10 hiện tượng kỳ lạ ở trẻ sinh ngỡ là bệnh lý nhưng thực chất hoàn toàn bình thường

Ngày 13/08/2017 16:01 PM (GMT+7)

Bé bị ra máu trong tã, thường xuyên giật mình hay đi phân lỏng,... không phải vấn đề gì cả mà chỉ là hiện tượng bình thường ở trẻ sơ sinh.

1. Những vảy vàng/ nâu trên da đầu

Dân gian còn gọi với cái tên dân dã hơn là “phân trâu”, những mảng vàng/ nâu trên da đầu là điều hết sức phổ biến ở trẻ sơ sinh. Thông thường, các vảy vàng này có thể biến mất trong những tháng đầu đời của trẻ. Tuy nhiên, vẫn có một vài trường hợp kéo dài hơn, đến khoảng 1-2 năm. Mặc dù đây là dấu hiệu hết sức bình thường ở trẻ mới sinh nhưng mẹ nên chú ý khi những vảy vàng/nâu này lan rộng ra khỏi khu vực phần đầu của đứa bé, hoặc tiến triển nghiêm trọng hơn.

2. Đi ngoài phân lỏng

Nhiều người có thể lo lắng khi thấy con thường xuyên đi phân lỏng, tuy nhiên, bác sĩ nhi khoa Levine cho biết, tình trạng này là hết sức bình thường bởi lẽ phân trẻ sơ sinh thường ở dạng lỏng với những hạt màu vàng nhỏ. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần chú ý đến màu phân. Màu phân khỏe mạnh thông thường từ nâu, xanh đến vàng với một vài hạt vàng nhỏ. Khi phân xuất hiện máu kèm phân, bạn nên đến gặp bác sĩ nhi khoa.

3. Ngực sưng phù

Những nội tiết tố hành hạ bạn suốt cả thai kì cũng có những ảnh hưởng nhất định đối với đứa trẻ. Một trong số những hiệu ứng phụ của việc ở trong bụng mẹ suốt chín tháng là vùng ngực bé sưng lớn. Tác động của các nội tiết tố trong cơ thể bạn có thể khiến các tế bào ngực của bé phát triển và phải mất một thời gian các nội tiết tố này mới biến mất. Tuy nhiên, khi bạn phát hiện những vùng đỏ xung quanh ngực của bé, bạn cần kiểm tra nhiệt độ cơ thể của bé ngay để xem liệu rằng những vùng ban đỏ ấy có phải là dấu hiệu của một cơn sốt không.

4. Những tiếng rên rỉ lạ lùng

Ngoài những tiếng khóc, bạn còn có thể nghe được rất nhiều âm thanh lạ lùng khác từ bé sơ sinh. Có thể đó là tiếng thở dài, rên rỉ, khịt mũi và vô vàn các âm thành kì cục khác. Bác sĩ Levine giải thích rằng, tất cả những tiếng ồn đó là do đường dẫn mũi của bé còn khá hẹp trong giai đoạn sơ sinh, khiến chất nhầy bị kẹt trong khoang mũi. Vì thế, bạn nên dành nhiều thời gian làm sạch mũi cho bé hơn bằng việc sử dụng các máy làm sạch mũi, hay hút chất nhầy trong mũi cho bé. Tuy nhiên, nếu bạn thấy bé bắt đầu thở khò khè thì nên đưa bé đến bệnh viện kiểm tra.

10 hiện tượng kỳ lạ ở trẻ sinh ngỡ là bệnh lý nhưng thực chất hoàn toàn bình thường - 1

Bé thường xuyên tạo âm thanh lạ là do mũi chưa thông hết. (Ảnh minh họa)

5. Liên tục hắt xì

Trẻ sơ sinh lạ lẫm với toàn bộ thế giới bên ngoài. Do đó, những đứa trẻ thường rất nhạy cảm với nhiều thứ và hắt xì khá nhiều. Đây không phải là dấu hiệu ốm mà chỉ đơn giản là biểu hiện đứa bé đang cố loại bỏ những hạt nhỏ xâm nhập vào mũi của mình. Đôi khi, thay đổi ánh sáng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hắt hơi của trẻ. Những nguyên nhân gây hắt hơi phổ biến khác ở trẻ là bé đang cố gắng loại bỏ chất nhờn hoặc nước ối còn sót lại trong đường hô hấp. Tuy nhiên, khi trẻ hắt xì kèm với tiếng thở khò khè, bạn nên đưa bé đến bác sĩ nhi khoa để kiểm tra liệu rằng đó có phải là dấu hiệu của dị ứng hay những căn bệnh khác cần điều trị.

