Chuyện của những bà mẹ từng đi từ thiện cho trẻ

Ngày 05/08/2014 10:14 AM (GMT+7)

Trước thực trạng nhức nhối về từ thiện cho trẻ, mẹ Hani cho biết “Làm từ thiện là ở cái Tâm, nhưng cái Tâm cũng cần được đặt đúng chỗ”

Đối với nhiều người, từ thiện cho trẻ nhỏ, trẻ mồ côi hay những em bé có hoàn cảnh khó khăn luôn là một hoạt động tích cưc, được xã hội trân trọng và khuyến khích. Vậy nhưng giữa thời buổi “đồng tiền đi trước”, việc dễ dàng trao lòng tin và cả tiền bạc cho một ai đó mình chưa quen biết cũng là một việc làm hết sức nguy hiểm. Đánh vào tâm lý yếu đuối, dễ xúc động, dễ mủi lòng thường trước trẻ nhỏ của chị em phụ nữ nói chung và các bà mẹ đang nuôi con nhỏ nói riêng, ngày càng có nhiều tổ chức từ thiện, chương trình từ thiện mọc lên “như nấm sau mưa” mà không cần có bất cứ một đảm bảo nào. Song song với đó, cũng có rất nhiều chị em chỉ cần đọc một vài dòng chữ cảm thương, xem vài tấm ảnh xúc động là không ngần ngại gửi tiền quyên góp từ thiện cho một cá nhân/tổ chức đại diện mà bản thân thậm chí chưa hề quen biết hay tìm hiểu gì.

“Loạn” từ thiện

Còn nhớ đợt cuối năm ngoái (12/2013) cộng đồng mạng xã hội facebook xôn xao trước  thông tin về hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tiền ủng hộ cho trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn của một nick name trên mạng xã hội Facebook có tên là Ruby Trịnh. Theo đó, Ruby Trịnh đã tự đứng ra thành lập nhóm thiện nguyện “Các ông bố và bà mẹ Nhân ái ở Hà Nội”, sau đó kêu gọi giúp đỡ cho trường hợp bé Nguyễn Thị Ngọc Ánh (10 tháng tuổi, bị dị dạng bộ phận sinh dục). Đọc được những thông tin và hình ảnh về trường hợp đáng thương của bé Ánh, nhiều bà mẹ trên mạng đã tin tưởng mà không ngần ngại để chuyển tiền cho Ruby Trịnh thông qua tài khoản của Ruby Trịnh, một số còn tích cực chia sẻ tin, kêu gọi bạn bè

Theo đó, tổng số tiền mà Ruby Trịnh nhận được từ mọi người là hơn 24 triệu đồng, nhưng thay vì chuyển cho gia đình bé Ánh, người này đã “ôm” luôn số tiền, đồng thời cắt đứt liên lạc của mọi người trên mạng xã hội.

Không chỉ ở trên mạng mà ngay cả ngoài đời thật, mặt trái của từ thiện cũng khiến nhiều người “nhức nhối”. Cô N. – người phụ trách hội bệnh nhân nghèo của một bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh kể về một trường hợp  một cháu bé bị tai nạn thảm khốc đã không may mất cả gia đình, sau khi được bệnh viện và các báo đài kêu gọi đã quyên góp được một số tiền “khủng” để chữa trị và chăm lo tương lai sau này cho cháu. Theo lời một y bác sỹ tại nơi này: “Dòng người đến thăm và giúp đỡ đông như trẩy hội. Người thì cho trực tiếp, người ở xa chuyển khoản, người đến thẳng phòng hỗ trợ của bệnh viện để đóng tiền viện phí cho bệnh nhân Những người nhà còn lại trong dòng họ phải nghỉ làm vào bệnh viện thay nhau tiếp khách, đếm tiền. … “..

Tuy nhiên, đó sẽ là những nghĩa cử đẹp gửi đến một số phận không may mắn, nếu như không xảy ra một câu chuyện bên lề. Chuyện một ngày nọ, trong khu bệnh tại đây có một bệnh nhi nghèo không may tử bệnh. Em bé bị bệnh không may mắn này cũng chỉ trạc tuổi với nhân vật vừa được quyên góp trên kia. Vì quá nghèo khổ, lại ở quê xa, gia đình bệnh nhân tử bệnh dù đã vét hết tiền vẫn không đủ đóng viện phí đưa con về chôn cất. Được sự góp ý và động viên của những người trong khoa, cha mẹ của người tử bệnh đã qua gặp đại diện gia đình kia xin giúp đỡ vài triệu để nộp viện phí xin xác con về quê. Đổi lại sự khốn khổ của một gia đình cùng đường (như chính gia đình mình lúc trước), trước những giọt nước mắt ngắn dài của đôi cha mẹ bất hạnh vừa mất con là những cái lắc đầu lạnh lùng. Họ tiếc vài triệu trong số tiền quyên góp lớn mà mình nhận được, dù số tiền đó cũng là của xã hội yêu thương và đem đến cho họ với mục đích từ thiện, chia sẻ khó khăn với người nghèo.

