Vợ chồng "điên đầu" tìm cách lì xì thế nào cho độc mà lại không hoang phí

Ngày 27/01/2017 11:00 AM (GMT+7)

Năm mới Tết đến, nhà nhà nô nức mua sắm rồi tính toán Tết nay lì xì bao nhiêu cho nội ngoại con cháu. Năm nào, các anh chị em cũng hào hứng bàn với nhau lì xì kiểu nào cho độc đáo, mới lạ.

Tôi vẫn nhớ năm ngoái, có một chị làm cùng cơ quan kể chuyện lì xì Tết mà cười không ngậm được miệng vì sự thông minh của ông chồng. Chị bảo cả nhà đi Tết nội ngoại, cháu con đủ cả. Ngồi cùng một bàn tiệc, các chú các bác cứ móc bao lì xì ra tặng con cháu và cũng tiện thể hiện bản thân mình.

Tiền lì xì ai nhiều hơn thì lại được dịp nở mày nở mặt với dòng họ. Đàn ông trọng hư vinh, tự tôn không cho phép bản thân thua thiệt người khác nên gặp đứa cháu nào cũng phải móc hầu bao thì rõ ràng sau Tết cháy túi là việc không tránh khỏi.

Chồng chị ấy cũng bậc bề trên, nếu làm không khéo thì lại phải bị xấu mặt. Thế rồi nhân dịp đang dùng tiệc, thấy người bán vé số đi ngang thì gọi vào. Anh chồng mua hết cả lố rồi tặng mỗi người một tờ xem như lì xì lấy hên. Các chú các bác thấy thế lại cười ha hả lấy làm vui. Nếu may mắn thì trúng số tiền lớn, còn không được thì xem như số mình chưa tới. Chị cũng hài lòng, mà anh chồng cũng đỡ được một khoản phải chi.

Vợ chồng amp;#34;điên đầuamp;#34; tìm cách lì xì thế nào cho độc mà lại không hoang phí - 1

Đối với trẻ con, ngày xuân chỉ cần vui vẻ và hào hứng là xem như đã được một cái Tết trọn vẹn. (Ảnh minh họa)

Năm nay xuất hiện vé số Vietlot trúng lên hàng chục tỉ. Chị lại ngồi bàn bạc, tính toán, cả cơ quan hồ hởi hưởng ứng nhiệt liệt và xem như một cách “né” lì xì và nhẹ hầu bao.

Lại nói tiếp chuyện lì xì năm mới. Tôi có một anh bạn tính tình khá hài hước. Thích bày trò để cả làng vui vẻ. Đối với chuyện lì xì trẻ nhỏ, anh cũng thích tạo niềm vui hơn là xem trọng chuyện tiền bạc. Cách anh làm chỉ dành riêng cho các cháu nhỏ chứ người lớn thì không nên làm.

Số là vợ chồng anh ấy Tết đến hay đổi nhiều tờ tiền mới toanh mệnh giá lớn nhỏ đủ cả. Hai vợ chồng anh ấy thích bỏ tiền đủ mệnh giá vào bao lì xì rồi treo lên cây mai trước cửa. Đứa cháu nào đến, chúc Tết xong sẽ được đi “hái lộc”. Cả cây mai đầy bao lì xì đỏ tươi, đứa thấp thì lấy bao thấp, đứa cao thì lấy trên cao. Nhận được “lộc” mà cả bọn cười híp cả mắt vì vui và thú vị. Đối với trẻ con, ngày xuân chỉ cần vui vẻ và hào hứng là xem như đã được một cái Tết trọn vẹn.

Trẻ nhỏ có phần của trẻ nhỏ, người lớn cũng có phần của người lớn. Dù rằng không trực tiếp “lì xì” nhưng một năm cũng nên gửi biếu ba mẹ hai bên chút tiền đón Tết. Nhà chồng tôi thì khá đông anh chị em, đa phần đều bận rộn cuối năm, chỉ biết gửi tiền mặt để ba mẹ tùy nghi mua sắm. Lâu lâu lại nghe hỏi kiểu “Vợ chồng thằng út biếu mẹ bao nhiêu ăn Tết?” hay “Năm nay, anh chị cả sắm sửa gì cho ba mẹ chưa?”… Nghe thì đơn giản nhưng trong lời nói là cả một sự so sánh và ghen tỵ.

Vợ chồng amp;#34;điên đầuamp;#34; tìm cách lì xì thế nào cho độc mà lại không hoang phí - 2

Đừng để gánh nặng chi phí cho việc lì xì đè nặng túi tiền của gia đình bạn trong dịp năm mới sắp tới nhé! (Ảnh minh họa)

Vợ chồng tôi ở xa nên cuối năm về nhà cũng không biết mua sắm thế nào cho phù hợp, gửi tiền thì lại bị bảo “không biết lo việc trong nhà”. May sao chồng tôi ở cơ quan nghe được các đồng nghiệp thường mua phiếu quà tặng để tặng bà con nội ngoại.

Loại phiếu mà các siêu thị, trung tâm thương mại tung ra để các chú các bác dễ “kính biếu” nhau. Vừa tiện vừa lợi nên nhân dịp gần Tết, tôi về nhà biếu mẹ chồng trước. Mẹ chồng tôi thấy hình thức bắt mắt lại lạ, bèn kéo các cô dì cùng đi siêu thị tha hồ lựa chọn. Mọi người khen con dâu khéo lo cho mẹ chồng, dù không trực tiếp đi mua sắm đồ nhưng mẹ chồng tôi vẫn rất thích và hài lòng.

Còn nhiều kiểu lì xì năm mới mà mọi người có thể thử. Nhưng dù là hình thức nào thì cũng hãy biến việc lì xì trở nên nhẹ nhàng và thú vị. Đừng để gánh nặng chi phí cho việc lì xì đè nặng túi tiền của gia đình bạn trong dịp năm mới sắp tới nhé!

Lam Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình