Vì sao cần lồng ghép giới vào giáo dục mầm non?

Nhóm PV - Ngày 06/05/2021 17:18 PM (GMT+7)

Giáo dục trẻ từ những năm đầu đời – vào thời điểm não bộ và nhận thức xã hội của trẻ phát triển nhanh chóng – là nền tảng thiết yếu cho cách tiếp cận bền vững nhằm giảm thiểu định kiến giới.

Sự cần thiết của việc lồng ghép giới vào giáo dục mầm non

Khuôn mẫu giới là những mẫu hình, giá trị, niềm tin định sẵn, quy định những đặc điểm điển hình của nam và nữ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, giáo dục trẻ dựa trên khuôn mẫu giới là khởi nguồn của những định kiến giới, đóng khung tính cách, cách hành xử và các lựa chọn của trẻ trai và trẻ gái, hạn chế sự tự do thể hiện bản thân, cũng như cơ hội phát triển năng lực của trẻ sau này.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vấn đề bất bình đẳng giới trong xã hội, điển hình là bạo lực trên cơ sở giới, phân biệt đối xử trong gia đình, hay khoảng cách giới trong lao động.

Chính vì thế, mục tiêu số 4 và số 5 trong Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc tại Việt Nam hướng đến tiếp cận bình đẳng giới trong giáo dục cho cả trẻ trai và trẻ gái, chấm dứt mọi phân biệt đối xử trên cơ sở giới. Theo đó, việc tạo ra một môi trường có đáp ứng giới trong giáo dục trẻ từ những năm đầu đời – vào thời điểm não bộ và nhận thức xã hội của trẻ phát triển nhanh chóng – là nền tảng thiết yếu cho cách tiếp cận bền vững nhằm giảm thiểu định kiến giới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực cho xã hội.

Vì sao cần lồng ghép giới vào giáo dục mầm non? - 1

Bé trai và bé gái cần được đối xử công bằng và tôn trọng như nhau

Với mục tiêu góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến giới bằng hình thức học thông qua chơi trong trường học, dự án "Giáo dục mầm non quan tâm đến giới" đã được xây dựng và trải qua 3 năm triển khai. Dự án do Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật Vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ (gọi tắt là VVOB) và Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Kon Tum tổ chức thực hiện.

Dự án hướng tới cung cấp giáo dục toàn diện cho trẻ trai và trẻ gái, tôn trọng sở thích của trẻ bất kể giới tính, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới bằng cách gỡ bỏ các khuôn mẫu về giới, đồng thời khuyến khích sự tham gia của cha mẹ, đặc biệt là người cha trong quá trình giáo dục con ở tuổi mầm non.

Qua 3 năm thực hiện, dự án đã đạt được nhiều kết quả khả quan, giúp thay đổi nhận thức về giới và nâng cao chất lượng môi trường dạy và học ở các địa phương thực hiện. Cụ thể:

* Bé trai và bé gái được đối xử công bằng và tôn trọng như nhau trong việc lựa chọn sở thích 

* Phụ huynh nam tự tin, cởi mở hơn khi trao đổi với cô giáo về việc chăm sóc con cái 

* Phụ huynh nam bày tỏ sự quan tâm hơn trong việc chăm sóc con cái Phụ huynh nam bắt đầu thay đổi những thói quen hàng ngày bằng cách chia sẻ công việc nhà 

* Có sự thay đổi đáng kể về kiến thức và thái độ của phụ huynh trong thực hành giáo dục có đáp ứng giới và sự quan trọng của bình đẳng giới 

* Có sự tham gia của phụ huynh ở mức độ cao trong việc thực hành giáo dục có đáp ứng giới 

Đặc biệt, nhiều trẻ em tham gia dự án thể hiện sự thay đổi tích cực, cụ thể như:

* Bé trai và bé gái được tự do trong chọn đồ chơi và khu vực chơi yêu thích Bé trai và bé gái đều hào hứng và tham gia vào các hoạt động 

* Các bé tương tác một cách tự nhiên và hài hoà hơn, cả bé trai và bé gái đều được tham gia các trò chơi như nhau 

* Các bé giao tiếp thoải mái và tự tin hơn 

* Các bé mạnh dạn chia sẻ về những nghề nghiệp mơ ước trong tương lai 

* Các bé cảm thấy hạnh phúc khi được quan tâm chăm sóc và vui đùa với cả ba và mẹ  

"Trẻ nhỏ hình thành các khái niệm về giới bằng cách nhìn vào các khuôn mẫu mà người lớn thể hiện"

Ông Wouter Boesman, Giám đốc Chương trình Quốc gia - Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật Vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ (gọi tắt là VVOB), cho biết: “Các vấn đề liên quan đến giới trong giáo dục mầm non là một chủ đề khó, vì đa số mọi người đều nghĩ rằng trẻ mầm non thì còn quá nhỏ để có thể hiểu được. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các khái niệm về giới được hình thành từ rất sớm, và trẻ nhỏ hình thành các khái niệm về giới bằng cách nhìn vào các khuôn mẫu giới mà người lớn thể hiện trong cuộc sống hằng ngày.

