Làm dâu 27 năm, Tết sợ nhất phải làm mấy con gà, dọn nhà liên miên

Ngày 24/01/2020 13:28 PM (GMT+7)

Tết đối với trẻ con là niềm vui, nhưng Tết với người lớn là rất nhiều nỗi lo, đặc biệt đối với những chị em đã có gia đình.

Tết luôn là một dịp vui, một dịp đáng mong chờ của tất cả mọi người, vì khi ấy chúng ta được về với gia đình, được nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Đặc biệt với trẻ con, Tết luôn là những ngày vui sướng. Thế nhưng, càng lớn chúng ta lại càng có thêm nhiều nỗi lo toan khi Tết đến xuân về. Nỗi lo cơm áo gạo tiền, nỗi lo đối mặt với đủ câu hỏi han của họ hàng lâu không gặp,…

“Đang yên đang lành tự dưng lại Tết” – đây có lẽ là câu nói mà nhiều người trẻ vẫn than thở với nhau và trên mạng xã hội. Đặc biệt với nhiều nàng dâu, chỉ cần nghĩ đến Tết là họ đã cảm thấy “sợ”.

Nàng dâu các thế hệ có sợ Tết như chúng ta nghĩ?

Làm dâu 27 năm, Tết sợ nhất phải làm mấy con gà, dọn nhà liên miên - 1

Dâu 25 tuổi: làm dâu 1 năm, Tết của dâu mới không còn thời gian tụ tập bạn bè

Đào Khánh Hằng (sinh năm 1995, Hà Nam) lập gia đình được hơn 1 năm. Năm 2019 là Tết đầu tiên Hằng về làm dâu. Cô tâm sự dù không phải làm quá nhiều việc nhưng cũng rất ngại khi về nhà chồng ăn Tết: “Giờ em rất sợ Tết vì Tết không còn như trước đây mình từng nghĩ. Mình nghĩ là về làm dâu thì vẫn có cuộc sống như trước đây thôi hoặc chỉ bận rộn hơn một chút thôi, nhưng mọi thứ đã thay đổi rất nhiều khiến cho mình đôi lúc cũng cảm thấy sợ”.

“Em không phải chuẩn bị gì nhiều vì gia đình em khá là đông người, có các anh chị em chuẩn bị nữa. Thường thì mọi người cùng nhau chuẩn bị đồ ăn, bánh kẹo, nấu nướng rồi chờ khách đến để tiếp khách thôi. Nhưng có 1 sự khác biệt rất rõ rệt giữa việc đón Tết khi còn độc thân và khi đã lập gia đình. Như bình thường, mọi năm thì mình không phải lo gì nhiều, bố mẹ ông bà lo cho hết, mình chỉ việc chơi bời.

Nhưng mà đến khi về làm dâu thì gần như thay đổi 180 độ, mình phải lo tất cả mọi thứ, lo cho cả gia đình mình lẫn gia đình chồng. Rồi trong Tết cũng thế, cũng phải đi chúc Tết, đến nhà này nhà kia,… Nói chung là rất nhiều việc và bận rộn, không còn được thoải mái vui vẻ như trước đây nữa. Thậm chí không thể đi chơi bời, không thể đi họp lớp với bạn bè, không thể đi cà phê, ăn uống với bạn như trước đây được”, Khánh Hằng chia sẻ.

Làm dâu 27 năm, Tết sợ nhất phải làm mấy con gà, dọn nhà liên miên - 2

Dâu 48 tuổi: làm dâu 27 năm, ám ảnh vì năm nào cũng làm mấy con gà, dọn nhà liên miên

Chẳng những là nỗi lo của những nàng dâu trẻ, dù đã làm dâu 27 năm nhưng cô Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1972, Hà Nội) vẫn vô cùng sợ Tết. Điều đáng sợ nhất với cô là phải dọn dẹp nhà cửa.

