"Bác mừng tuổi có 20 nghìn bọ!"

Ngày 09/02/2013 09:07 AM (GMT+7)

Đúng là con phát ngôn, bố mẹ ngượng mặt. Ước gì có cái lỗ nẻ để bố mẹ chui xuống.

Con vừa bóc lì xì vừa thốt lên rằng: "Có mỗi hai mươi nghìn bọ!" trước mặt khách.

Những ngày cuối năm đầu tắt mặt tối với một núi công việc cả ở nhà và ở cơ quan khiến cho mình chẳng còn nhiều thời gian mà suy nghĩ chuyện gì. Cho tới tận buổi sáng nay khi đi siêu thị sắm đồ, cầm bịch phong bao lì xì trên tay mình mới sực nhớ ra là quên chưa “răn đe” lại con trai về thái độ và cách cư xử khi nhận được lì xì từ người lớn. Còn chưa đầy một ngày nữa là sang năm mới, may mà mình nhớ ra kịp, nếu không mồng một Tết năm nay thế nào cũng được phen bẽ mặt vì con giống như năm ngoái mất thôi.

Chả là thế này, chiều mùng Tết năm ngoái vợ chồng mình đưa con về quê nội chúc Tết và cũng chính tại đây mà cả hai vợ chồng mình đã gặp phải một bài học nhớ đời. Sau khi đi chúc Tết hết lượt họ hàng, chồng mình chở hai mẹ con đến nhà một người bạn cũ. Khi được bác mừng tuổi bằng một phong bao lì xì đỏ chót, con trai mình đưa hai tay nhận và lễ phép cảm ơn. Mình cứ nhiệt tình hòa vào những câu chuyện vui vẻ đầu xuân mà quên mất không để ý đến con trai, cho đến khi đột nhiên nghe thấy tiếng con thốt lên rằng: “Eo ôi, có mỗi hai mươi nghìn bọ!”, mình mới giật mình quay sang bên cạnh thì thấy con đang hý hoáy nhét đồng hai mươi nghìn trở lại chiếc phong bao lì xì mà anh bạn của chồng vừa mừng tuổi.

Mình vừa xấu hổ lại vừa giận con, nhìn sang bên cạnh cũng thấy mặt ông xã đang biến sắc. Quả thực lúc ấy mình chỉ mong sao có cái lỗ nẻ để mà chui ngay xuống đất cho đỡ ngại thôi. Đang lúng túng không biết xử lý tình huống bất ngờ ấy thế nào thì may thay anh bạn của chồng vừa cười vừa lên tiếng nửa đùa nửa thật rằng: “Của ít lòng nhiều con ạ, phong bao càng ít tiền thì con càng gặp nhiều may mắn chứ sao, sang năm mà được học sinh giỏi thì nhớ công bác đấy!”. Con trai mình mới sáu tuổi nên cũng chưa hiểu chuyện, nghe thấy bác nói vậy tưởng thật nên cũng toét miệng ra cười.

quot;Bác mừng tuổi có 20 nghìn bọ!quot; - 1
Con hồn nhiên bóc phong bì và bĩu môi chê ít ngay trước mặt khách (Ảnh minh họa)

Câu chuyện về “chiếc lì xì ít tiền” dừng lại ở đó, mọi người lại tiếp tục cười nói rôm rả nhưng vợ chồng mình thì cứ ngại với anh bạn ấy mãi. Bình thường mình thấy con rất ngoan, hơn nữa vợ chồng mình đều thống nhất với nhau không để con tiếp xúc với tiền quá sớm nên mọi chuyện ăn uống hay đồ dùng học tập thì đã có bố mẹ lo cho chẳng thiếu thốn thứ gì. Mình cứ nghĩ rằng con sẽ không quan tâm đến vấn đề tiền nong, ai ngờ đúng mồng một Tết lại có chuyện ấy xảy ra chứ. May mắn cho vợ chồng mình là anh bạn đó rất thân, vả lại người nhà quê thường xởi lởi, dễ tính, không quá để ý đến những phép tắc, lễ nghi nên sau đó cũng không có hậu quả gì to tát xảy ra. Tuy nhiên chỉ vì sơ suất không dạy con sớm nên vợ chồng mình cứ hối hận mãi.

Con hư là tại cha mẹ, vậy nên hôm đó ngay sau khi trở về nhà hai vợ chồng đã ngay lập tức “giáo dục” cho con một trận. Đầu tiên chồng mình nghiêm khắc phê bình con về hành động hư đốn và bất lịch sự là bóc phong bao lì xì ngay trước mặt khách. Tiếp theo cả bố và mẹ đều nhẹ nhàng giải thích về ý nghĩa của tục lệ lì xì đầu năm lấy may. Chồng mình bào rằng: “Lì xì là truyền thống từ lâu đời trong mỗi dịp Tết cổ truyền của đất nước mình con ạ. Ai quý con thì người ta mới lì xì cho con, vậy nên số tiền trong bao lì xì bao nhiêu không quan trọng vì nó chỉ có ý nghĩa tượng trưng thôi, như bố mẹ thỉnh thoảng vẫn đút hai mươi ngàn, thậm chí là cả mười ngàn đồng vào bao để đem đi lì xì ấy chứ. Màu đỏ của bao lì xì đem lại sự may mắn cho người nhận nó, vậy nên khi người lớn lì xì cho con nghĩa là họ đang trao may mắn và cầu chúc con năm mới mạnh khỏe, ngoan ngoãn, học giỏi đấy”.

Sau khi vợ chồng mình giảng giải, thấy cu cậu ngồi gật gù, vâng dạ, có vẻ như cũng hiểu ra và hối hận với hành động của mình. Nhưng trẻ con khác người lớn ở chỗ vô tư, thích gì làm ấy, nghĩ gì nói nấy mà không biết thế nào gọi là lịch sự hay không lịch sự. Hơn nữa trẻ con thường hay quên, một năm đã trôi qua rồi nên mình sợ năm nay con sẽ không nhớ mà lại “chứng nào tật ấy” thì nguy to. Bởi vậy nên nội trong ngày hôm nay mình sẽ quyết dạy lại cho con nhớ để những ngày đầu năm không xảy ra “tai nạn” và bố mẹ cũng chẳng phải bẽ mặt vì thái độ của con với những chiếc “lì xì ít tiền” nữa.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Tâm sự mẹ bỉm