5 tuổi leo Fanxipan: Nhìn ngược số đông

Ngày 10/08/2013 15:27 PM (GMT+7)

Tất cả những gì ta gieo vào bọn trẻ, hoặc chúng sẽ cám ơn chúng ta, hoặc sẽ hận chúng ta suốt đời...

Mình đã đọc câu chuyện mới đây về một ông bố cùng hai con nhỏ chinh phục Fanxipan, đọc rất kĩ những gì anh nói cũng như phản ứng rất mạnh mẽ của không ít người trên Facebook (những ông bố, bà mẹ, các thanh niên) và cả bài viết 5 tuổi leo Fansipan: Lợi thấp, nguy cao. Trong câu chuyện này, mình rất phục ba bố con này, và mình, cũng là một ông bố, nghĩ về một điều: hãy coi đây là một câu chuyện giáo dục, và vì cách giáo dục của các gia đình không giống nhau, nên hãy tôn trọng những gì ông bố này đã làm cùng với những đứa con mà anh đẻ ra, chừng nào cách dạy đó của anh không vi phạm luật pháp, trong đó có luật về bảo vệ và chăm sóc trẻ em. 

Mình thích suy nghĩ của anh đối với những đứa trẻ, về việc chúng phải biết vượt qua khó khăn, không lùi bước và không được trông chờ vào ngoại cảnh. Ngay cả việc anh nói với một đứa, là nếu nó không đi tiếp, anh sẽ ném nó xuống vực, mình cũng không có cảm giác phẫn nộ như rất nhiều ông bố bà mẹ khác đã công khai bày tỏ, rằng anh là một kẻ tàn nhẫn. Trong đời mình, mình đã chứng kiến rất nhiều những câu nói tàn nhẫn thực sự khi dạy con. Mình đã thấy một bà mẹ (là cô giáo hẳn hoi) dọa con, rằng nếu nó còn dập cửa nhà, cô sẽ lấy kéo cắt tay thằng bé, và còn nhiều câu kinh khủng hơn nữa vào mặt nó mỗi khi nó nghịch quá. Mình cũng thấy những bà mẹ khác khi con cứ chạy quanh khắp sân và không nuốt hết thìa cơm mà bà bón cho trong cả tiếng đồng hồ, dọa rằng, nếu không ăn thì công an sẽ đến bắt. 

Ông bố chắc chắn sẽ không bao giờ ném con xuống vực. Anh chỉ muốn ám chỉ rằng, lũ trẻ không có đường lùi, mà chỉ có thể tiến lên phía trước. Nhưng một cô giáo dạy con bằng cách dọa cắt tay nó chỉ vì nó nghịch, hay một cô hàng xóm cũ đóng cửa nhốt đứa con ba tuổi của mình ở ngoài đường trong khi xe cộ đi lại ầm ỹ chỉ vì thằng bé không chịu ăn còn có tác hại về tinh thần lớn hơn nhiều. Và nữa, khi người ta dọa đưa công an đến bắt chỉ vì một đứa trẻ không chịu ăn, họ đã vô tình gieo vào đầu đứa trẻ sự sợ hãi và kèm theo đó là sự tức giận một cách mơ hồ đối với những người thi hành công vụ, điều có thể sẽ ảnh hưởng không tốt đối với nó sau này khi nó lớn lên, trong các suy nghĩ về công an.

5 tuổi leo Fanxipan: Nhìn ngược số đông - 1
Ông bố đã có cách giáo dục của riêng mình (ảnh minh họa)

Đối với không ít người, việc đưa những đứa con lên một đỉnh núi cao hơn ba nghìn mét như thế không khác gì một tội ác. Nhưng đối với ba bố con họ, những người đã từng trải qua những cung đường khác nhau (như ông bố nói) và được coi đó là những bài tập nhỏ, thì việc chinh phục Fansipan có thể là một bài tập lớn của họ. Bọn trẻ làm được điều mà chúng ta cho là phi thường này chắc chắn không phải vì bố chúng ép chúng phải đi hay dọa vứt chúng xuống vực, mà vì chúng có thể làm được điều ấy, về mặt thể lực, sau khi luyện tập nhiều. Những đứa trẻ học được gì từ chuyện này và chúng thực sự nghĩ gì về ông bố đã dạy chúng những bài học ấy, chúng ta không hề biết, vì chúng ta không hề hỏi chúng và tác dụng của bài học đó với chúng, xã hội sẽ được kiểm chứng sau đây nhiều năm nữa. Nhưng mình nghĩ, không nên phán xét (hoặc ném đá) một ai đó, chỉ vì họ suy nghĩ và làm khác phần đông chúng ta, trong khi vẫn giữ khuôn khổ về luật pháp và đạo lí.

Từ chuyện này lại nhớ đến cuốn "Khúc chiến ca của mẹ hổ" của bà mẹ Amy Chua. Mọi người cho cách giáo dục của bà là tàn bạo, độc đoán, là giết chết tuổi thơ của bọn trẻ. Nhưng những đứa con tự hào về mẹ nó. Chúng lớn lên ra sao, và bà mẹ làm những gì bà cho là tốt nhất cho chúng như thế là đúng hay sai, xã hội cũng chắc chắn sẽ được kiểm chứng. Thời gian sẽ trả lời. Bỗng nhớ một tiểu thuyết của nhà văn Pháp Herve Bazin, kể về việc những đứa trẻ đã thù một bà mẹ quý tộc cổ hủ đã dạy dỗ chúng hà khắc và máy móc đến mức chúng muốn giết bà và đã từng giết hụt bà. Nhân vật chính của câu chuyện đã sống cả đời trong một nỗi ám ảnh không thể thoát được về bà mẹ, đến mức căm thù cả đàn bà.

Tất cả những gì ta gieo vào bọn trẻ (và lớp trẻ nói chung) đều có một cái giá, đôi khi là rất đắt và chính những đứa trẻ sẽ phải hứng chịu nó. Đến một lúc nào đó, hoặc chúng sẽ cám ơn chúng ta, hoặc sẽ hận chúng ta suốt đời...

Theo chia sẻ của độc giả, hotblogger Trương Anh Ngọc 

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹ và bé