Cám ơn thiên thần “mùng một Tết” của mẹ

Ngày 31/01/2014 10:32 AM (GMT+7)

Chiều 30 Tết, các bác sĩ quyết định chọc ối kích đẻ cho mẹ nhưng khi theo dõi tần số các cơn co vẫn rất thấp…

Bố con vẫn hay nói đùa với mẹ rằng: “Số mình không có con đẻ, mà chỉ có con mổ”  và con chính là “con mổ” của mẹ đấy. Nhớ lại quãng thời gian sau khi bố mẹ kết hôn, mẹ đã bao lần mừng hụt vì nghĩ rằng sắp có con rồi. Thật ra điều đó cũng chưa đáng lo lắm vì bố mẹ mới lấy nhau 4 tháng nhưng vì bác của con, tức chị gái của bố con lấy chồng đã hơn 3 năm nhưng chưa có bầu nên mẹ vẫn không khỏi lo lắng.

Vào một ngày cuối tuần, bố con thì đi công tác, ông bà nội thì đi ăn cỗ, mẹ ở nhà một mình cứ vẩn vơ suy nghĩ và quyết định tự mình đi khám xem sao. Sau khi thực hiện một loạt các xét nghiệm, bác sĩ kết luận mẹ bị nhiễm virus Chlamydia.  Khi nhiễm nhiễm con virus này mà không chữa trị triệt để sẽ khó đậu thai được. Lòng mẹ rầu rĩ, bần thần không hiểu chuyện gì đang xảy ra, vừa lo vừa sợ tự dưng hai hàng nước mắt cứ lăn dài.

Theo sự hướng dẫn của bác sĩ, bố và mẹ đều phải điều trị dùng thuốc, hiểu được tâm lý lo lắng của mẹ, cô bác sĩ ấy đã nhẹ nhàng động viên rằng: “Nếu tích cực điều trị và hợp thuốc, bệnh tình ổn định thì chỉ tháng sau là có em bé được thôi.”

Sang đến tháng sau, mẹ đã chậm kinh 1 tuần, thấy thế mẹ lại dùng que thử nhưng kết quả vẫn một vạch, không có gì thay đổi. Mẹ lóc cóc một mình vào viện để bác sĩ kiểm tra cho chắc thì được biết lớp niêm mạc xung quanh tử cung đã dày lên. Có hai trường hợp sẽ xảy ra, một là tử cung đang làm tổ để đón phôi, hai là nó chuẩn bị bong ra để tiếp tục một chu kỳ mới.

Đến ngày thứ 10 mẹ vẫn kiên trì thử nhưng vẫn không có gì tiến triển, mẹ lại nghĩ là : “Thôi không sao, chỉ là sự thay đổi về mặt tâm lý do đợt này mình lo lắng quá”. Nghĩ vậy nhưng mẹ vẫn cứ dùng que thử, con thấy mẹ có buồn cười không?

Đến ngày thứ 12 thì hạnh phúc dường như vỡ òa khi vạch hồng thứ 2 dần dần hiện lên. Không thể diễn tả hết nỗi vui mừng khi tin tức về sự xuất hiện của con được thông báo đến đại gia đình hai bên, người đặc biệt vui mừng có lẽ là ông bà nội đấy con ạ! Mẹ nhìn thấy bà nội đã ứa hai hàng nước mắt rồi thắp nén hương khấn vái cảm tạ các cụ đã phù hộ cho gia đình đón nhận tin vui này.

Thời gian đầu bầu bí may mắn là mẹ không ốm nghén gì, chỉ có điều đặt đâu ngủ đó vì mẹ thèm ngủ vô cùng. Trong giờ làm việc mẹ cũng ngủ gà ngủ gật, về đến nhà lúc ăn cơm, xem tivi hai mắt mẹ cũng ở trong tình trạng mắt nhắm mắt mở díp cả lại. Mẹ cảm ơn con rất nhiều vì sự ngoan ngoãn của con nên hai mẹ con ta đã có một thai kỳ khỏe mạnh, vui vẻ.

