Tập thể dục: Nhiều người khỏi bệnh nhờ... vẫy (P.cuối)

Ngày 14/10/2014 14:29 PM (GMT+7)

Trong cuộc sống thường ngày, tôi cũng như bạn, chắc đã chứng kiến rất nhiều trường hợp “Sống lâu, chữa khỏi bệnh, hoặc khỏe lên… nhờ niềm tin”.

Trong loạt bài viết này tôi không đề cập đến việt tập thể dục nhằm một mục đích chuyên sâu nào đó như: giảm cân, giảm eo, to ngực, săn đùi, chắc mông,… thành một Rambo, một Commando,… hay một mục đích tương tự nào khác. Mà tôi chỉ muốn nói rằng: Tập thể dục và thường xuyên là điều cần thiết cho cuộc sống của bất kỳ ai! Còn cách tốt nhất để giảm béo là khi chưa béo hãy đừng để mình béo, cách làm nhỏ eo tốt nhất là đừng bao giờ để nó to…

“Nội lực tự sinh”, theo tôi hiểu là nguồn sức mạnh vô hình, những khả năng đặc biệt ẩn sâu trong tiềm thức của mỗi chúng ta. Nó được phát huy hoặc trỗi dậy nằm ngoài sự dự đoán của chúng ta, nó hoàn toàn không nằm trong sự điều tiết thuần túy của chúng ta. Và niềm tin là một trong những nhân tố hữu hiệu có thể đánh thức được tiềm thức con người. Ngoài ra còn những trạng thái như: sợ hãi, lo lắng, hưng phấn… Những lúc như vậy, con người có thể làm được những điều không tưởng, hoàn toàn nằm ngoài khả năng của họ.

Nói về “Nội lực tự sinh”, thực ra có lẽ chẳng có sự lý giải nào đủ cơ sở khoa học đủ thuyết phục được người đọc cả. Tuy nhiên chúng ta thường xuyên được chứng kiến những những hiện tượng xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, và nếu chúng ta chịu khó để ý thì đấy chính là “Nội lực tự sinh”. Ví dụ như một tên trộm bị đuổi đến đường cùng có thể nhảy qua một bức tường cao đến 2,5m. Hay như chị Ngô Thị Tuyển, trong mịt mùng khói lửa, vì sợ chậm việc quân cơ đã một mình vác 2 hòm đạn dính nhau nặng tới 98kg, gấp đôi trọng lượng cơ thể đi suốt một quãng đường dài, mà sau này lúc dựng lại phim chị đã không thể nào vác nổi.

Tập thể dục: Nhiều người khỏi bệnh nhờ... vẫy (P.cuối) - 1

Nói về “Nội lực tự sinh”, thực ra có lẽ chẳng có sự lý giải nào đủ cơ sở khoa học đủ thuyết phục được người đọc cả. (ảnh minh họa)

Yoga của Ấn Độ cũng là một môn sử dụng nguyên lý này. Mặc dù nó rất khoa học, và tập được Yoga là rất tốt. Nhưng môn này khi tập lên cao thường tập các tư thế rất khó, rất kỳ quái. Thực ra là để đẩy người ta vào thế “đường cùng” với hy vọng đánh thức được một khả năng nào đó còn tiềm ẩn trong cơ thể. Tức là “Nội lực tự sinh”. Còn như ở ta, việc một bệnh nhân bị bệnh viện trả về, nằm chờ ngày đoàn tụ với tổ tiên, tự dưng gặp được một dị nhân đến vận công rần rần rồi sờ tay vào chỗ đau một lúc rồi hỏi “Có thấy dễ chịu hơn không?”. Tất nhiên người bệnh sẽ thều thào “Có”.

