Cho con bú xong đi rửa bình, lúc quay lại bà mẹ hoảng hồn nhìn đứa bé nằm bất động trên giường

Thùy Dương. - Ngày 24/11/2022 09:28 AM (GMT+7)

Cho con bú xong, bà mẹ này đã đặt con nằm chơi ở giường, còn mình đi rửa bình sữa. Vài phút sau quay lại thì...

Trong mắt của nhiều người, chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh rất là đơn giản. Chỉ là bé đói thì cho bú, buồn ngủ thì ru ngủ hay đến giờ thì thay bỉm, đi tắm… Song, thực tế thì trẻ sơ sinh lại rất cần sự quan tâm, theo dõi sát sao từ người lớn. Bởi chỉ cần bố mẹ quay lưng đi vài phút thôi là tình huống nguy hiểm đã có thể xảy ra, và nếu trẻ không được cấp cứu kịp thời thì chuyện đau lòng sẽ đến.

Tiểu Giang (26 tuổi, sống ở Trung Quốc) là một bà mẹ toàn thời gian. Cô chỉ có nhiệm vụ là ở nhà chăm sóc cho con gái nhỏ 3 tháng tuổi, còn lại kinh tế trong gia đình đều đã có chồng gánh vác. Bố mẹ chồng cũng ở riêng nên mỗi ngày trôi qua đều chỉ có hai mẹ Tiểu Giang chơi đùa cùng nhau. Bình thường thì bà mẹ 9X này vẫn tranh thủ lúc con ngủ hay nằm chơi một mình để làm việc nhà. Vì con gái vẫn chưa biết lật nên Tiểu Giang cứ yên tâm mà dọn dẹp.

Sau khi cho con bú no, Tiểu Giang đặt con nằm chơi ở giường, còn mình tranh thủ đi rửa bình sữa (Ảnh minh họa).

Sau khi cho con bú no, Tiểu Giang đặt con nằm chơi ở giường, còn mình tranh thủ đi rửa bình sữa (Ảnh minh họa).

Cách đây vài ngày, cũng như thường lệ, bà mẹ này lại đặt con gái nằm chơi trên giường, còn mình thì đi rửa bình sữa. Tuy nhiên, vài phút sau quay lại, Tiểu Giang “hoảng hồn” khi phát hiện ra con gái nằm im bất động, mắt nhắm nghiền trong khi sữa trào ra ở miệng, ở mũi. Tiểu Giang vội vàng gọi xe cấp cứu, đồng thời ép tim, vỗ lưng, hà hơi mong muốn kéo lại một tia hy vọng.

Thế nhưng, điều đau lòng đã xảy ra khi bác sĩ kết luận bé gái đã tử vong do bị sặc sữa. Hóa ra, trong lúc mẹ rửa bình sữa, con gái của Tiểu Giang đã bị sặc sữa. Song, cô lại không có mặt ngay tại đó để giúp con, khiến cho đường thở của bé gái bị ngạt, từ đó dẫn đến tử vong. Nghe đến đây, Tiểu Giang đau lòng đến tột độ mà khóc ngất tại chỗ.

Chỉ vài phút sau quay lại, Tiểu Giang kinh hoàng khi phát hiện con nằm im bất động. Bác sĩ kết luận bé gái tử vong do bị sặc sữa (Ảnh minh họa).

Chỉ vài phút sau quay lại, Tiểu Giang kinh hoàng khi phát hiện con nằm im bất động. Bác sĩ kết luận bé gái tử vong do bị sặc sữa (Ảnh minh họa).

Cũng theo bác sĩ, sặc sữa là một tình huống rất hay xảy ra ở trẻ sơ sinh. Nó mô tả tình trạng trẻ hít sữa vào đường thở, làm cho sữa tràn vào khí quản, phế quản, thậm chí chui vào tận các phế nang. Từ đó làm tắc đường hô hấp hoặc cản trở quá trình trao đổi khí giữa phế nang và mao mạch, dẫn đến việc trẻ bị thiếu Oxy. Và khi tình huống này xảy ra, nếu trẻ không được sơ cứu nhanh kịp thời thì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng sặc sữa ở trẻ sơ sinh, chẳng hạn như cho bé bú không đúng tư thế, cho bú quá no, cho bú khi bé đang khóc, sữa mẹ nhiều khiến con nuốt không kịp… Chính vì thế, các bố mẹ cần “bỏ túi” một vài lưu ý khi cho con bú sữa như sau:

- Khi cho bú nên bế con cao đầu, ở tư thế thoải mái.

- Cho con bú từ từ, không vội vàng. Nếu thấy sữa mẹ hoặc sữa bình chảy xuống quá nhiều mà trẻ chưa kịp nuốt thì có thể dùng hai ngón tay kẹp bớt đầu vú lại để ngăn bớt lượng sữa chảy xuống.

- Khi con ho hoặc khóc phải ngừng cho bú ngay.

- Sau khi cho bú xong, bố mẹ không nên đặt con nằm ngay xuống giường hoặc nôi mà nên bế trẻ theo phương thẳng đứng tầm khoảng 20 - 30 phút, đồng thời tránh thay đổi tư thế đột ngột. Đặc biệt, không quấn tã chật để tránh làm tăng áp lực ổ bụng có thể gây ra tình trạng sặc sữa, trào ngược sau khi bú.

Trong trường hợp trẻ có những biểu hiện sặc sữa như ho, sặc sụa, tím tái,… các bố mẹ cần sơ cứu ngay bằng cách:

Vỗ lưng và ấn ngực là hai bước sơ cứu quan trọng mà bố mẹ cần thực hiện khi con bị sặc sữa (Ảnh minh họa).

Vỗ lưng và ấn ngực là hai bước sơ cứu quan trọng mà bố mẹ cần thực hiện khi con bị sặc sữa (Ảnh minh họa).

1. Vỗ lưng: Nhanh chóng đặt trẻ nằm sấp lên đùi, đầu thấp hướng xuống đất, đồng thời dùng một bàn tay đỡ lấy đầu của bé. Sau đó, dùng tay còn lại vỗ liên tiếp 5 cái đủ mạnh vào vùng giữa 2 bả vai theo hướng xuống dưới và ra trước. Sau khi vỗ xong, nhẹ nhàng lật trẻ ngược lên xem bé đã tự thở được chưa, da đã hồng hơn chưa. Nếu con chưa hồi phục, tiến hành ấn ngực.

2. Ấn ngực: Giữ nguyên trẻ ở tư thế ngửa, dùng hai ngón tay trỏ và giữa đột ngột ấn mạnh 5 cái ở nửa dưới của xương ức, dưới đường nối hai vú 1- 2 cm. Lặp lại 5 đến 6 lần cho đến khi trẻ có dấu hiệu hồi phục, da hồng hào trở lại.

3. Thông đường thở: Bố mẹ sẽ dùng miệng hút mạnh vào mũi, miệng trẻ, hút kỹ lượng sữa còn đọng ở họng và mũi càng nhanh, càng tốt. Hút miệng trước, mũi sau. Nếu để chậm, sặc sữa ở trẻ sơ sinh sẽ gây tắc nghẽn đường hô hấp do sữa tràn vào phế quản gây nguy hiểm đến tính mạng của con. Sau đó, nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện càng nhanh càng tốt để được bác sĩ cấp cứu kịp thời.

Theo Thùy Dương. (Dịch từ 163)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tai nạn trẻ em