Ví dụ cụ thể như nếu giáo viên hoặc phụ huynh thể hiện các khuôn mẫu giới và trẻ nhỏ lặp lại những khuôn mẫu này thì điều này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ, và đó cũng là điều mà VVOB mong muốn xóa bỏ trong giáo dục mầm non.”

Vì sao cần lồng ghép giới vào giáo dục mầm non? - 2

Wouter Boesman, Giám đốc Chương trình Quốc gia, Tổ chức VVOB

Bà Hà Thị Thu Hương, Quản lý Chương trình Giáo dục mầm non tại VVOB nói về dự án: “Chúng tôi tiếp cận các vấn đề về giới với phương pháp học thông qua chơi, cách tiếp cận này giúp giáo viên dễ dàng truyền tải các khái niệm về giới tới trẻ mầm non, cũng như thay đổi cách trang trí và bài trí lớp vốn có các khuôn mẫu giới. Việc loại bỏ các khuôn mẫu giới này cũng đồng nghĩa loại bỏ các yếu tố cản trở trẻ nhỏ phát triển hết tiềm năng của mình”.

Cô Trần Thị Tài, một trong những giáo viên tại tỉnh Quảng Nam tham gia dự án "Giáo dục mầm non quan tâm đến giới", chia sẻ: “Sau khi được tập huấn, tôi quan sát và nhận thấy trẻ thường theo khuôn mẫu giới do sự tác động của gia đình,xã hội, và bản thân giáo viên chưa thực hiện giáo dục có đáp ứng giới. Khi ứng dụng Bộ công cụ Học thông qua chơi có đáp ứng giới, chúng tôi đã thay đổi cách tiếp cận, từ cách trang trí trong lớp học cho đến sắp xếp các hoạt động vui chơi trong lớp đều đã được lưu ý để tạo nên không gian cởi mở cho cả bé trai và bé gái đều có thể tham gia.

Trong giao tiếp, chúng tôi cũng sử dụng những từ ngữ trung lập về giới tính để gọi chung các bé trai và bé gái, tránh những từ ngữ mang nghĩa định kiến giới mà trước đó thường sử dụng. Bên cạnh đó, các hoạt động gắn kết nhà trường và gia đình cũng góp phần quan trọng trong việc thay đổi định kiến về giới.”

Vì sao cần lồng ghép giới vào giáo dục mầm non? - 3

Sau một thời gian tuyên truyền, đã có sự thay đổi đáng kể về kiến thức và thái độ của phụ huynh trong thực hành giáo dục có đáp ứng giới và sự quan trọng của bình đẳng giới. Cụ thể, phụ huynh nam quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc con cái, tôn trọng sở thích của cả bé trai và bé gái và biết san sẻ công việc nhà cùng các thành viên trong gia đình.

Ở chiều ngược lại, trẻ em cảm thấy hạnh phúc hơn khi nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cả ba và mẹ trong học tập và vui chơi. Các bé cũng mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp với các bạn cùng lớp, thể hiện sở thích của bản thân và hào hứng tham gia vào tất cả hoạt động do thầy cô gợi ý.

Với những kết quả tích cực ban đầu, dự án đã được các Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương tạo môi trường để lan toả đến 153 trường mầm non thuộc 15 huyện tại hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, qua đó 1.831 cán bộ và giáo viên đã được nâng cao năng lực thông qua các hoạt động đào tạo của GENTLE, hơn 32.229 trẻ em được học tập trong môi trường học thông qua chơi có đáp ứng giới. Phương pháp học thông qua chơi có đáp ứng giới cũng được nhân rộng ra tỉnh Kon Tum với sự tài trợ của Vương Quốc Bỉ.

Ngày 6/5, Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật Vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển tổ chức Hội nghị chuyên đề "Học thông qua chơi có đáp ứng giới trong các cơ sở giáo dục mầm non". Hội nghị được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm và kết quả đạt được từ hai dự án “Giáo dục mầm non quan tâm đến giới”, và “Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống”.

Tham gia hội nghị có Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED), tổ chức VVOB, đại diện Bộ giáo dục & Đào tạo Việt Nam, đại diện Viện khoa học giáo dục Việt Nam, cùng cán bộ Sở, Phòng Giáo dục & Đào tạo, lãnh đạo giáo viên các trường mầm non đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Kon Tum và các tổ chức quốc tế, trong nước hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non và giới.

Nhóm PV
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giáo dục