Thiên hạ bao nhiêu kẻ lắm lời?

Ngày 23/11/2015 14:19 PM (GMT+7)

Thiên hạ có bao nhiêu kẻ lắm lời? Hỏi thế thì khó quá, mức độ khó phải tương đương cỡ câu: Phàm là đàn ông trong thiên hạ, có mấy người đáng tin?

Tuy nhiên, hiện tại xứ ta đã tìm ra ba người lắm lời. Họ là bộ ba MC Thùy Minh, stylist Lê Minh Ngọc và nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch của talkshow: “Những kẻ lắm lời” phát sóng trên youtube.

Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây nhà báo Trác Thúy Miêu có nói: “Khi tôi gặp Thùy Minh và được nghe cô ấy nói về concept chương trình, rằng mục đích không chỉ có chê mà còn đưa ra giải pháp cho cả nghệ sĩ và công chúng…”.

Mục đích ấy nếu đạt được thì quả thật là tuyệt vời cao sang, đàng hoàng đáng trọng. Nhưng không, hầu hết những ý kiến của giới nghệ sỹ đều phản đối sự góp ý không có thiên hướng của sự phê bình để thay đổi, đề ra giải pháp mà có xu hướng châm biến, cợt đùa người bị phê phán.

Đành rằng, một số người có tâm hồn chật chội và thuyết âm mưu rộng rãi có thể nghi ngờ: “Nghệ sỹ họ bảo vệ nghệ sỹ là đúng rồi, chứ không đến lượt họ cũng bị lên thớt chê bai thì sao”.

Đáng nói là sau mỗi lần bị phản pháo, bộ ba này lại bộc lộ một thái độ đáng phê phán ở hành vi tiếp nhận. Khi nhận được ý kiến của Hoa hậu Đặng Thu Thảo ekip chương trình này đã tung một clip “phản đòn”.

Trong đó, Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch hỏi xoáy, ''thần tiên tỉ tỉ" có phải là Lưu Diệc Phi hay không. Nhà văn trẻ châm chích rằng, thần tiên tỉ tỉ nên cứ ở trên trời, giữ cốt cách thần tiên đi còn việc của người phàm để người phàm xử với nhau.

Stylist Lê Minh Ngọc cũng phản ứng với Đặng Thu Thảo rằng, hôm trước gặp nhau ở ngoài sao không nói mà còn lôi lên Facebook làm gì.

Cuối cùng, VJ Thùy Minh cho biết sẽ không bận tâm đến những ý kiến của Thu Thảo và thông báo "Những kẻ lắm lời" sẽ tạm dừng trong 2 tuần để các thành viên đi nghỉ mát vì "đợt vừa rồi căng thẳng quá".

Lắm lời thế là lắm lời chứ còn chi nữa. Lên sóng chê bai người khác, khi bị chê bai lại tiếp tục phân trần, châm chích người bị chê bai.

Lại nhớ, có lần đi dự hội thảo có diễn giả là một nhà thơ cũng nên được liệt vào hàng lắm lời. Nàng nói một thôi một hồi, nói theo kiểu tước đi cơ hội được nói của những diễn giả còn lại. Thế nhưng khi bị một người lớn tuổi, cũng là người thân thiết của nữ sỹ góp ý về chuyện nói nhiều mà ít lắng nghe này, nữ sĩ thay vì ậm à tỏ vẻ tiếp thu lại hăng say hơn giải thích vì sao mình phải nói nhiều như thế.

Ở đâu đó chúng ta thường bị đem so với những quốc gia công nghiệp cần cù, vô cùng kỷ luật như nước Nhật Bản. Họ làm việc rất có trách nhiệm, họ ít đong đưa chém gió, thong thả cà phê. Ở xứ ta, cứ ra quán xá vỉa hè là thấy toàn là những thành viên tiềm năng của “Những người lắm chuyện”. Trẻ thì ngồi cắn hướng dương uống trà chanh chém gió, già thì ung dung trà đá, thanh nhã trà nóng bắn điếu thuốc lào bàn từ chuyện tào lao nhà cửa cho tới chuyện vĩ mô chính sách.

Thiên hạ bao nhiêu kẻ lắm lời? - 1

Phàm là người trong thiên hạ, ai trong chúng ta cũng có xu hướng nhận được nhiều hơn những lời động viên. (ảnh minh họa)

Các câu chuyện của “Những kẻ lắm lời” sỡ dĩ bị phản đối một phần là bởi họ bê gần như mô típ nguyên xi không khí của một buổi nói chuyện tào lao xôn xao lề phố lên một chương trình có yếu tố truyền hình. Dù rằng những người sản xuất có thể biện minh fomat của chương trình cho phép tám xuyên lục địa đi nữa thì khi đã lên môi trường công cộng anh cũng buộc phải có những lằn ranh không thể vượt qua.

Nhưng qua sự việc vừa qua mới thấy, xứ ta quả là rất nhiều những nhân tài lắm lời. Có người bên này đang phê bình ngôn ngữ sử dụng của bộ ba “Những người lắm lời”, thì bên kia lại bĩu môi chửi người ta thậm tệ, thậm chí có người nói như Trác Thúy Miêu là đưa cả “tư cách làm mẹ” của Thùy Minh ra mà bàn tán bỉ bai.

Phàm là người trong thiên hạ, ai trong chúng ta cũng có xu hướng nhận được nhiều hơn những lời động viên. Cũng chẳng ai có xu hướng khước từ toàn bộ lời góp ý, phê bình. Tuy nhiên, hành vi phê bình phải gắn với hành vi mục đích. Nhìn vào hành vi phê bình của “Những kẻ lắm lời” khó thấy ở đó hành vi mục đích theo thiên hướng tích cực. Hỏi nghiêm túc này, bạn có chấp nhận được một ai góp ý cho mình mau mau tiến bộ mà cứ một nhát phê ba nhát cười hay không.

Bằng chứng hùng hồn là tôi đây, lần gần nhất vợ tôi đứng chao nghiêng trước kính với bộ váy mới rồi hỏi: Này anh, em mặc bộ này có tôn dáng không. Mới thoáng liếc sang nhìn, tôi vừa bụm miệng cười vừa chân thành góp ý: Em…mặc đẹp đấy, nhưng giá như em giảm được 10 cân nữa thì đỡ tội cho cái váy hơn. Thế đấy, hành vi mục đích của lời góp ý rõ là đẹp, thế mà bị nàng ném thẳng một rổ giày vào người. Đời lắm lời hay khổ lắm, đùa đâu.

Hồ Viết Thịnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Buôn chuyện