Làm gì để bé hết nôn trớ?

Ngày 04/04/2013 05:36 AM (GMT+7)

Bé thường xuyên bị nôn trớ là do người lớn chăm sóc không đúng cách.

Nôn trớ là triệu chứng rất hay gặp ở trẻ em. Trẻ càng nhỏ thì biểu hiện nôn trớ càng nhiều. Đó chính là tình trạng các chất chứa đựng trong dạ dày (như thức ăn, dịch dạ dày, dịch mật…) bị tống ra ngoài theo đường miệng.

Ở trẻ sơ sinh, có tới 20 – 50% trẻ bị nôn trớ sau ăn và thường tự khỏi khi bé 6 – 12 tháng tuổi. Nôn trớ còn hay gặp trong nhiều bệnh khác nhau của trẻ nhỏ. Nôn trớ làm rối loạn chất điện giải và nước, gây tổn hại đến sức khỏe trẻ, vì thế cần cho trẻ đi khám, tìm nguyên nhân và được xử trí kịp thời.

Nguyên nhân hay gặp ở trẻ bị nôn trớ

Trẻ bị nôn trớ có thể mắc một số bệnh như tắc ruột, hẹp phì đại môn vị, dị tật ống tiêu hóa hoặc các bệnh nhiễm trùng tại chỗ và toàn thân như nhiễm khuẩn tai mũi họng, viêm màng não, viêm phổi, rối loạn nước và điện giải…

Các bệnh này bắt buộc phải có sự can thiệp của thầy thuốc mới giải quyết được. Ngoài ra, trẻ bị nôn trớ cũng liên quan đến yếu tố dinh dưỡng. Khi bé có cơ địa không dung nạp đường lactose, có thể bé rất hay bị nôn trớ.

Làm gì để bé hết nôn trớ? - 1
Bé thường xuyên bị nôn trớ là do người lớn chăm sóc không đúng cách. (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, đa phần là do người lớn chăm sóc trẻ không đúng cách, khiến trẻ bị nôn trớ khi ăn, như: mùi vị các loại thức ăn không thích hợp với trẻ, ép trẻ ăn, gây cho trẻ cảm giác sợ ăn nên khi ăn có phản xạ nôn; cho trẻ ăn thức ăn gây đầy hơi, chướng bụng; cách cho trẻ ăn không đúng…

Làm gì để bé hết nôn trớ?

Với các nguyên nhân về dinh dưỡng, cha mẹ có thể khắc phục bằng các cách sau:

- Nếu trẻ không dung nạp đường latose, một loại đường có trong sữa thì chọn loại sữa không có latose.

- Khi cho bú bình, phải nghiêng bình sữa 45 độ C để sữa ngập hết cổ bình, tránh tình trạng trẻ nuốt phải hơi, gây đầy bụng.

- Không cho trẻ ngậm núm vú giả.

- Tạo cảm hứng cho trẻ khi ăn, được cùng ăn với gia đình và bạn bè hoặc cho búp bê ăn… không ép trẻ ăn làm trẻ sợ hãi và dễ nôn trớ khi phải ăn.

- Cho trẻ ăn vừa đủ, không ăn quá no, sẽ gây ấm ách, khó chịu.

- Khi đưa thức ăn vào miệng trẻ, tránh để dụng cụ cho ăn lâu trong miệng trẻ hoặc kích thích vào răng hay họng trẻ, bởi những việc làm này sẽ gây phản xạ nôn.

- Nếu thức ăn không hợp, cha mẹ nên thay đổi cho bé. Khi cho trẻ ăn thức ăn mới, cha mẹ cần tập cho trẻ thích nghi dần.

- Một số loại thức ăn dễ gây dị ứng cho trẻ như trứng, các loại hải sản… Nếu trẻ dị ứng loại nào thì tránh loại đó. Nhiều trẻ khi nhỏ dị ứng với một số loại thức ăn, nhưng khi lớn lên lại thích nghi được, vì vậy, cha mẹ cũng cần chú ý để da dạng thức ăn cho trẻ.

Theo BSCKI Phạm Thị Thục (Cha mẹ & con)
Nguồn:

Tin bài cùng chủ đề Tư vấn sức khỏe trẻ em