Tiết kiệm 30% thu nhập mà không cần lập ngân sách và đây là điều tôi đã làm

Bảo Anh. - Ngày 19/03/2021 18:38 PM (GMT+7)

Bằng cách trả tiền cho bản thân trước, tôi đã tự buộc bản thân phải chi tiêu trong giới hạn nhưng làm gì trong ranh giới đó hoàn toàn tùy thuộc vào tôi và cảm giác ấy thật sự tuyệt vời.

(*) Bài viết là chia sẻ của Emmie Martin, người có nhiều bài viết hay về tài chính, tiền bạc, công việc… được đăng tải trên CNBC và Business Insider.

Triệu phú tự thân David Bach nói rằng lập ngân sách là một việc làm gây lãng phí thời gian và tôi là người đồng ý với suy nghĩ đó. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa rằng tôi không muốn trở thành một người chi tiêu hợp lý, sử dụng những đồng tiền của mình một cách thông mình. Điều này có nghĩa rằng, tôi đã và đang tiết kiệm theo một cách khác.

Khi tôi mới tốt nghiệp đại học và chuyển đến thành phố New York sinh sống, tôi đã bị choáng ngợp bởi những thứ có ở nơi đây. Có quá nhiều thứ để mua, để ăn và để tận hưởng. Thật khó để có thể kiềm chế bản thân mình khỏi việc “nướng” hết toàn bộ số tiền lương vào những thứ thú vị đó. Nhưng rồi tôi đã quyết tâm đi đúng hướng, tiết kiệm và tiết kiệm.

Tôi tạo cho mình thói quen tiết kiệm, dù đó có là khoản nhỏ. Tiếp sau đó, tôi quyết định tiến thêm một bước nữa, tạo ra một ngân sách để phân chia số tiền mỗi tháng mình được chi tiêu cho từng hạng mục sau khi đã xem xét những tháng trước đó.

Trong nhiều tháng liền, tôi đã cố gắng theo dõi và giới hạn việc chi tiêu của mình. Tuy nhiên mọi thứ trở nên tẻ nhạt một cách nhanh chóng và quá phức tạp. “Nếu mình tiết kiệm tiền cho tạp hóa, tiêu nhiều nhiều một chút cho ăn uống được không? Liệu đi taxi về có khiến mình vượt quá quỹ dành cho việc đi lại?...”

Những suy nghĩ như vậy khiến tôi cảm thấy khó chịu khi phải gắn bó với những khoản tiền đã lập ngân sách. Và tôi biết, mình không phải là người duy nhất cảm thấy như vậy.

Tiết kiệm 30% thu nhập mà không cần lập ngân sách và đây là điều tôi đã làm - 1

Tự nhủ với bản thân rằng bạn không được phép chi thêm tiền cho quần áo hoặc ăn ngoài có thể giống như cảm giác bắt mình phải từ bỏ bánh kem hoặc trà sữa yêu thích.

Triệu phú tự thân David Bach viết trong cuốn “The Automatic Millionaire” (tạm dịch: “Triệu phú tự động”): “Đây chắc chắn là một ý tưởng có trách nhiệm nhưng cũng giống như nhiều chiến lược, nó đi ngược lại bản chất của con người”.

Trong cuốn sách của mình, Bach viết việc lập ngân sách có thể khiến bạn cảm thấy thiếu thốn như khi phải ăn kiêng vậy. Dù bạn biết rằng mục tiêu cuối cùng là sức khỏe của bản thân nhưng việc cắt giảm đường hoặc tinh bột chỉ khiến bạn càng muốn những thứ đó nhiều hơn. Và phần lớn thì chế độ ăn kiêng kết thúc bằng việc thứ trở lại như chưa từng bắt đầu, kèm thêm cảm giác tệ hại vì bản thân đã thất bại.