“Gần đến Tết thì cô sợ nhất là phải dọn nhà. Thứ 2 là trước đây cô còn bố mẹ chồng thì cứ 30 Tết là vợ chồng con cái phải về với bố mẹ chồng. Vất vả lắm, 30 Tết năm nào cũng rang hạt hướng dương, chuẩn bị đồ cúng cùng với mẹ chồng. Mẹ chồng làm gì mình phải làm cái đấy. Thời trẻ thanh niên cô không biết làm gà đâu mà về làm dâu năm nào cũng phải làm mấy con gà hôm 30 Tết. Cô sợ lắm. Mà cái sợ tiếp theo là đến ngày mùng 1 bắt đầu dọn mâm ra để phục vụ các gia đình chị chồng. Không những phục vụ ăn uống mà còn phải dọn dẹp, rửa bát rửa đĩa. Thế là có 3 ngày Tết là cứ dúi ở nhà chồng xong hết Tết”.

Làm dâu 27 năm, Tết sợ nhất phải làm mấy con gà, dọn nhà liên miên - 3

“Nhưng 5 năm trở lại đây thì bố mẹ chồng cô mất cả rồi, nhà cô không phải về nữa. Nhưng mà vẫn sợ Tết. Bởi vì Tết sợ nhất vẫn là dọn nhà. Mua sắm thì đơn giản rồi, đồ cô toàn mua sẵn hết chứ không như ngày trước đều phải tự làm từng li từng tí. Cuối cùng vất vả mỗi dọn nhà thôi nên giờ vẫn sợ Tết”, cô Thu tâm sự.

Dâu 58 tuổi: làm dâu 30 năm, sợ Tết vì không có thời gian cho bản thân

Tết cổ truyền của Việt Nam phải chuẩn bị rất nhiều thứ và nhiều thủ tục. Đầu tiên là cúng Ông Công Ông Táo, 30 Tết sẽ cúng tất niên. Trước khi hết năm, tất cả mọi người cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, mua cây cảnh, hoa tươi về trang hoàng. Những ngày trong Tết cũng có nhiều thủ tục và bận rộn.

Cô Hồng Hoa (sinh năm 1962, Hà Nội) đã làm dâu gần 30 năm chia sẻ về những cái Tết đầu tiên về nhà chồng: “Về làm dâu thì tất nhiên mình phải lo cho gia đình nhà chồng. Dù là mình đã xác định trước nhưng cứ mỗi dịp Tết đến gần là cái nỗi lo lắng không chỉ là cơm áo gạo tiền mà nó còn là làm cái gì và sử dụng thời gian như thế nào nên đúng là cũng bận rộn và phải suy nghĩ một chút. Thời gian đầu thì tất cả phải phụ thuộc vào gia đình chồng, cô chỉ là người phối hợp với mẹ chồng. Mẹ chồng chỉ đạo làm cái gì thì mình sẽ phụ giúp. Cái lo lắng chung thì mình không phải lo nhưng làm thế nào để mình có thể nhập gia tùy tục lại là cái quan trọng nhất. Mình phải làm thế nào để gia đình chồng hiểu được mình, đồng thời mình cũng làm sao để phù hợp với những thói quen, phong tục của gia đình chồng”.

“Cô về làm dâu được 30 năm thì khoảng 10 năm đầu coi như là làm quen sau cũng bắt nhịp dần với gia đình. Mẹ chồng cô cũng giao cho cô phải lo lắng chuyện gia đình. Đầu tiên cũng thấy nặng nề lắm. Cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và không có quỹ thời gian dành riêng cho mình. Thế nhưng mấy năm gần đây cô bắt đầu sắp xếp công việc ổn định hơn”, cô Hoa chia sẻ thêm.

Làm dâu 27 năm, Tết sợ nhất phải làm mấy con gà, dọn nhà liên miên - 4

Làm dâu 27 năm, Tết sợ nhất phải làm mấy con gà, dọn nhà liên miên - 5

Tết thoải mái hơn nhờ biết cách sắp xếp khoa học

Mặc kệ những nỗi lo lắng, sợ hãi, Tết vẫn là dịp mà những người con Việt Nam mong chờ. Bận bịu nhiều việc nhưng đó đều là truyền thống của người Việt. Cô Hồng Hoa đã làm dâu gần 30 năm nên cô chia sẻ mình ngày càng có “kinh nghiệm” hơn.

