Con hư, cha nén lòng cho... đi tù

Ngày 20/07/2014 14:30 PM (GMT+7)

Vì cậu quý tử "trái tính trái nết" nên người cha đã phải dùng cách này để mong dạy dỗ con nên người.

“Con dại cái mang”, lẽ thường, khi con cái làm điều phi pháp thì cha mẹ vì thương xót sẽ bao che cho chúng hoặc bình tĩnh khuyên con đi tự thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Ít có trường hợp cha thấy con lấy cắp tài sản của người khác mà lại cương quyết bắt giao công an xử lý như ông Lê Văn Ảnh ở xã Hậu Thành (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Câu chuyện khó tin nhưng có thật này đã thức tỉnh nhiều người về cách giáo dục con cái.

“Quý tử” trái tính

Sinh con ra, bất kỳ một người làm cha, làm mẹ nào cũng đều muốn cho con những điều tốt đẹp nhất. Dù một đời cha mẹ lam lũ nhưng cũng mong chăm sóc, dưỡng dục cho con nên người, thành đạt. Tuy nhiên, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, có những người con thành tài khiến cho cha mẹ tự hào, hãnh diện nhưng cũng có không ít người con khiến cha mẹ buồn phiền, xấu hổ. Vợ chồng ông bà Lê Văn Ảnh và Huỳnh Thị Kim Liên cũng không may mắn khi sinh ra một đứa con “trái tính, trái nết”. Khi chúng tôi đến thăm nhà ông bà, chỉ có một mình bà Liên ở nhà, đang bận làm bữa tối. Ông Ảnh gọi điện về báo cho vợ, bố con về muộn vì phải đi Mỹ Tho (Tiền Giang) giao hàng. Từ khi Lê Hoàng Quân (23 tuổi) ra trại, ông Ảnh đã xin cho cậu con trai vào làm cùng công ty, nơi trước đây cậu ta đã lấy cắp đồ nhờ vào uy tín của cha. Nói về quyết định khác người của chồng khi bắt con trai giao cho công an, bà Liên cho biết: “Khi Quân trộm cắp tài sản, ông ấy bắt giao cho công an bởi tính ông ấy công tư phân minh, giữa lý và tình đều rõ ràng. Nhưng trước khi làm vậy, ông nhà tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều. 9 tháng Quân trong trại giam là chuỗi ngày rất dài với vợ chồng tôi. Đêm nào tôi cũng thấy ông ấy trằn trọc khiến tôi cũng không thể nào chợp mắt được”.

 Bà Liên cho biết, ngay từ nhỏ Quân đã tỏ ra ương bướng, không nghe lời cha mẹ. Khi mới bước vào cấp hai, cậu đã tỏ ra chán học. Vợ chồng bà đã nhiều lần giảng giải cho Quân nghe, chỉ có con đường học vấn mới cho cậu một tương lai tốt đẹp. Tuy nhiên, Quân vẫn không hiểu được nỗi lòng của người làm cha, mẹ. Bà Liên nhớ lại: “Nếu ép buộc một điều mà con cái không thích thì chúng sẽ chống đối. Quân thôi học, ông nhà tôi rất buồn vì không truyền được “lửa”, đam mê học hỏi cho con. Đường học hành không có duyên với Quân nên ông ấy định hướng cho nó học nghề để đảm bảo tương lai sau này”. Lúc đó, dù rất ngang bướng, không nghe lời khuyên của cha mẹ nhưng Quân cũng không khiến cho vợ chồng ông Ảnh phải buồn phiền nhiều như sau này. Bà Liên tâm sự: “Thời gian ấy, ở quanh xóm có nhiều đối tượng xấu, từng vào tù ra tội đến kết giao với Quân. Chúng dụ dỗ Quân tham gia vào những việc làm sai trái”. Theo bà Liên thì có vài lần, Quân và đồng bọn “hành nghề” đã bị người dân phát hiện nhưng vì nể ông Ảnh, họ không tố giác với chính quyền địa phương. Dù vậy thì Quân cũng có tên trong danh sách đen bị công an xã theo dõi. Thoạt đầu, ông bà Ảnh đều không hề hay biết những chuyện này. Chỉ đến khi ông Huỳnh Văn Phao, Chủ tịch xã Hậu Thành cho biết Quân bị tình nghi ăn trộm thì vợ chồng bà mới ngỡ ngàng về cậu con trai. Bà Liên bảo: “Khi biết chuyện về con mình, sắc mặt chồng tôi như tái đi, mắt đỏ rực, giận dữ như muốn phát khóc”.

Con hư, cha nén lòng cho... đi tù - 1
Bà Liên kể lại cách giáo dục con đặc biệt của chồng . Ảnh TG

Cả tối hôm ấy ông buồn bã, ngồi trầm ngâm trước hiên nhà. Thấy chồng như vậy, bà Liên không khỏi lo lắng. Bởi một khi ông giận dữ thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tuy nhiên, khi Quân đi chơi về, ông vẫn nhẹ nhàng gọi lại nói chuyện. Bà Liên thuật lại lời của chồng nói với con trai khi đó: “Đã là đàn ông thì phải làm những việc ngay thẳng, đường hoàng, không hổ thẹn với lương tâm. Nếu có làm điều khuất tất thì con phải nhận lỗi và sửa đổi”. Rồi ông kể lại sự việc đã nghe lúc chiều và hỏi Quân có làm những điều đó không. Nhưng Quân đã cãi bay cãi biến và khẳng định, người khác vu oan cho mình. Ông Ảnh vẫn giữ thái độ cũ, vỗ vai con trai và bảo cậu đi ngủ sớm: “Cha cũng mong con không phải là người như vậy”. Thái độ lúng túng của Quân lúc đó cho ông biết, con trai đang nói dối. Một thời gian sau đó, hàng xóm liên tục nói lại với ông về hành vi của Quân. Ông Ảnh vẫn hy vọng chờ đợi sự thành thật của con trai. Tuy nhiên, Quân đã khiến cho ông thất vọng. Ông nói cảnh cáo con: “Nếu cha bắt được tận tay con ăn trộm, cha sẽ giao con cho công an xử lý”.

