Tôi còn biết tin ai trên cõi đời này?

Ngày 05/03/2014 00:00 AM (GMT+7)

Tôi không thể diễn tả được tâm trạng của mình khi An thú nhận đã lấy sổ hồng căn nhà của chúng tôi thế chấp vay ngân hàng.

Nếu như đứa cháu ruột của anh không gọi điện để hỏi tiền đóng tiền lãi ngân hàng thì tôi cũng không biết chồng mình đã dấm dúi làm chuyện tày trời.

“Anh hai hứa chỉ vay tạm mấy tháng để giải quyết nợ nần trước mắt... Em thông cảm, nếu không trả nợ thì người ta sẽ xiết nhà anh chị, tụi xã hội đen cũng không để anh hai yên”- An nói mà không dám nhìn thẳng mặt tôi. Hóa ra máu mủ, ruột rà của anh vẫn là trên hết. “Anh sợ người ta xiết nhà của anh chị anh, còn nhà của mẹ con em thì không phải là nhà chắc? Nếu anh hai không trả được nợ, anh liệu có trả nổi không?”- tôi nghẹn lời.

Trời ơi, An đã thế chấp nhà để vay nợ, rồi bây giờ, anh phải đóng tiền lãi hàng tháng vì ông anh quý hóa của anh không thể kiếm đâu ra tiền. Và để có tiền đóng tiền lãi ngân hàng, An đã gán nợ luôn chiếc xe của tôi. “Vậy sao anh hai không bán nhà của anh đi? Tại sao lại lấy nhà của tôi? Anh có biết là tôi căm ghét mấy người đó thấu xương không?”- tôi nói như hét.

Tôi còn biết tin ai trên cõi đời này? - 1
Tôi thực sự hụt hẫng khi biết chồng đã cắm sổ hồng căn nhà của chúng tôi (ảnh minh họa)

Khi nói những điều này, tôi bỗng nhớ lại tất cả những điều tồi tệ mà gia đình chồng đã cư xử với tôi. Khi An cưới tôi, không có ai trong nhà anh đồng ý. Họ chê cha tôi nghèo vì khi ấy anh chồng tôi đã là một người giàu nổi tiếng. Anh giàu nhờ lấy vợ giàu, nhờ lúc tranh tối tranh sáng giữa bao cấp và kinh tế thị trường nên móc nối với mấy công ty du lịch để nhập hàng xa xỉ, cao cấp, một vốn mười lời.

Lần đầu tiên An đưa tôi tới chào anh hai của mình, biết tôi là kỹ sư nông nghiệp, anh ta cười khảy: “Trồng lúa thì làm sao mà giàu? Bỏ nghề đi thì may ra...”. Tôi nhớ hôm đó tôi bị vấp té, xước cái móng chân, An lấy cái kềm cắt móng ở nhà ông anh cho tôi cắt chỗ móng chân bị xước. Tôi vừa cắt xong, anh ta sai người giúp việc lấy cái kềm vứt vào sọt rác với lý do: “Nhà này không quen xài chung đồ với người lạ”.

Lần khác, nhà anh chồng tôi có giỗ, cha tôi gởi lên một cặp gà để tôi đi cúng. Vừa thấy tôi xách cặp gà bước vô nhà, bà chị dâu đã nhăn mặt: “Nhà nghèo mà còn mua sắm làm chi cho tốn kém? Mà mọi thứ cũng đã làm xong, lát nữa thím cứ xách về cho chú sui ăn đi”. Nói vậy rồi tới khi tôi về, chị cho người giúp việc xách 2 con gà trả lại...

Những sự khinh miệt của họ thì nhiều vô kể và tôi không thể nào nhớ hết được. Nó như một thứ chất kích thích làm cho tôi cố gắng vươn lên để chứng tỏ cho họ thấy, chẳng cần họ, chúng tôi vẫn có thể sống đàng hoàng. Tôi đã nói được, làm được. 20 năm qua, tôi đã vắt hết tâm trí, sức lực của mình để chồng con có một cuộc sống đàng hoàng.

Tôi còn biết tin ai trên cõi đời này? - 2

Mỗi lần như vậy, tôi hay nhớ lại chuyện cũ. Những kỷ niệm buồn như những vết thương không bao giờ lành miệng, nếu có ai khơi gợi thì nó lại làm cho người ta đau đớn. (ảnh minh họa)

Nói không hề khoa trương: nhà cửa, xe cộ, con cái đi du học... tất cả là do tiền tôi làm ra chứ không phải An. Thế nhưng tôi chưa bao giờ tỏ vẻ mình là người nắm quyền sinh sát trong gia đình. Tôi vẫn để cho An có tiếng nói quyết định trong nhiều chuyện với điều kiện phải cho tôi biết tường tận mọi việc. Thế mà lần này, anh lại âm thầm làm một chuyện mà giờ đây, mẹ con tôi sắp sửa lãnh hậu quả, đúng hơn là sắp sửa bị tống cổ ra đường một khi ông anh chồng tôi không có tiền trả nợ, căn nhà bị phát mãi...

Việc làm ăn của anh chồng tôi thất bại, nợ nần, tôi có nghe nói nhưng vì tôi không quan tâm nên không hỏi. Với lại, tôi nghĩ tài sản của anh nhiều như vậy, có thua lỗ, nợ nần một ít cũng đâu có hề hấn gì... Mấy lần nghe An nói bóng gió, xa xôi, tôi bảo anh: “Em không muốn nghe, cũng không muốn dính líu tới nhà bên đó. Anh đừng có nhắc họ trước mặt em nữa nếu không muốn làm em bực mình”.

Mỗi lần như vậy, tôi hay nhớ lại chuyện cũ. Những kỷ niệm buồn như những vết thương không bao giờ lành miệng, nếu có ai khơi gợi thì nó lại làm cho người ta đau đớn. Bao nhiêu năm qua tôi đã nuốt hận vào lòng, cố quên, cố sống cho chồng, cho con. Tôi không muốn dây dưa với họ. Vậy mà giờ đây, chồng tôi lại lám lén lút lấy tài sản của tôi cho anh ruột của mình mà khả năng anh ta không trả nổi nợ đã hiển hiện trước mắt... Đã vậy, bà chị dâu của tôi còn đánh tiếng: “Làm gì mà dữ vậy? Có ăn một chút đã lên mặt. Coi chừng có ngày trời cũng hại cái thứ chảnh chọe...”.

Trời ơi, tôi mà chảnh chọe? Không phải tôi đã cố nhường nhịn chị ta mấy chục năm qua hay sao? Tôi không quên bất cứ việc làm nào của chị ta đối với tôi, nếu nói phải tính sổ thì tôi mới chính là người đòi nợ chị ta. Tôi đã muốn chạy qua bên đó, quậy một trận cho đục nước, đục cái...

Thế nhưng tôi lại quá mỏi mệt. Mấy hôm nay tôi cũng không nói chuyện với An. Trong lòng tôi giờ đây chỉ còn sự buồn giận, chán ghét. Tôi không ngờ có những lúc mình rơi vào trạng thái u u, mê mê như vậy.

Vợ chồng mấy chục năm mà người ta còn lừa dối mình thì thử hỏi tôi còn tin ai trên cõi đời này?

Theo Thanh Vân (Người Lao Động)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình