Hot: Đề thi Văn 'lạ' của trường Ams

Ngày 06/05/2013 09:39 AM (GMT+7)

Đề thi học kỳ II môn Văn của khối lớp 11 làm 'nóng' các diễn đàn vì có John Lennon.

Đề thi học kỳ II môn Ngữ Văn của khối 11 trường THPT Hà Nội - Amsterdam ngày 3/5 đang gây sốt trong giới học sinh. Đây là một đề bài không chỉ hay thực sự mà còn làm học sinh Trường Ams tự hào.

Đề bài gồm 2 câu, yêu cầu học sinh hoàn thành trong 120 phút. Điểm 'khác thường' của đề Văn nằm ở câu nghị luận xã hội 3 điểm, yêu cầu học sinh phân tích rõ thông điệp mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm qua câu hát: "Chúng ta đều toả sáng, như mặt trăng, như những vì sao và như mặt trời..." -  Đây là câu hát nổi tiếng trong bài Instant Karma, do ca sĩ John Lennon của ban nhạc huyền thoại The Beatles thể hiện.

Chỉ vài giờ xuất hiện trên mạng xã hội, đề văn này đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt và nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi đầy thích thú của độc giả. Một số bạn đọc, đa phần là học sinh, cho rằng đề bài khó vì không phải ai cũng biết đến bài hát này nhưng nhiều người hết lời ngợi ca sự sáng tạo khi ra đề của các thầy cô giáo trường Hà Nội – Amsterdam.

Hot: Đề thi Văn lạ của trường Ams - 1
Đề thi môn văn trường Ams gây hot

“Mình tự hào vô cùng vì có con gái đang theo học trường Ams. Với cách ra đề sáng tạo thế này, con mình sẽ được tự do bày tỏ quan điểm của riêng mình, không copy, không rập khuôn… không giáo điều”, chị Đỗ Quỳnh Thư (Hà Đông, Hà Nội) nói.

Đồng quan điểm với chị Thư, độc giả có nickname Canci chia sẻ trên diễn đàn webtretho rằng luôn ủng hộ các đề thi sáng tạo đổi mới và mang tính thực tiễn như thế này. “Giờ mà còn ra đề thi kiểu: phân tích tính chiến đấu trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu thì chán lắm”, bạn đọc Canci viết.

Bạn JanetEva cũng đồng tình rằng đây là một đề thi hay, có tính gợi mở tư duy, phóng khoáng và giao lưu với văn hóa thế giới. Tuy nhiên, theo bạn JanetEva thì đề nên trích dẫn cả bài hát để có cái nhìn trọn vẹn hơn chứ trích dẫn một câu khơi khơi thì công nhận là hơi đánh đố.

“Không có bối cảnh không thể nhận định được ý của người viết. Không phải lời vĩ nhân nào cũng là vàng ngọc. Tự dưng nhớ truyện của Aziz Nesin. Thi hào lúc ốm bệnh nói "mở cửa ra" thế là đám 'lâu nhâu' tán: đấy phải mở cửa đất nước, phải giao lưu, phải hòa nhập phải đập cũ xây mới... nhưng thực tế Nesin bị suyễn nếu đóng cửa sổ thì ông không thở được…”, bạn đọc blackrider89 ủng hộ quan điểm của bạn JanetEva và lấy thêm ví dụ minh họa vô cùng sinh động.

Trái ngược với quan điểm của bạn blackrider89, bạn thinman cho rằng đề ra như thế đã đủ ý, còn việc trích dẫn toàn bộ bài hát là không cần thiết. Loại văn này cũng giống như bình luận về thành ngữ, tục ngữ vậy thôi. "Chẳng hạn bình luận câu nói của cổ nhân: Đói cho sạch, rách cho thơm. Thế là đủ, không cần ngữ cảnh. Mỗi người có mỗi hoàn cảnh riêng từ đó phóng bút chứ không cần gò khuôn vào một hoàn cảnh nào đó", bạn thinman nói.

Đề văn hay, không gò bó và đầy tính sáng tạo là điều không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, đề văn này vẫn mắc nhiều lỗi không đáng có như: còn sót lỗi chính tả: lặp từ "bài hát", tên tác giả thiếu chữ n và tên ban nhạc The Beatles gõ thiếu chữ s và trích dẫn không nêu rõ đây là lời trong bài hát nào...

Dưới đây, Eva xin trích đăng nguyên văn bài làm của một học sinh Ams

John Lennon (1940 -1980), cố nghệ sĩ ban nhạc The Beatles, khi còn sống đã sáng tác rất nhiều bài hát có lời ca giàu ý nghĩa nhân sinh lớn lao, góp phần gây dựng tên tuổi lừng lẫy của nhóm nhạc tới từ thành phố cảng Liverpool.

Hot: Đề thi Văn lạ của trường Ams - 2
John Lennon (1940 -1980), cố nghệ sĩ ban nhạc The Beatles

Một phần tuổi thơ của tôi đã gắn với những giai điệu, lời lẽ sâu lắng của "Let It Be", du dương của "Yesterday"...nhưng có lẽ, một trong những lời hát để lại ấn tượng nhất trong lòng tôi là những câu trong bài hát "Instant Karma": Phải chăng chúng ta đều tỏa sáng, như mặt trăng, như những vì sao và như mặt trời...

Đặt trong bối cảnh năm xưa, khi thế giới còn chìm trong chiến tranh, bạo lực, phân biệt chủng tộc,...thì ca khúc "Instant Karma của John đã ra đời như thế. "Tất cả chúng ta...", xét theo hoàn cảnh lịch sử đó, có tác dụng như lời tổng động viên người dân từ các nước thuộc địa hãy vùng lên, bớt tự ti đi để vươn lên giành được tự do độc lập cho dân tộc.

Bên cạnh đó, ông dùng từ "Tất cả" chứ ko phải "đa số"để bộc lộ niềm tin vào một thế giới mới, nơi con người có thể chung sống trong hòa bình, cùng yêu thương lẫn nhau. Thứ gọi là"công lý thuộc về kẻ mạnh"hiện hữu trong xã hội sẽ bị loại bỏ, thay thế bởi đức tin vào khả năng tiềm ẩn trong mỗi con người bởi ai cũng có thể "tỏa sáng". Nếu áp dụng vào hoàn cảnh thực tế hiện nay, điều này lại càng quan trọng. Dù nền hòa bình đã được thiết lập nhưng định kiến dành cho người kém may mắn hơn trong xã hội vẫn còn tồn tại, một điều không thể chối cãi. Lời bài hát như lời nhắn nhủ nhẹ nhàng rằng: hãy tự tin vào chính bản thân mình để vươn lên, gắng chiếm lấy vị trí tốt đẹp hơn trong xã hội. Dám thay đổi để mạnh mẽ hơn, dám vươn vai rũ bỏ những ràng buộc vô hình đang bóp nghẹt cuộc sống, dám mạo hiểm đối mặt với nỗi sợ hãi thất bại, thử hỏi nếu không có thứ đức tin vào tiềm năng của bản thân liệu ta có DÁM không?

"No pain-no gain"-không vào hang cọp không bắt được cọp con-chỉ có niềm tin vào trí lực của bản thân mới là kim chỉ nam soi đường dẫn lối cho chúng ta trên con đường đời phía trước mà thôi.

Bạn nghĩ sao về đề thi Ngữ Văn này? Xin vui lòng ấn BÌNH LUẬN!

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giáo dục