Tự nhủ với bản thân rằng bạn không được phép chi thêm tiền cho quần áo hoặc ăn ngoài có thể giống như cảm giác bắt mình phải từ bỏ bánh kem hoặc trà sữa yêu thích. Giống như ai đó phát ốm vì phải đếm calo, việc làm kia khiến bạn cũng phát ốm vì thiếu thốn tài chính.

Chính bởi lẽ đó, tôi đã từ bỏ việc lập ngân sách và bắt đầu theo dõi tài chính của mình theo cách ngược lại: tôi tính toán và trừ đi các chi phí cố định của mình trước, sau đó chi tiêu những gì còn lại. Lúc đầu tôi cảm thấy như có gì đó ngược ngược nhưng sự thật là nó đã phát huy hiệu quả. Mãi cho đến nhiều năm sau này, khi đọc cuốn sách của David Bach, tôi mới biết rằng đó là chiến lược đã có tên tuổi: “trả cho chính mình trước”.

Để đảm bảo rằng tôi không để lại cho bản thân quá ít để trang trải mọi chi phí, tôi nhìn chung là sẽ tuân theo quy tắc 50-30-20. Quy tắc này có nghĩa rằng 50% thu nhập của bạn dành cho nhu cầu thiết yếu, 30% dành cho chi tiêu tùy ý và 20 phần trăm hướng tới tiết kiệm. Lựa chọn hữu ích nhất mà tôi thực hiện để chi tiêu phù hợp với quy tắc này chính là tìm thuê một căn hộ có giá thuê không vượt quá 30% thu nhập hàng tháng.

Mặc dù quy tắc 50-30-20 rất hữu ích nhưng tôi không tuân theo nó một cách chính xác. Tôi luôn đảm bảo rằng mình không đặt quá 50% thu nhập cho những thứ cần thiết như tiền thuê nhà, tiền điện nước và các hóa đơn khác, nhưng với phần còn lại thì tôi đặt 30% cho tiết kiệm và 20% cho các chi phí tùy ý.

Tiết kiệm 30% thu nhập mà không cần lập ngân sách và đây là điều tôi đã làm - 2

Tôi coi số tiền cho tiết kiệm, đầu tư như một khoản chi phí cố định.

Giờ đây, tôi coi số tiền cho tiết kiệm, đầu tư như một khoản chi phí cố định vậy. Tôi không coi đó là khoản “có thì tốt, không có cũng chẳng sao”. Khi đã đưa ra được con số phù hợp với điều kiện của mình, tôi có thể tự do chi tiêu nó theo cách mình muốn. Tính linh hoạt này cho phép tôi tự do hơn trong việc điều chỉnh các ưu tiên của mình thay vì luôn lo lắng vì có thể mình đã bỏ qua hạng mục nào đó, bội chi ở phần nào đó.

Tôi có thể tiết kiệm một bữa ăn ngoài và bù đắp bằng một hoạt động giải trí nào đó vào cuối tuần như đi xem phim chẳng hạn. Nếu tôi có thể giảm tiền chi cho hàng tạp hóa, tôi có thể tự thưởng cho mình chiếc váy hoa. Miễn là tôi ở trong giới hạn của mình, không quan trọng đó là tôi đã giảm chi, tăng chi vào khoản nào.

Tôi không còn cảm thấy căng thẳng hay tội lỗi khi nhìn vào các phần trong ngân sách mà mình đã lập để xem liệu bản thân có theo sát chúng không. Bằng cách trả tiền cho bản thân trước, tôi đã tự buộc bản thân phải chi tiêu trong giới hạn nhưng làm gì trong ranh giới đó hoàn toàn tùy thuộc vào tôi và cảm giác ấy thật sự tuyệt vời.

Lương 6 triệu vẫn sống thoải mái, có trăm triệu tiết kiệm nhờ phương pháp 6 cái lọ
Nhiều bạn trẻ loay hoay với việc tiết kiệm và cho rằng lương thấp khi mới ra trường là điều thật tệ. Với tôi, điều này đã giúp mình học được cách chi...
Bảo Anh. (Theo CNBC)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bí quyết chi tiêu