Chuyện của những bà mẹ từng đi từ thiện cho trẻ - 1
Nhiều người lợi dụng trẻ nhỏ để kiếm lợi cho riêng mình và nhiều chị em có lòng tốt nhưng không biết tìm hiểu kỹ trước khi đưa tiền từ thiện và trao lòng tin cho một người không quen biết (Ảnh minh họa).

Đây không phải là một câu chuyện hiếm gặp về những trường hợp lợi dụng trẻ nhỏ, trẻ mồ côi, bệnh tật để kiếm tiền từ thiện của cộng đồng ngày nay. Trong khi ở một số bệnh viện lớn và các trung tâm nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tàn tật nổi tiếng, những em bé có thể chưa có hoàn cảnh thực sự quá khó khăn lại liên tiếp nhận được tiền từ thiện nhiều đến mức “tiêu không hết” nhờ sức mạnh của truyền thông và một vài bài báo thì ở những nơi vùng sâu vùng xa, vẫn còn có rất nhiều những em nhỏ với phận đời éo le, khốn khổ chỉ ao ước có được một bữa cơm có thịt và một manh áo ấm để mặc.

Những câu chuyện buồn về mặt trái của từ thiện chưa chấm dứt thì mới đây nhất, những tấm lòng hảo tâm từng hay tham gia tình nguyện tại chùa Bồ Đề - một ngôi chùa nổi tiếng chuyên nhận nuôi và chăm sóc những em bé bị bỏ rơi tại Hà Nội lại thêm một lần mất lòng tin trước sự việc Nguyễn Thị Thanh Trang, người quản lý trẻ mồ côi tại chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội), cùng 1 người đồng phạm đã bị cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi mua bán trẻ em.

Tâm sự của những bà mẹ từng đi từ thiện cho trẻ

Từng có kinh nghiệm nhiều lần tổ chức những chuyến đi thiện nguyện cho trẻ mồ côi, trẻ gặp hoàn cảnh khó khăn và những mảnh đời bất hạnh, chị Lê Phương Dung (nickname Mẹ Hani 28 tuổi – Hà Nội) cho biết

Khi lựa chọn những địa điểm để tiến hành công tác thiện nguyện, tôi hay lựa chọn theo các tiêu chí như trẻ bị bệnh ung thư hay những em bé ở vùng sâu vùng xa. Bản thân tôi có biết tới chùa Bồ Đề nhưng chưa bao giờ đi làm từ thiện ở đây vì cá nhân tôi thấy chùa gần thành phố, cũng đã được nhiều người làm từ thiện nên điều kiện của các bé ở đây cũng đã khá tốt rồi.

Nhiều lúc tôi thấy các hội nhóm trên facebook kêu gọi từ thiện, có một số trường hợp được các mẹ vận động, chia sẻ nhiều nên số tiền quyên góp được có khi lên tới mấy trăm triệu. Vậy nhưng thật ra đi nhiều, làm nhiều tôi mới thấy cũng còn rất nhiều trường hợp các em bé đáng thương như thế và thậm chí hơn như thế rất nhiều.

Làm từ thiện cũng là cái Tâm. Nhưng cái Tâm nên đặt đúng chỗ”.

Chuyện của những bà mẹ từng đi từ thiện cho trẻ - 2
Chị Phương Dung và con gái, bé Hani

Chuyện của những bà mẹ từng đi từ thiện cho trẻ - 3
Chị Phương Dung trong chuyến từ thiện đến thăm các em bé bị ung thư ở Bệnh viện K (Hà Nội)

Chuyện của những bà mẹ từng đi từ thiện cho trẻ - 4
Bà mẹ trẻ còn chuẩn bị thêm 3 nồi cháo miễn phí cho người thân, phụ huynh, cha mẹ của các em bé bị ung thư.

Cũng theo chị Dung cho biết, vấn đề từ thiện thường rất nhạy cảm nên khi mọi người góp tiền chị thường quy đổi mua cả vật dụng và quà cho các bé, đồng thời bản thân chị cùng mọi người sẽ đi làm trực tiếp, trao quà và tiền từ thiện tận tay hoặc nhờ bạn bè người thân có thể tin tưởng chứ không thông qua một tổ chức nào.

Chuyện của những bà mẹ từng đi từ thiện cho trẻ - 5
Với số tiền quyên góp được, chị Dung thường giữ một phần tiền mặt và một phần qui đổi ra hiện vật khi làm từ thiện.

Chuyện của những bà mẹ từng đi từ thiện cho trẻ - 6
Chị Dung và những người bạn tự tay làm hơn 900 chiếc bánh trung thu để gửi tặng cho các em bé có hoàn cảnh khó khăn. 

Chuyện của những bà mẹ từng đi từ thiện cho trẻ - 7
Một chuyến đi thiện nguyện khác của chị Dung.