Tuy bác sĩ đã tính ngày dự sinh nhưng con lại ra đời sớm hơn dự tính 1 tuần liền. Rạng sáng ngày mùa đông cuối năm, những gió lạnh căm căm ào ạt đổ về Hà Nội thì mẹ bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ. Dù chưa có kinh nghiệm sinh nở bao giờ nhưng kỳ lạ thay vào giây phút đó mẹ thấy bình tĩnh đến kỳ lạ. Mẹ bình tĩnh đi tắm rửa sạch sẽ trước khi vào viện vì nghe mọi người nói đẻ xong còn phải kiêng cữ lâu, rồi đi sắp xếp lại các  đồ dùng cần thiết mang vào viện.

Cám ơn thiên thần “mùng một Tết” của mẹ - 1
Cám ơn con đã đến với cuộc đời bố mẹ (ảnh minh hoạ)

4 giờ sáng, sau khi thăm khám cho mẹ, bảo sĩ bảo tử cung của mẹ đã mở 2 phân nên yêu cầu gia đình làm thủ tục nhập viện luôn.

Mẹ được đưa vào phòng chờ sinh và bị cách ly với bố con, đến lúc này mẹ mới bắt đầu thấy hoang mang vì chỉ có một mình. Con của mẹ thì lại thể hiện “sự gan lỳ” khi không có dấu hiệu “muốn ra gặp mẹ” gì cả. Hết ca này sang ca khác, mẹ được gửi gắm cho không biết bao nhiêu bác sĩ và cuối cùng trở về cô bác sĩ ban đầu.

Cô ấy vừa cười vừa hỏi mẹ rằng: “ Thế chị này đi đẻ hay đi an dưỡng đây?”. Các cô hộ lý và y tá trong phòng chờ sinh liên tục giục mẹ phải đi lại nhiều để có cơn co. Mẹ đi đi lại lại rất nhiều, gặp ai mẹ cũng hỏi thăm xem: “ Chị đau nhiều không?”, “Chị mở mấy phân rồi?” “ Con trai hay con gái thế?” rồi than thở không hiểu vì sao mình vào đây đã gần 2 ngày trời mà chỉ ăn và ngủ, chẳng đau đớn mà cũng không mở thêm phân nào.

Chiều 30 Tết, các bác sĩ quyết định chọc ối kích đẻ cho mẹ nhưng khi theo dõi tần số các cơn co vẫn rất thấp nên họ gọi bố con vào để ký giấy sinh mổ.

Khi chào đời, con nặng 3,5 kg nhưng không khóc, bác sĩ phải vỗ bồm bộp mấy cái vào mông con mới tỉnh ngủ khóc ré lên. Một điều khiến mẹ hạnh phúc nữa đó là, 25 năm về trước bà ngoại đã sinh ra mẹ và 25 năm sau mẹ lại có con trong vòng tay, đúng vào ngày mùng 1.

Dường như niềm vui của gia đình đã nhân đôi, nhân ba cùng với sự kiện có mặt của con. Sau khi mổ, mẹ đã phải trải qua mọi tình huống bi hài, đau khổ của một sản phụ như buồn nôn và nôn do phản ứng phụ của thuốc gây tê; rồi bí tiểu sau mổ, rồi co cơ do phản ứng phụ của thuốc co tử cung, rồi tắc tia sữa đến độ suýt bị áp xe...Nhưng cuối cùng thì những đau đớn ấy đều tan biến vì mẹ biết có một điều hạnh phúc và vĩ đại hơn rất nhiều dành cho mẹ đó là con.

Đã 5 năm trôi qua, cái Tết này sẽ đánh dấu  sự trưởng thành của “chị cả” nhà ta. Con sẽ có thêm một em bé để yêu thương, chia sẻ. Đồng thời bước chân vào trường Tiểu học với bảng đen, phấn trắng.

Con gái ạ! Mẹ cảm ơn con rất nhiều vì con chính là động lực phấn đấu cho bố mẹ trong suốt những năm qua. Hãy luôn khỏe mạnh, hồn nhiên như bây giờ con nhé!

Mẹ Phương Chi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tâm sự mẹ bỉm