Vị dị nhân bảo người nhà pha cho cốc nước mát uống, xong lại vận công thêm một lúc rồi lại sờ, rồi lại hỏi “Có thấy chỗ đau nóng lên không?”. Lần này người bệnh mắt sáng hẳn lên gật gật đầu… Một vài tuần sau, người bệnh khỏe hẳn. Cả họ sẽ ăn mừng và ca ngợi thầy hết lời (Tất nhiên người bệnh phải là người làm ra nhiều tiền, giúp đỡ nhiều người trong họ). Những thầy khí công hoặc nhân điện chữa bệnh thế này nhiều nhan nhản, và tôi chắc rằng có đến 99% là dởm. Họ triệt để tận dụng tâm lý “Chết đuối vớ được cọc” để tạo niềm tin cho người bệnh. Mà cái trò này càng bí hiểm, càng phức tạp thì người bệnh càng có lòng tin. Càng nhanh khỏi!

Nếu một ông tiến sỹ chuyên khoa giỏi nhất thế giới (nhưng giấu tên, đừng cho người bệnh biết) cứ lầm lì cặp cái ống nghe khắp người bệnh nhân một lúc, xong kê thuốc và nọc ra tiêm cho vài phát thì ngày mai người bệnh còn ốm hơn, thậm chí chết luôn vì tiêm đau. Hoặc như có rất nhiều người bị ung thư không chữa được, bệnh viện đã trả về nhà… ngồi tụng kinh cầu Phật, cầu Bồ Tát… Ngày này qua ngày khác rồi tự dưng hết bệnh! Về vấn đề tâm linh thì rất khó lý giải, nhưng tôi nghĩ phần nhiều là do “Nội lực tự sinh” đã được sức mạnh niềm tin khơi dậy. Như trường hợp trên, khi người bệnh đã trả lời “Có”, hay gật đầu cũng như khi một người đã tin tưởng rằng Phật, Bồ Tát sẽ cứu giúp họ khỏi bệnh thì bản thân tiềm thức trong cơ thể họ đã thiết lập một thành trì vững chắc chống lại căn bệnh. Và chuyện họ hết bệnh là chuyện không mấy ngạc nhiên. Người ta cũng thống kê được rằng “Những người sống vô tư hoặc ngờ nghệch sẽ có tỷ lệ khỏi bệnh theo cách này cao hơn hẳn những người khôn ngoan, tỉnh táo”.

***

Quay trở lại vấn đề tập thể dục.

Trong cuốn “Mạn đàm nhân sinh” của ông Matsushita Konosuke, người sáng lập tập đoàn Panasonic, đã từng nhắc đến một câu rất cổ là “Nhất bệnh trường mệnh”. Tức là những ai biết mình có bệnh thường có ý thức chăm lo sức khỏe hơn, giữ gìn hơn nên sống lâu. Còn những người khi nào cũng thấy mình khỏe mạnh thường chủ quan, phung phí sức khỏe và đoản thọ hơn. Điều này hoàn toàn đúng. Theo tôi, tập thể dục là không bao giờ muộn, tập được ngày nào tốt ngày đó, tập được môn gì cũng tốt cả. Bởi vì ngay khi bạn tập thể dục một cách hạnh phúc tức là bạn đã có ý thức giữ gìn sức khỏe rồi. Tức là nội lực tự sinh trong con người bạn đã được khơi dậy và tự nó phát sinh sức đề kháng cho cơ thể rồi. Điều quan trọng là cần có một niềm tin, cần có một sự hưng phấn, xuất thần, cần cảm thấy hạnh phúc khi tập. Có như vậy thì nội lực tự sinh mới được phát huy.