Cùng quan điểm với chị Phương Dung là chị Nguyễn Thái Hà, một thành viên “kỳ cựu” chuyên đứng ra tổ chức những chương trình thiện nguyện cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Đã từng tắm gội và cắt tóc cho nhưng bệnh nhân ở trại tâm thần, từng đến khám bệnh cho những trẻ em nghèo ở Bến Tre, từng trốn cái nắng ấm ở Hà Nội để lên với các em bé ở Sơn La “buổi tối sờ nước lạnh không ai dám tắm”, từng xót xa bế những đứa trẻ bị HIV nhưng ánh mắt vẫn đầy ngây thơ hồn nhiên, chị Thái Hà nếm trài nhiều chuyện buồn vui của đời đi thiện nguyện.

Chuyện của những bà mẹ từng đi từ thiện cho trẻ - 8
Chị Thái Hà một thành viên “kỳ cựu” chuyên đứng ra tổ chức những chương trình thiện nguyện cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Theo chị Thái Hà, mặt trái của việc từ thiện cũng có rất nhiều. Nhiều người khi muốn góp tiền làm từ thiện cứ nghe tên địa điểm cần giúp đỡ là đến hoặc gửi tiền mà không tìm hiểu xem ở đó đã nhận được sự hỗ trợ nào chưa. Đối với chị, địa điểm để làm từ thiện thường là trẻ vùng cao vì thực tế ở đấy trẻ con rất thiệt thòi, thiếu thốn đủ thứ. Ngoài ra cũng có những trẻ mắc bệnh đặc biệt như AIDS hoặc hiểm nghèo như ung thư…Chị Thái Hà cũng sử dụng cả hình thức quyên góp bằng hiện vật và tiền mặt. Tuy nhiên tùy ừng hoàn cảnh mà chị quyết định đó là hiện vật hay tiền mặt, tất cả đều được khảo sát để cho đúng với nhu cầu của đối tượng từ thiện, tránh lãng phí.

Chuyện của những bà mẹ từng đi từ thiện cho trẻ - 9
Chị Thái Hà soạn quần áo cũ do bản thân đi quyên góp được để dành tặng những em bé có hoàn cảnh khó khăn.

Chuyện của những bà mẹ từng đi từ thiện cho trẻ - 10
Bà mẹ trẻ cùng các thành viên CLB TN Bắc Trung Nam trong chuyến tình nguyện phát sách, vở và học bổng cho các em học sinh ở Háng Đồng - Bắc Yên, Sơn La ngày 21/6/2014.

Lý giải về viêc tại sao nhiều người đã biết những chuyện không hay về một số cá nhân lợi dụng lòng tốt của cộng đồng để thu tiền bất chính nhưng vẫn đến nhưng cơ sở đó làm từ thiện, chị Thái Hà cho hay: “Đã có rất nhiều bài báo và thông tin ngoài lề phản ánh về một số cơ sở nhận nuôi nấng, chăm sóc trẻ mồ côi, tật nguyền có cá nhân lấy danh nghĩa từ thiện cho trẻ để tìm lợi ích riêng. Tuy nhiên những em bé ở đó không có tội, các em vẫn sống ở đó thì mọi người vẫn phải tìm đến để giúp đỡ các em. Với cá nhân tôi, khi đã đi làm từ thiện cho trẻ, tôi luôn lựa chọn hình thức gặp gỡ và trao tận tay. Có như vậy tôi mới biết được đồ quyên góp của mình đến được đúng địa chỉ và được sử dụng đúng mục đích

Chuyện của những bà mẹ từng đi từ thiện cho trẻ - 11
Những em bé nghèo ở Bến Tre đang chờ khám và phát thuốc miễn phí trong một chương trình thiện nguyện có chị Thái Hà tham gia.

Chuyện của những bà mẹ từng đi từ thiện cho trẻ - 12
Góp bánh nướng bánh dẻo tặng trẻ em nghèo nhân dịp Tết Trung thu 2013

Chuyện của những bà mẹ từng đi từ thiện cho trẻ - 13
Chương trình "Chắp cánh Ước Mơ 2013" - Trung tâm Bảo trợ Lao động & Xã hội số II (Ba Vì).

Chuyện của những bà mẹ từng đi từ thiện cho trẻ - 14
Tâm sự của chị Thái Hà được viết sau một chuyến đi thiện nguyện

Có những điều đôi khi phải trải nghiệm mới hiểu. Mỗi chuyến đi là một cảm xúc khác nhau. Lẫn lộn đủ thứ nhưng đọng lại vẫn là: Xót. Thực sự đến bây giờ, đôi khi thấy mặt đã dày lên rất nhiều khi cứ đến gặp hết người này đến người khác để xin một cái gì đấy dù không phải cho mình. Đôi khi cũng thất vọng với những lới hứa. Vậy nhưng khi nghĩ đến con mình, nghĩ đến những đứa trẻ thiệt thòi ngoài kia, tôi lại có sự so sánh, rồi lại thôi thúc để tiếp tục làm một điều gì đấy ý nghĩa cho các con”, chị Hà kết luận.

Hà My
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Mẹ và bé