Mách mẹ cách giúp đi ngoài cho trẻ bị táo bón lâu ngày

Linh San - Ngày 22/05/2022 12:28 PM (GMT+7)

Trẻ bị táo bón lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe chung, làm chậm quá trình phát triển, đồng thời có thể gây nên nhiều bệnh lý khác. Vì thế, mẹ cần phải tìm cách giúp trẻ đi ngoài khi bị táo bón để tránh ảnh hưởng đến tâm lý cũng như sức khỏe của trẻ.

Táo bón là bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa và thường gặp ở trẻ em. Theo các thống kê, có khoảng 30% trẻ em bị táo bón cần phải được quan tâm. Trẻ mắc bệnh táo bón có thể là táo bón thực thể hoặc táo bón chức năng.

Triệu chứng khi trẻ bị táo bón lâu ngày?

Táo bón lâu ngày hay còn được gọi là táo bón kéo dài bao gồm các triệu chứng như:

- Trẻ đi đại tiện ít hơn 3 lần/ tuần và có thể giảm theo mức độ nghiêm trọng của táo bón.

- Trẻ đi đại tiện khó khăn như phải dùng hết sức để rặn, vận động hoàn toàn các cơ bụng, cơ hoành trong khoảng thời gian kéo dài.

Trẻ bị táo bón lâu ngày phải làm sao? (Ảnh minh họa)

Trẻ bị táo bón lâu ngày phải làm sao? (Ảnh minh họa)

- Khi đi đại tiện trẻ có phân rắn, lổn nhổn từng cục giống như phân dê.

- Trẻ bị táo bón có thể đi ra máu do dùng lực rặn mạnh dẫn đến vùng niêm mạc hậu môn bị xây xát.

- Trẻ bị đau bụng dữ dội, kèm theo các biểu hiện đầy hơi, chướng bụng.

- Khi trẻ đi ngoài, cần phải thường xuyên dùng đến sự hỗ trợ từ bên ngoài để giúp việc đi đại tiện trở nên dễ dàng hơn.

Trẻ bị táo bón lâu ngày có sao không ?

Khi bị táo bón lâu ngày và kéo dài có thể dẫn đến những tác hại nghiêm trọng nếu như không được điều trị tích cực như:

- Gây tích tụ độc tố trong cơ thể của trẻ: Hằng ngày, cơ thể cần phải đào thải độc tố bằng cách đi đại tiện mỗi ngày nhưng khi bị táo bón lâu ngày, trẻ rất khó có thể đi đại tiện mỗi ngày khiến cơ thể tồn đọng độc tố và làm ảnh hưởng đến cơ quan bên trong cơ thể.

- Gây nứt hậu môn: Nguyên nhân là do phân bị tích tụ lâu ngày ở đại trực tràng nên sẽ to và rắn chắc hơn, kích thước khối phân càng lớn thì càng đòi hỏi sự giãn nở tại ống hậu môn. Nếu trẻ cố rặn sẽ gây rách hậu môn, kèm theo là đại tiện ra máu, rất đau đớn. Bên cạnh đó, khi việc này không được khắc phục sớm sẽ gây chảy máu hậu môn dẫn đến tình trạng thiếu máu.

- Gây cảm giác đau đớn mỗi khi đi ngoài: Khi bị đau đớn mỗi khi đi ngoài do táo bón kéo dài sẽ khiến trẻ có tâm lý sợ hãi và có xu hướng nhịn đại tiện ngay cả khi trẻ có nhu cầu làm.

- Gây tình trạng áp-xe cạnh hậu môn, viêm ống hậu môn trực tràng, rò hậu môn: Do bị táo bón lâu ngày sẽ hình thành nên khối phân cứng, trẻ cố rặn sẽ càng làm tổn thương vùng niêm mạc trực tràng, ống hậu môn gây viêm nhiễm.

- Nguy cơ tắc ruột: Phân ở trong đại trực tràng càng lâu sẽ càng rắn, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc ruột hoặc bán tắc ruột với những triệu chứng như đau bụng từng cơn xảy ra liên tục, chướng bụng, không đánh hơi hay đi ngoài được.

Trẻ bị táo bón lâu ngày thường gây nên nhiều hệ lụy. (Ảnh minh họa)

Trẻ bị táo bón lâu ngày thường gây nên nhiều hệ lụy. (Ảnh minh họa)

- Nguy cơ tăng áp lực ruột: Trẻ có thể dễ gặp phải nguy cơ bị viêm ruột thừa do tình trạng lòng ruột thừa bị ứ đọng phân, dịch ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, nếu bị táo bón kéo dài còn gây suy yếu, giãn ruột già, tạo thành những túi thừa đại tràng và tăng nguy cơ thủng ruột.

- Làm ảnh hưởng tâm lý: Khi bị táo bón lâu ngày, trẻ sẽ cảm thấy ăn uống không ngon miệng, mất ngủ, khó chịu, cơ thể mệt mỏi, dần dần xuất hiện sự chán ăn, ám ảnh, khóc lóc và sợ hãi không muốn đi đại tiện.

Cách giúp trẻ đi ngoài khi bị táo bón

Cho trẻ uống nhiều nước

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón lâu ngày ở trẻ có thể do trẻ uống ít nước, đặc biệt là những trẻ trên 1 tuổi (giai đoạn chuyển từ uống sữa, ăn bột sang những dạng thức ăn thô, thiếu nước). Vì thế, trẻ nên được uống nước đầy đủ theo độ tuổi để đi ngoài dễ dàng hơn.