Tập thể dục: Nhiều người khỏi bệnh nhờ... vẫy (P.cuối) - 2

Hai ông bà lão thiết đãi vị tăng một bữa cơm chay thịnh soạn và không ngớt lời cảm ơn ân nhân. (ảnh minh họa)

***

Điển hình cho hiện tượng này là một câu chuyện Phật Giáo tôi đã đọc được đâu đó, là một công án thiền. Có một vị tăng trên đường du hành, một hôm vào buổi tối ông xin tá túc nhà của hai ông bà lão rất nghèo và rất ốm yếu. Trông hoàn cảnh hai ông bà lão thật thê lương và buồn thảm. Hai ông bà lão đã rất ân cần giúp đỡ vị tăng. Cảm cái ân đức đó, vị tăng đã dạy cho họ những câu chú niệm Phật và nói rằng họ nên niệm Phật hàng ngày, sẽ được mạnh khỏe và hạnh phúc. Bẵng đi một thời gian, một hôm vô tình vị tăng lại đi qua con đường này. Nhớ đến chuyện xưa nên ông rẽ vào thăm lại hai ông bà lão. Ông đã không khỏi ngỡ ngàng, trước mắt ông là một căn nhà tươm tất hơn rất nhiều. Và điều kỳ lạ nhất là hai ông bà lão ốm yếu thê lương ngày nào giờ đã trở thành hai con người hoàn toàn khác. Mạnh khỏe, hồng hào và rạng ngời hạnh phúc.

Hai ông bà lão thiết đãi vị tăng một bữa cơm chay thịnh soạn và không ngớt lời cảm ơn ân nhân. Trong bữa cơm, vị tăng đã không giấu được tò mò và hỏi hai ông bà lão rằng “Làm sao họ có thể làm được điều kỳ diệu như vậy?”. Hai ông bà lão hồn nhiên trả lời rằng từ ngày được vị cao tăng dạy cho những câu chú niệm Phật họ đã nghe theo. Ngày nào cũng vậy, hễ có thời gian là họ niệm chú. Chỉ một thời gian ngắn sau là họ hết bệnh tật, họ khỏe lên rất nhiều. Nhờ họ khỏe lên nên họ đã làm tốt việc đồng áng và chăn nuôi. Rồi họ lại được mùa…

Cứ như vậy họ luôn luôn gặp may mắn cho tới tận ngày hôm nay. Vị tăng vẫn không thể tin đó là sự thật, sau bữa ăn liền bảo hai ông bà lão niệm chú thử ông nghe. Hai ông bà lão liền chỉnh trang quần áo rồi ngồi niệm Phật. Họ niệm Phật rất nghiêm trang và đầy lòng tin kính. Chỉ có điều vị tăng phát hiện họ nhớ sai hầu hết câu chú và phát âm cũng sai hầu hết các từ trong câu chú. Vốn tính quảng đại, vị tăng liền chỉ bảo lại cho họ, lần này còn cẩn thận ghi ra giấy để họ dễ học. Vị tăng tin rằng với lần chỉnh sửa này thì hai ông bà lão sẽ đạt nhiều thành tựu hơn nữa.

Khoảng chừng một thời gian lâu sau nữa, khi trên đường ngang qua, vị tăng lại rẽ vào nhà ông bà lão kia, ý chừng muốn kiểm chứng lại thành quả mà mình đã bỏ công giúp. Đứng trước cánh cổng xiêu vẹo, nhìn vào trong ông không khỏi giật mình, tưởng rằng mình đã đi lạc. Phía trong là một căn nhà tồi tàn đổ nát. Rèm cửa mạng nhện giăng đầy. Đi thẳng vào trong, ông thấy bên cạnh một chiếc giường bẩn thỉu là một ông lão gầy gò ốm yếu đang chăm sóc một bà lão nằm bất động với ánh mắt mờ đục. Thấy cảnh quá thương xót, vị tăng đã lấy một ít tiền lộ phí mang theo cho ông lão, và hỏi rằng đã có chuyện gì xảy ra?

