Tránh được 3 “bẫy” này khi đi mua sắm, giàu có là điều trong tầm tay

Nguyễn Hường - Ngày 06/09/2021 18:11 PM (GMT+7)

Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta rất dễ chi tiêu nhiều hơn dự định khi đi mua sắm. Việc hiểu cách thức các nhà bán lẻ sử dụng để khuyến khích khách hàng chi tiêu nhiều hơn sẽ giúp bạn đưa ra các lựa chọn thông minh hơn, tránh những “bẫy” tiêu dùng.

Những điều quan trọng

Mua hàng trả góp là một hình thức vay vốn. Sẽ có những khoản phí hoặc lệ phí trả chậm nếu bạn không thể trả đúng hạn, khiến số tiền bạn phải trả là đắt hơn.

Hãy dành thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua hàng. Điều này sẽ giúp bạn sẽ ít có khả năng mua những thứ không thực sự cần.

Cân nhắc kỹ trước khi quyết định thanh toán để tránh vì những khoản ưu đãi nhỏ mà chi thêm tiền lớn... 

Bạn bị “dụ” chi nhiều tiền hơn như thế nào?

Nhiều người trong chúng ta dễ bị lôi kéo bởi những quảng cáo rầm rộ về các sự kiện mua sắm, đặc biệt là những sự kiện như Ngày hội 6/6, 7//7... Dường như rất nhiều món hời đang chờ đợi chúng ta, nhưng có thực sự như vậy không?

Khiến bạn thấy mình có khả năng chi trả bằng cách mua trước, trả tiền sau

Tránh được 3 “bẫy” này khi đi mua sắm, giàu có là điều trong tầm tay - 1

Các gói thanh toán trả góp hoặc mua trước trả tiền sau khiến khách hàng dễ cảm thấy như số tiền đắt đỏ đó phù hợp với túi tiền của mình, trong khả năng thanh toán khi được chia làm các đợt. Thay vì trả ngay 1.200 đô la cho một chiếc điện thoại di động, việc trả 400 đô la mỗi lần trong 3 lần trả góp dường như hấp dẫn hơn đối với nhiều người.

Về cơ bản, trả góp không phải là xấu. Trên thực tế, hầu hết chúng ta đều trả góp vào một thời điểm nào đó trong đời, chẳng hạn như việc mua nhà. Điều quan trọng ở đây là giữ cho việc mua hàng của bạn nằm trong khả năng chi trả thay vì gia tăng chi tiêu chỉ vì nghĩ rằng mình có thể trả sau.

Bạn có thể phải trả một khoản phí nào đó khi bỏ lỡ bất kỳ thanh toán nào. Trừ khi bạn chắc chắn rằng mình có thể và sẽ trả nợ đúng hạn, tốt hơn hết là bạn nên tránh dựa dẫm vào những chương trình trả góp, trả sau này, đặc biệt nếu bạn có xu hướng tiêu xài hoang phí. Trước khi nhận ra điều đó, ạn có thể đã tiêu tốn quá nhiều vì trả góp.

Một cuộc khảo sát năm 2020 tại Singapore cho thấy 27% số người được hỏi thừa nhận rằng họ thường đưa ra các quyết định tài chính tệ hơn khi có các chương trình “mua trước, trả sau”. Sai lầm đầu tiên là mua hàng một cách nóng vội và tiếp sau đó là có thể mua một thứ đắt hơn giá trị thực.

Quy tắc chung cho việc mua sắm là hãy dành thời gian để tự hỏi bản thân rằng:

Bạn có thực sự cần mặt hàng đó hay muốn nó?

Bạn có sẵn sàng và có thể trả ngay tiền trong 1 lần thay vì chọn trả góp không?

Chi phí thực sự của việc trả góp là bao nhiêu? Khả năng bạn có thể trả đúng hạn chứ? Bạn có phải trả thêm chi phí khi lỡ kỳ thanh toán không?

Thông thường, khi bạn rời khỏi cửa hàng hoặc trang web mua sắm và cho bản thân vài ngày suy nghĩ trước khi quyết định, bạn sẽ có câu trả lời rõ ràng.