Tăng cường bổ sung rau củ quả màu xanh

Phụ huynh nên tăng cường bổ sung cho trẻ những loại hoa quả có tính nhuận tràng, chứa hàm lượng chất xơ hòa tan cao (chất xơ hòa tan có tác dụng hòa tan trong chất lỏng và đường ruột dưới dạng gen giúp làm mềm phân và đẩy phân ra ngoài dễ dàng hơn).

Hơn thế nữa, những loại chất xơ hòa tan còn là thức ăn để các vi khuẩn có lợi ở đường ruột gắn kết với các acid mật trong ruột làm nhũ tương hóa chất béo của thức ăn (giúp thức ăn dễ tiêu), thẩm thấu, kết nối với các cholesterol và thải trừ chúng ra khỏi cơ thể.

Có nhiều cách giúp trẻ đi ngoài khi bị táo bón. (Ảnh minh họa)

Có nhiều cách giúp trẻ đi ngoài khi bị táo bón. (Ảnh minh họa)

Một số loại rau củ quả có tính nhuận tràng như súp lơ, mồng tơi, rau đay, các loại đậu, chuối, bơ, táo, mâm xôi...nên được bổ sung hàng ngày trong thực đơn của trẻ.

Cho trẻ vận động nhiều hơn

Khi vận động thường xuyên, đặc biệt là sự co bóp cơ bụng sẽ giúp việc đại tiện dễ dàng hơn. Với trẻ từ 1 tuổi trở lên, bố mẹ có thể cho con vui chơi và vận động ngoài trời, tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng, tạo tâm lý thoải mái. Còn đối với trẻ sơ sinh. mẹ có thể thực hiện một số động tác như nắn tay, nắn chân hoặc vươn vai...

Thực hiện đi vệ sinh đúng giờ, đúng cách cho bé

Đây là cách giúp trẻ đi ngoài khi bị táo bón lâu ngày hiệu quả nhưng nhiều cha mẹ lại khá thờ ơ. Việc tạo phản xạ cho trẻ và giúp trẻ duy trì việc đi vệ sinh đúng giờ, đúng cách sẽ giúp mang đến hiệu quả cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, lưu ý là phụ huynh không nên cho trẻ dùng các thiết bị điện tử và làm cho trẻ bị phân tâm trong lúc đi vệ sinh.

Cách trị táo bón cho trẻ theo dân gian

- Ngâm hậu môn cho trẻ vào chậu nước ấm: Ngâm trong khoảng 5 phút sẽ giúp hỗ trợ trẻ đi vệ sinh dễ dàng hơn do nước ấm có khả năng kích thích cơ vòng hậu môn, tăng cường thúc đẩy hoạt động nhu động ruột. Mẹ lưu ý, chỉ nên dùng nước ấm ngâm hậu môn cho trẻ khi trẻ được từ 1 tuổi trở lên và cần phải thử nhiệt độ nước trước khi đưa hậu môn của bé vào ngâm do da bé rất nhạy cảm, nước quá nóng có thể làm cho da bé bị ửng đỏ hoặc gây bỏng rát.

- Massage bụng cho trẻ: Massage bụng giúp tăng cường nhu động ruột, giúp trẻ đi đại tiện dễ dàng hơn. Khi massage còn giúp trẻ thư giãn tinh thần, kích thích ăn ngon và ngủ sâu giấc, hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Thực hiện massage theo chiều kim đồng hồ, từ trong ra ngoài tại phần bụng quanh rốn trẻ để phát huy tác dụng.

Cách massage bụng cho trẻ. (Ảnh minh họa)

Cách massage bụng cho trẻ. (Ảnh minh họa)

- Dùng mật ong: Mật ong có tính nóng và nhờn nên sẽ giúp kích thích sự hoạt động tại vùng cơ hậu môn. Mẹ chỉ cần sử dụng một chút mật ong nguyên chất, thoa lên bông gòn và ngoáy sâu trong hậu môn của bé, thực hiện 5-6 lần/ ngày là trẻ có thể hết táo bón.

- Dùng bồ kết: Lấy khoảng 5-6 quả bồ kết, mang nướng lên và bỏ trong nồi đun sôi cùng 500ml nước. Đợi nước nguội thì mẹ dùng xi lanh bơm dung dịch này vào trong hậu môn của trẻ. Bé có thể đi vệ sinh ngay sau đó.

- Dùng rau mồng tơi: Do ngọn mồng tơi có tính nhớt nên bôi trơn hậu môn của bé rất hiệu quả. Mẹ chỉ cần lấy 1 cọng rau mồng tơi rửa sạch, tước lấy vỏ ngoài và lấy cuống ngoáy hậu môn của trẻ từ 3-4 lần. Làm liên tục trong vài ngày thì chứng táo bón sẽ chấm dứt.

Khi trẻ bị táo bón lâu ngày, cha mẹ cần phải bình tĩnh và tìm cách điều trị phù hợp, không nên cho trẻ uống thuốc nhuận tràng, thuốc xổ, tuyệt đối không thụt tháo dẫn đến tình trạng hậu môn bị tổn thương, làm giảm co thắt hậu môn và làm cho bé bị phụ thuộc vào thuốc.

Cách nhận biết và chăm sóc trẻ sơ sinh bị táo bón
Trẻ sơ sinh bị táo bón thường xuyên là do hệ tiêu hóa vẫn chưa hoàn thiện. Khi bị táo bón, bé sẽ có cảm giác khó chịu, mệt mỏi, ít ăn, khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng kém. Việc biết cách nhận biết trẻ sơ sinh bị táo bón sớm sẽ giúp cha mẹ đơn giản hơ

Chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách

Linh San Tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh táo bón