Tập thể dục: Nhiều người khỏi bệnh nhờ... vẫy (P.cuối) - 3

Người ta cũng thống kê được rằng “Những người sống vô tư hoặc ngờ nghệch sẽ có tỷ lệ khỏi bệnh theo cách này cao hơn hẳn những người khôn ngoan, tỉnh táo”. (ảnh minh họa)

Ông lão rằng “Có lẽ chúng tôi đã làm điều gì không phải nên Phật đã ruồng bỏ chúng tôi”. Vị tăng hỏi lại rằng bấy lâu nay hai ông bà lão còn niệm chú nữa không? Ông lão cho biết rằng từ ngày được tăng dạy và ghi chép lại cho rất tỉ mỉ, hai ông bà đã chú tâm rất nhiều vào việc niệm chú, ngày nào cũng niệm không hề sao nhãng. Và ông lão cho biết thêm rằng họ niệm mãi vẫn không thấy hài lòng, luôn cảm thấy có chỗ nào chưa đúng… Thế rồi tự dưng hết ông ốm rồi đến bà ốm. Việc đồng áng, chăn nuôi không làm được. Có bao nhiêu tiền của đều đã tiêu hết mà vẫn không khỏi bệnh cho đến tận ngày hôm nay…

Thế đó, niềm tin là điều cực kỳ quan trọng. Trong cuộc sống thường ngày, tôi cũng như bạn, chắc đã chứng kiến rất nhiều trường hợp “Sống lâu, chữa khỏi bệnh, hoặc khỏe lên… nhờ niềm tin”. Ví dụ đơn giản nhất là vào buổi sáng chúng ta thường xuyên nhìn thấy các cụ già đứng một chỗ vẩy vẩy hai tay một cách nhiệt tình. Và nghe đồn rằng có những người đã từng sống đến trăm tuổi nhờ… vẫy. Có nhiều người đã khỏi hẳn bệnh ung thư, bệnh trụy tim… nhờ… vẫy! Vì nghe nói rằng đó chính là “Dịch cân kinh”. Tuyệt kỹ của Thiếu lâm tự (ông Kim Dung nói vậy). Thực tế Dịch cân kinh cũng chẳng có gì ghê gớm, và động tác vẫy tay đó chỉ là một động tác nhỏ trong bộ Dịch cân kinh. Điều ngạc nhiên nhất là theo quan sát của tôi thì đa phần các cụ đều tập sai cả! Kể cả mẹ tôi! Lúc đầu tôi có ý định chỉnh sửa cho bà nhưng cứ nghĩ đến công án thiền trên nên lại thôi. Cứ để bà tin tưởng với kiểu vẫy của bà. Và nhờ trời, đã ngoài 80 bà vẫn mạnh.

***

Điều cuối cùng là tập thể dục giúp ta tiết kiệm được rất nhiều tiền!

Nghe có vẻ vô lý, nhưng sự thực là vậy. Bạn đã bỏ công bỏ sức tập tành để khỏe, để có một thân hình đẹp đẽ thì tự nhiên bạn có ý thức giữ gìn thành quả đó. Bạn sẽ bớt ăn nhậu bớt chơi bời trác táng, bớt phung phí sức khỏe đi. Như vậy là bớt đi được khá nhiều khoản rồi. Tôi khuyên bạn thỉnh thoảng nên tham quan một vòng bệnh viện nào đó. Chắc chắn rằng bạn cũng rất muốn mình không đau ốm, không phải vào bệnh. Mà tập thể dục chính là chiếc vé tốt nhất để miễn trừ vào bệnh viện.

Xem bài cùng tác giả:

Tập thể dục: Tập thế mà vẫn béo! (P.1)

Tập thể dục: Vì sao người ta phải tập? (P.2)

Câu chuyện 'tiền bo' và văn hóa 'bo'

Rơi máy bay và chuyện... món Phở ở Việt Nam

Mỳ tôm 'cởi truồng'

Nếu muốn chồng yêu, chị em nên đọc bài này!

Sợ vợ là đức tính quí báu

'Đắng lòng' chuyện đi 'viếng đám ma thuê' của tôi

Trẻ em và bệnh thành tích của người lớn (Kỳ 1)

Trẻ em và bệnh thành tích của người lớn (Kỳ 2)

Thanh lọc cơ thể là phản khoa học? (Kỳ 1)

Thanh lọc cơ thể là phản khoa học? (Kỳ 2)

Phạm Phú Quảng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Buôn chuyện