“Hình như tuổi tác càng cao thì mình càng đỡ sợ Tết hơn. Có thể do mình biết cách điều tiết làm thế nào để mọi thứ khoa học hơn, và giờ cũng có nhiều thứ có thể mua hàng sẵn, đặt sẵn thì mình sẽ tự thu xếp 1 cách khoa học. Trong những bữa ăn gia đình thì mình sắp xếp thế nào để giảm thời gian phải đứng bếp. Đó là những thứ không khiến cô cảm thấy mệt mỏi nữa”, cô Hoa tâm sự

Hiện tại cô Hoa cũng đã là mẹ chồng và có cháu. Con dâu cô lại là người kế tục những công việc của cô. “Giờ mình lại có nhiệm vụ là hướng dẫn cho con dâu hiểu kiểu ăn uống của gia đình chồng và cùng cô chuẩn bị những bữa ăn trong ngày Tết. Rất may là mọi việc đến giờ vẫn rất suôn sẻ, cô và con dâu phối hợp rất tốt. Vì vậy giờ cô thấy Tết không còn mệt mỏi chút nào”.

Làm dâu 38 năm vẫn thích Tết vì... Tết có nhiều hoa

Cô Hồng Hạnh (sinh năm 1956) đã kết hôn 38 năm. Cô lấy chồng từ năm 1981 - giai đoạn bao cấp. “Cuộc sống của cán bộ công nhân viên như cô thì ai cũng giống ai, đó là hưởng theo tem phiếu. Vì vậy, chuẩn bị cái Tết chỉ theo tiêu chuẩn của nhà nước cho nên rất đơn giản, nhưng thời đó còn trẻ thì rất mong đến Tết. Lý do thì nói ra khá là buồn cười. Thứ nhất Tết đến thì gia đình sum họp, anh chị em ở xa có dịp gặp nhau. Thứ hai là ngày Tết bao giờ cũng được ăn tươi hơn. Điều đó giờ nghe rất buồn cười nhưng ngày đó là như thế.”

Làm dâu 27 năm, Tết sợ nhất phải làm mấy con gà, dọn nhà liên miên - 6

Mỗi dịp Tết đến, cô Hạnh cùng chồng về quê chồng để thắp hương gia tiên, mua quà biếu bà con bên chồng. Cả nhà cùng gói và luộc bánh chưng cả đêm rồi cùng thưởng thức nên rất vui. Ngoài ra cô Hạnh còn tự làm mứt khoai tây, mứt gừng; mua bột làm bánh thuẫn, bánh in. “Mặc dù hơi bận hơn so với ngày thường nhưng cảm thấy rất vui vì chị em đến cơ quan bàn tán rôm rả. Nhà cửa ngày xưa cũng đơn giản, không phức tạp như giờ nên việc dọn dẹp nó cũng là cái lệ của tất cả người dân Việt Nam”, cô Hạnh chia sẻ.

“Người già như tôi thì tôi vẫn thấy thích Tết. Vì Tết là lúc sum họp, nhớ về ông bà, tổ tiên. Tết vào mùa xuân nên nó đẹp vô cùng. Chỉ cần thấy người ta đi ra ngoài chuẩn bị, chợ hoa náo nức người qua kẻ lại thì mình cũng cảm thấy phấn chấn. Tết là mùa xuân nên đây là thời điểm cây cối nảy lộc, có rất nhiều loại hoa. Dù mình có bận rộn 1 chút mà đi ngoài đường nhìn ngắm hoa được trồng dọc đường hoặc cây cảnh bán ngoài chợ mình cũng thấy vui và thích thú”, cô Hạnh vui vẻ.

Làm dâu 27 năm, Tết sợ nhất phải làm mấy con gà, dọn nhà liên miên - 7

Mẹ chồng chỉ sợ con trai Tết ngoại nhiều, con dâu đáp lời khiến bà đứng im đỏ mặt
Cho tới hôm qua, đi chợ về ngang qua phòng mẹ chồng, vô tình em lại nghe thấy mẹ con lão nói với nhau về chuyện biếu Tết nhà ngoại. Nghe mẹ chồng nói...
Phong Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết nguyên đán