“Săn mồi” dựa trên tâm lý sợ bỏ lỡ

Tránh được 3 “bẫy” này khi đi mua sắm, giàu có là điều trong tầm tay - 2

Khi mua sắm trực tuyến, nhiều người phải đối mặt với sự cám dỗ để chi nhiều tiền hơn. Các nền tảng thương mại điện tử thường có chương trình bán hàng trong thời gian ngắn cùng với thông báo như: “3 khách hàng khác đang xem mặt hàng này ngay bây giờ” hoặc “chỉ còn 4 sản phẩm”.

Với áp lực về thời gian và nỗi sợ hãi bỏ lỡ thứ gì đó (hoặc FOMO - Fear of Missing Out, tạm dịch: hội chứng sợ bỏ lỡ), chúng ta thường cảm thấy mình đang đứng trước những món hời, có thể bỏ lỡ cơ hội hiếm có.

Một cách đơn giản giúp bạn tránh việc hành động vội vàng chính là không sử dụng địa chỉ e-mail chính cho các tài khoản mua sắm; lập một e-mail riêng cho các chương trình tiếp thị và không liên kết tài khoản này với ứng dụng e-mail trên máy của bạn. Bằng cách này, bạn sẽ không bị làm phiền bởi những quảng cáo khiến bạn nóng vội chi tiền.

Sẽ tốt hơn khi bạn dành thời gian nghiên cứu khi để mắt đến sản phẩm nào đó. Hãy so sánh giá giữa các nhà bán lẻ và theo dõi giá cả trong một khoảng thời gian. Bạn có thể thấy rằng các sự kiện mua sắm quy mô lớn thường không giúp bạn tiết kiệm một khoản không đáng kể.

Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ thường dựa vào hoạt động trên internet của bạn để đẩy các sản phẩm tương tự hoặc bổ sung theo nhu cầu của bạn. Bạn có thể gỡ các ứng dụng mua sắm hoặc bật tính năng riêng tư, ẩn danh trên trình duyệt của bạn khi bạn mua sắm trực tuyến để tránh bị cám dỗ.

Đánh vào tâm lý tiết kiệm khoản bé

Tránh được 3 “bẫy” này khi đi mua sắm, giàu có là điều trong tầm tay - 3

Bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao các cửa hàng thường có 3 kích cỡ bỏng ngô, nước uống hoặc khoai tây chiên chưa? Sự thật là nhà sản xuất không quan tâm nhiều đến các khẩu vị khác nhau. Sự lựa chọn về kích thước trung bình được đưa ra thường là để làm mồi nhử, khiến bạn thấy việc mua cỡ lớn với giá đắt hơn một chút dường như rất đáng đồng tiền.

Chương trình giao hàng miễn phí với một giao dịch mua tối thiểu cũng sử dụng thủ thuật tương tự. Để có thể được hưởng chương trình giao hàng miễn phí hoặc nhận phần quà nào đó, chúng ta phải chọn thêm nhiều mặt hàng bổ sung (là những thứ vốn dĩ bạn không cần đến) để thêm vào giỏ hàng của mình. Những sản phẩm bổ sung (không cần thiết) đó thậm chí có thể có giá cao hơn mức miễn phí hoặc chiết khấu mà bạn nhận được.

Cách chi tiêu thông minh ở đây chính là hãy lập danh sách mua sắm. Việc này có thể giúp bạn tránh xa những phiền nhiễu kia, tập trung vào những sản phẩm mình thực sự cần thiết. Khi mua sắm trực tuyến, hãy xem lại giỏ hàng của mình trước khi thanh toán. Liệu tất cả sản phẩm trong đó có thực sự cần thiết với bạn? Bạn có chắc chắn cần muốn mua tất cả các mặt hàng đó không?

2 mẹo tiết kiệm tiền hiệu quả mà nhiều người vẫn bỏ qua
Tiết kiệm tiền một cách nhất quán là chìa khóa để bạn đạt được bất kỳ kế hoạch tài chính nào với mục tiêu dài hạn. Khi biết rõ tiền của mình đang đi đâu, bạn sẽ điều chỉnh chi tiêu tốt hơn và lập ngân sách cho những hoạt động yêu thích sẽ giúp bạn hạn chế

Bí quyết chi tiêu

Nguyễn Hường (Theo moneysense)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bí quyết chi tiêu