6. Thường xuyên giật mình

Trong một vài tháng đầu tiên, đứa bé có thể phải trải qua một số thay đổi trong sự phát triển của mình, bao gồm cả việc xuất hiện phản xạ giật mình, hay còn gọi là phản xạ Moro. Bạn có thể thấy phản xạ này xuất hiện bất thình lình, hoặc có thể xuất hiện khi bé nghe được tiếng động mạnh. Tuy nhiên, những phản xạ này sẽ ổn định dần khi bé 3 đến 4 tháng tuổi. Thậm chí, nếu con bạn không có dấu hiệu giật mình, nhất là khi nghe đến những tiếng động lớn, bạn nên xin ý kiến từ bác sĩ.

7. Hình dáng đầu kì lạ

Do đầu bé còn khá mềm khi mới sinh, nên việc chui qua xương chậu của mẹ khi ra đời có thể khiến xương sọ biến dạng, bị bẹt đi. Tình trạng này cũng có thể bị gây ra do việc gối đầu lên mặt phẳng thường xuyên. Để đầu bé phát triển bình thường, mẹ chỉ cần đặt con ngủ trên bụng, không để con nằm lâu trên một mặt phẳng.

10 hiện tượng kỳ lạ ở trẻ sinh ngỡ là bệnh lý nhưng thực chất hoàn toàn bình thường - 2

Mẹ ôm bé, cho bé nằm trên ngực hoặc gối khăn sẽ giúp đầu bé không bị bẹp. (Ảnh minh họa)

8. Sưng bộ phận sinh dục

Các bậc cha mẹ có thể thấy rằng con mình có bộ phận sinh dục lớn hơn so với dự đoán, đặc biệt là bé trai. Đó là do đứa bé bị ảnh hưởng bởi sự tác động của nội tiết tố tại vùng bụng của mẹ trước khi sinh. Hoặc cũng có thể do sự tích tụ của chất lỏng quanh tinh hoàn của đứa trẻ. Tương tự, các bé gái cũng có thể xuất hiện tình trạng sưng phù bộ phận sinh dục trong một vài ngày sau khi sinh. Mọi thứ sẽ trở lại bình thường sau vài ngày.

9. Xuất hiện máu trong tã

Khi phát hiện vết máu trong tã, các bậc cha mẹ có thể sẽ hoảng hốt, tuy nhiên, đây không phải lúc nào cũng là dấu hiệu nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này mà toàn bộ số đó đều là những nguyên nhân tạm thời. Nếu bạn mới sinh một bé gái, đứa bé có thể xuất hiện một vài hiệu ứng phụ do tác động của nội tiết tố của mẹ qua nhau thai, khiến đứa bé xuất hiện một vài “chu kì kinh nguyệt nhỏ”. Những nguyên nhân tiềm ẩn khác có thể kể đến là vận động đường ruột đặc biệt gây ra vết mờ xước nhỏ trên đường ra hoặc bé trai vừa cắt bao quy đầu,...

10. Lác mắt

Trong thời gian đầu sau khi mới sinh, đứa bé vẫn đang cố phân loại những khả năng mới của mình, bao gồm các giác quan như thị giác. Vì thế, bé sẽ mất một thời gian tập làm quen và kiểm soát các cơ mắt và tập cách tập trung ánh nhìn. Đôi khi, những bé mới sinh có thể trông giống như trường hợp bị lác mắt dù thực tế chúng không như vậy. Phần cầu rộng của mũi, các nếp gấp da có thể che lấp một phần lòng trắng của mắt, tạo ra ảo giác quang học gọi là giả mạc. Vì thế, khi thấy tình trạng này, bạn cần lại gần và quan sát kĩ hơn để chắc rằng mắt bé vận động đúng. Nếu mắt bé vẫn lác sau 6 tháng đầu tiên thì bố mẹ mới cần lo lắng. 

10 hiện tượng kỳ lạ ở trẻ sinh ngỡ là bệnh lý nhưng thực chất hoàn toàn bình thường - 3

"Không phải con bị lác đâu mẹ, chỉ là con chưa quen kiểm soát mắt thôi". (Ảnh minh họa)

Nam Phương (Dịch từ The Bump)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sự phát triển của bé sơ sinh