải đỉnh cao của nhân loại. Những cánh đồng đã bị cưỡng bức cho mục đích này.

Chúng ta mong muốn những con lợn sẽ toàn thịt nạc bởi ngành công nghiệp sản xuất dầu ăn chi ra rất nhiều tiền cho quảng cáo để mỡ lợn thành thứ vất đi. Những con lợn phải ăn hóa chất để trở thành siêu nạc.

Những chủ trại chăn nuôi, những người nông dân trồng lúa trồng rau, như lẽ tự nhiên đều mong mỏi lợi ích tối đa từ công việc của mình. Một cánh đồng sạch với năng suất thấp có thể thu lợi nhiều hơn những cánh đồng được kích thích tăng trưởng? Nuôi một đàn lợn sạch với chi phí chăn nuôi tốn kém có thể nhanh giàu bằng cho lợn ăn hóa chất? Điều đó là không tưởng. Thế đừng mong chúng ta được ăn sạch.

Chúng ta mong chờ các cơ quan chức năng kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm giúp chúng ta ngăn chặn các nguy cơ từ thực phẩm bẩn. Nhưng mong muốn của chúng ta là thúc đẩy những người sản xuất thực phẩm phải “sáng tạo” để vượt qua khả năng của chính họ, vượt qua khả năng kiểm soát để tìm thấy lợi ích.

Các cơ quan chức năng kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm không phải những vị thần. Và ngay cả những vị thần cũng không thể giúp ông vua Midas với mong muốn chạm tay thành vàng mà tránh cho những đứa con của ông vua ấy không biến thành những khối vàng vô tri khi chạm phải bàn tay thương yêu của ông ấy.

Những mong muốn vô độ đang biến chúng ta trở thành các ông vua Midas. Nhưng ông vua Midas còn kịp rửa tay trong dòng sông Pactolus để xóa bỏ ước mơ vàng, khi ông ta biết tự hỏi rằng có cần nhiều vàng đến thế không. Còn chúng ta sẽ chết vì thực phẩm bẩn nếu không tự hỏi mình, rằng: Chúng ta có cần phải ăn nhiều đến thế?  

Phạm Trung Tuyến
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Buôn chuyện