4 sai lầm tai hại khi dạy con

Ngày 05/02/2013 11:11 AM (GMT+7)

Có một số lỗi phổ biến mà hầu hết các bậc phụ huynh đều mắc phải khi dạy con.

Nuôi dạy con nên người luôn là nỗi trăn trở của bất kỳ bậc cha mẹ nào. Mỗi người cha, người mẹ có một bí quyết riêng với những ưu điểm và hạn chế khác nhau. Tuy nhiên, có một số sai lầm phổ biến mà hầu hết các bậc phụ huynh đều mắc phải trong quá trình nuôi dạy con.

1.    Trêu con quá đà

Bé Nhím (6 tuổi) rất thích hát, đặc biệt là bài “Inh lả ơi”. Thế nhưng mỗi lần bé cất tiếng hát thì anh Hoàng – bố bé lại phá lên cười châm chọc ‘Lại inh ỏi ơi hả con?’ Inh ỏi quá, inh ỏi quá…” khiến bé Nhím buồn lắm.

Bẵng đi mấy ngày không thấy cô con gái 'rượu' véo von ca hát như mọi ngày, anh Hoàng thấy nhớ, nhắc khéo con "Sao dạo này con không inh ỏi nữa à?" - "Bố toàn cười mỗi lần con hát, con xấu hổ lắm", cô bé lạnh lùng đáp lời khiến ăn Hoàng 'đơ' mất mấy giây. Chạy theo con phân bua, nịnh nọt rằng bố chỉ trêu thôi, con bố hát hay nhất, tuyệt nhất... nhưng bé Nhím vẫn ngúng nguỷnh.

Đôi khi người lớn nghĩ, chỉ đùa với trẻ một chút cho vui, cùng lắm là trẻ khóc òa một lúc là lại cười. Thực tế, trẻ con rất dễ bị tổn thương. Những lời trêu đùa thái quá dễ làm trẻ mất niềm tin ở cha mẹ.

Không nói đến 6, 7 tuổi mà ngay cả độ tuổi lên 3, 4 trẻ đã hiểu dần về thế giới xung quanh, những thông tin đầu tiên mà bé tiếp nhận được là rất quan trọng. Nếu người lớn đùa cợt, chế giễu sai chỗ sẽ khiến trẻ chẳng biết thật giả thế nào, mất niềm tin vào người lớn, tự ti với bản thân.

4 sai lầm tai hại khi dạy con - 1
Phạt con không đúng tội là sai lầm phổ biến của cha mẹ khi dạy con (Ảnh minh họa).

2.    Đem con ra so sánh

Cu Bin con trai chị Thoa (Giáp Bát, Hà Nội) không được thông minh, nhanh nhẹn như bạn bè cùng trang lứa. Bé thuộc top trẻ 'cần cù bù khả năng' nên thứ hạng và bảng điểm của bé không cũng chỉ 'tàng tàng'. Mỗi lần nhìn con vò đầu, bứt tai với một bài toán đố, chị lại lắc đầu và khẽ so sánh với bé T.A (con hàng xóm nhà chị). "Cũng ngần ấy tuổi, học cùng lớp... mà sao con người ta thì lanh lẹ còn con mình chậm thế!", chị Thoa thở than.

So sánh con là sai lầm rất phổ biến của các bậc cha mẹ. Những cách so sánh như ‘Con nhà ông A học giỏi lại ngoan ngoãn, còn con mình thì…”, hay ‘Ngày xưa bố mẹ khó khăn đủ đường mà vẫn học giỏi, giờ các con có điều kiện mà không chịu học”… thực sự không làm trẻ tiến bộ. Ngược lại, chúng sẽ mặc cảm mình thua kém và trở nên lì lợm, bướng bỉnh hơn.

3.    Phạt con mà không xem xét cẩn thận

Nghe tiếng 'choang' từ phòng khách vọng lại, chị Bảo Hòa sấp ngửa chạy lên xem thì thấy cu Bin và Bo đang đứng dúm dó cạnh chiếc ghế sofa, mặt trắng bệch đầy sợ hãi. 'Nóng mặt', chị quát: "Bin, lại là trò nghịch của con đúng không?" - "Con với em Bo đang chơi, em Bo gạt tay vào lọ hoa của mẹ...", cu Bin ấp úng giải thích. Nhưng lúc này, lời nói của con đâu còn có cơ hội lọt vào tai mẹ khi mà chị đang bận 'khóc thương' lọ hoa quý mới mua từ nước ngoài...

Trẻ con rất năng động và nghịch ngợm nên chuyện có vài vật đổ vỡ hay có vài lời phàn nàn từ các vị phụ huynh khác là rất đỗi bình thường. Để nuôi dạy con, cha mẹ cần một lối suy xét cẩn trọng. Nếu trẻ có lỗi, hãy tìm hiểu kỹ nguyên nhân thay vì vội vàng la mắng, phạt đòn.

Ngoài ra, đừng có lúc nào cũng chụp mũ cho con kiểu: “Con luôn là đứa vội vàng ẩu thả”, “con thật đãng trí, suốt ngày đánh mất đồ…”. Hãy lắng nghe ý kiến của con trước khi mắng mỏ hay buông lời nhận xét.

4.    Nói dối khi trẻ đòi mua thứ gì đó

Các chuyên gia tâm lý trẻ em đã thống kê rằng, một bé có thể đòi hỏi hơn 100 thứ mỗi ngày với cha mẹ mình. Phụ huynh vì muốn bé chấm dứt đòi hỏi ngay lập tức thường trả lời ngay là: “Mẹ không có đủ tiền” hoặc “Mẹ không đủ khả năng mua thứ này đâu. Nhà mình nghèo lắm”. Khi đó bé sẽ thôi không vòi vĩnh, còn mẹ cũng nhẹ nhõm vì giải tỏa được áp lực.

Tuy nhiên những lời nói dối tưởng như vô hại này về lâu dài lại không có hiệu quả giáo dục với bé. Khi lớn hơn bé có thể biết là cha mẹ luôn có tiền, đủ điều kiện kinh tế chứ không phải không có tiền. Bởi vậy khi con đòi mua thứ gì đó mà cha mẹ muốn từ chối, hãy trung thực và đơn giản trả lời bé: “Mẹ có tiền đây nhưng mẹ không thể mua món đồ chơi này cho con. Nó quá đắt” hoặc “Mẹ còn tiền nhưng tiền này để mua rau, mua thịt, mua sữa... nữa”.

Đồng thời, mẹ có thể giải thích thêm lý do vì sao không thể mua thứ bé đòi hoặc chỉ cho bé được chọn mua thứ gì cần thiết hơn cả. Điều này giúp bé có thói quen biết cân nhắc khi muốn mẹ mua cho thứ gì.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Dạy con vâng lời