Cắn răng cho con đi tù

Thế rồi, cái ngày mà ông Ảnh cảnh báo con cũng đến. Lúc giao Quân cho công an, anh em họ hàng đều rất giận ông Ảnh, thậm chí còn “xỉa xói” ông là người tàn nhẫn. Chỉ có bà Liên mới hiểu được tâm trạng chồng như thế nào: “Ông ấy cũng khổ tâm, suy nghĩ rất nhiều vì tình cảm cha con rất thiêng liêng. Chồng tôi sẵn sàng tìm cách bảo vệ, che chở hoặc chịu tội thay cho con. Nhưng ông ấy không làm vậy vì muốn thằng Quân nhận ra sai lầm và phải trả giá để sau này không tái phạm nữa”. Bà Liên kể, ở đầu ngõ nhà bà có nhà kho của công ty chồng bà làm việc. Ông Ảnh được chủ giao quản lý luôn nhà kho ấy. Đêm 19/12/2010, Quân đã lén lấy chìa khóa kho rồi rủ một người bạn khác vào lấy bình ắc-quy đem bán lấy tiền tiêu xài. Trong lúc Quân đang khiêng bình ắc-quy ra ngoài thì bị ông Ảnh bắt gặp. Ông liền bắt cả hai về nhà mình. Trước khi gọi điện báo cho công an xã, ông đã hội ý với vợ rằng: “Để tôi nhờ mấy chú công an răn đe cho chúng nó sợ”. Bà Liên cũng tán đồng ý kiến của chồng. Sau đó, ông gọi điện cho ông Phao, chủ tịch UBND xã cử người đến đưa con trai và đồng bọn về trụ sở lập biên bản. Trong quá trình điều tra, Quân khai trước đó, ngày 28/8/2010, cậu ta còn lấy trộm chiếc môtơ điện. “Nếu bình ắc - quy trị giá khoảng 400 nghìn thì môtơ điện trị giá gần 10 triệu đồng. Chuyện xảy ra nằm ngoài mong muốn, dù có bất ngờ nhưng vợ chồng tôi cũng chấp nhận vì con tôi đã sai. Hai năm sau đó, cơ quan điều tra đã khởi tố, Quân bị án 9 tháng tù”, bà Liên nhớ lại.

Trước khi xảy ra chuyện này, Quân đã có bạn gái. Hai gia đình còn làm đám hỏi, định cuối năm sẽ tổ chức lễ cưới. Chính điều này khiến vợ chồng bà Liên rất khó xử. Ông bà lo sợ, khi biết Quân là kẻ trộm cắp thì gia đình bên kia còn đồng ý cho cuộc hôn nhân này nữa không? Hơn nữa, 9 tháng xa cách có khiến cho người yêu của Quân thay đổi? Nếu những điều đó xảy ra thật, khi ra tù, Quân sẽ như thế nào, cậu có oán hận cha mẹ, bỏ nhà ra đi không? Nếu vậy, cả đời ông bà sẽ hối hận, day dứt. Ông Ảnh bèn đến nhà “thông gia” kể nội tình, sự thẳng thắn của ông đã nhận được cảm thông của gia đình nhà gái. Khi Quân ở trại, mỗi tháng cả hai bên đều đến thăm nuôi, động viên cậu cải tạo tốt để sớm được về với gia đình. Những ngày đầu Quân ở trại giam, ông Ảnh vào thăm, hai cha con chỉ nhìn nhau im lặng. Trong suy nghĩ, Quân không hề trách hờn cha bởi cậu biết, ông là người nghiêm khắc và chỉ muốn điều tốt cho con cái. Lúc đó Quân còn lo sợ, cha sẽ ghét bỏ, không nhìn mặt. Bản thân ông Ảnh cũng sợ con trai hận mình vì đã bắt nó giao cho công an. Nhưng rồi những nghi ngại giữa hai cha con ông sớm được xóa bỏ. Khi Quân ra trả án xong, ông Ảnh xin cho con tiếp tục được làm tại doanh nghiệp để ông có điều kiện gần gũi dạy bảo, động viên, chăm sóc con. Bà Liên bảo: “Những ngày trong trại khiến Quân trưởng thành hơn nhiều. Và quan trọng hơn cả là tình cảm giữa hai cha con thêm bền chặt, yêu thương”.           

Ông Huỳnh Văn Phao, Chủ tịch UBND xã Hậu Thành cho biết. “Ông Ảnh là người rất ngay thẳng, tốt bụng và có trách nhiệm, không chỉ với gia đình mà còn với bà con lối xóm. Cánh đồng lúa xanh mướt thẳng cánh cò bay ở Hậu Thành như ngày hôm nay cũng đều nhờ công ông Ảnh mà có. Về việc ông Ảnh bắt con đi tù, ban đầu ai cũng ngạc nhiên và bàn tán. Nhưng sau này, khi Quân đi tù về, trở thành một con người khác, người ta mới thấy được phương pháp giáo dưỡng con hiệu quả của ông. Không phải cử bao che, bảo bọc con mới là yêu thương con”.

Theo Lê Nguyễn (Giadinh.net)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy con